Thứ sáu, 26/04/2024, 12:37 [GMT+7]

Cần bảo đảm hài hòa hơn quyền lợi của người mua bảo hiểm

Thứ tư, 30/03/2022 - 09:37'
Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi. Trong đó, bảo vệ quyền và lợi ích của người mua bảo hiểm là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sáng 29/3, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, các vấn đề đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý như kết cấu của dự thảo luật; nguyên tắc áp dụng luật; hợp đồng bảo hiểm; về doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài; đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; bảo hiểm vi mô.

Các đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi. Ảnh: Hồ Long

Đối với quy định về hợp đồng bảo hiểm, một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát và làm rõ các quy định về hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm vừa phù hợp với các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, vừa bảo đảm tính đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Tuy nhiên, để bảo đảm nhất quán giữa các quy định trong chính dự thảo Luật, phù hợp với các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, bảo đảm tính đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện các quy định về hợp đồng bảo hiểm tại dự thảo Luật như quy định về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe cho trường hợp chết, thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm…, sau đó tiếp tục hoàn thiện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Ba tới (tháng 5/2022).

Cho ý kiến Dự thảo luật, ĐB Điểu Huỳnh Sang (tỉnh Bình Phước) cho rằng, dự thảo luật cần bảo đảm hài hòa hơn quyền lợi của người mua bảo hiểm. Theo đó cần quy định các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phải chi tiết hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm. Đặc biệt, cần quy định chặt chẽ trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm trong việc sử dụng thông tin cá nhân của người mua bảo hiểm.

Liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích của người mua bảo hiểm, ĐB Trần Văn Tuấn (tỉnh Bắc Giang) cũng cho rằng cần bổ sung trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và hậu quả đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm, và đây phải là “yêu cầu bắt buộc” trong hợp đồng bảo hiểm. Lý do theo ĐB Trần Văn Tuấn là bởi mặc dù luật đã quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin, và trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm. Nhưng thực tế cho thấy nếu hợp đồng bảo hiểm không có điều khoản về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng và hậu quả đơn phương chấm dứt hợp đồng thì vẫn có trường hợp người mua bảo hiểm không biết, không hiểu do việc cung cấp thông tin, tư vấn cho người mua bảo hiểm chưa đầy đủ, cặn kẽ. Khi xảy ra trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng thì người mua bảo hiểm có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng, hoặc đòi lại nhưng không được như mong muốn sẽ cảm thấy bức xúc, cảm thấy bị doanh nghiệp lừa, từ đó khiếu nại tố cáo.

“Do đó luật cần bổ sung trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng và hậu quả đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sẽ tăng cường trách nhiệm trong cung cấp thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm đối với người mua bảo hiểm. Tránh việc doanh nghiệp không cung cấp thông tin hoặc thông tin mập mờ, làm cho người mua bảo hiểm khi ký hợp đồng tin tưởng nhưng đến khi không có khả năng đóng phí đầy đủ, bị chấm dứt hợp đồng nếu biết mình không có quyền đòi lại khoản phí đã đóng, hoặc khoản phí hoàn trả không như mong muốn thất vọng, bức xúc, mất niềm tin với doanh nghiệp”- ĐB Trần Văn Tuấn cho hay. 

Đề cập đến bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm, theo ĐB Hoàng Thị Thanh Thúy (tỉnh Tây Ninh), về chi phí hợp lý tại Điều 22 dự thảo luật quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại chi phí cho bên mua bảo hiểm sau khi trừ đi các chi phí hợp lý trong hợp đồng bảo hiểm. “Tuy nhiên lại không nêu rõ “thế nào là chi phí hợp lý”? mà phụ thuộc vào sự thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm”- ĐB Thúy nêu vấn đề. Từ đó ĐB Thanh Thúy cho rằng “cần đưa chi phí hợp lý vào trong hợp đồng bảo hiểm để tránh trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm cố tình lược đi các chi phí không hợp lý, ép người mua bảo hiểm phải chịu”.

Cập nhật Thứ ba, 29/03/2022 16:32 (GMT+7)/Mỹ Anh/dangcongsan.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...