Thứ năm, 09/05/2024, 07:11 [GMT+7]

Kinh nghiệm xây dựng và triển khai kế hoạch cải cách hành chính cấp tỉnh từ Chương trình Quản trị Nhà nước và Cải cách Hành chính (GOPA I) giai đoạn 2008 - 2011

Thứ năm, 11/09/2014 - 08:39'
Từ năm 1996, Chính phủ Đan Mạch đã có những hỗ trợ về quản trị nhà nước và cải cách hành chính (CCHC) cho Việt Nam. Ban đầu hỗ trợ của Đan Mạch tập trung cho tỉnh Đắk Lắk, sau đó mở rộng ra 4 tỉnh Đắk Nông, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên trong Giai đoạn 1 của Chương trình Quản trị Nhà nước và Cải cách Hành chính (GOPA I) giai đoạn 2008 - 2011.

 

GOPA I ban đầu tập trung hỗ trợ các tỉnh tham gia lập kế hoạch và triển khai kế hoạch CCHC hàng năm. Với hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật của DANIDA, các tỉnh đã chuẩn bị ngân sách và kế hoạch CCHC hàng năm, kết hợp giữa nguồn vốn của DANIDA và của tỉnh. Nhìn chung, phần lớn ngân sách CCHC dành cho việc nâng cấp các đơn vị “một cửa”, cải tiến thủ tục hành chính, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO và thúc đẩy CCHC theo tinh thần Chương trình CCHC của Chính phủ trong đó có đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức (CBCC) nhất là những người tham gia trực tiếp vào CCHC để thực hiện việc lập kế hoạch, quản lý, thực hiện và thúc đẩy CCHC theo kết quả, cũng như các phương pháp theo dõi, đánh giá và tham vấn người dân.

Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình GOPA I, các tỉnh nằm trong Chương trình GOPA I đã rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
1. Đối với việc lập kế hoạch cải cách hành chính: Thực tế triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện CCHC hàng năm trong những năm qua tại các địa phương đều đã đưa ra được các kế hoạch CCHC; xây dựng chỉ số đầu vào, đầu ra và kết quả. Thực tiễn các tỉnh trong Chương trình GOPA những năm qua cho thấy việc xây dựng kế hoạch CCHC được thực hiện thường xuyên theo yêu cầu của Chính phủ. Các cấp, các ngành đã cố gắng tuân thủ các văn bản, quy định của cấp trên, kết hợp với tình hình thực tế tại ngành hay tại địa phương mình để lên kế hoạch.
Qua triển khai Chương trình GOPA, với việc áp dụng xây dựng và thực hiện kế hoạch CCHC theo khung lô gích, kế hoạch của các tỉnh tham gia đã có những tiến bộ rõ rệt. Một số CBCC trực tiếp thực hiện CCHC tại Sở Nội vụ và một số sở, ngành, huyện, thị xã tại các tỉnh đã được tập huấn theo phương thức lập kế hoạch và triển khai kế hoạch này. Một mặt, kế hoạch CCHC bám sát theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh và chương trình CCHC tổng thể của Nhà nước, mặt khác, thể hiện rõ các hoạt động cụ thể với nguồn lực đầu vào cần có và thời gian thực hiện, dự kiến kết quả đạt được, chỉ số thực hiện và phương tiện xác minh kết quả, đơn vị hay cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện, phối hợp với sở, ngành hay địa phương nào. Với kế hoạch được xây dựng chi tiết này, việc thực hiện và theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện CCHC trở nên dễ dàng hơn.
2. Đối với việc thực hiện CCHC: Các tỉnh trong Chương trình GOPA I đã tập trung xác định đúng những đối tượng tham gia CCHC, bởi CCHC là một tiến trình lâu dài, phức tạp, với sự tham gia của nhiều đối tượng khác nhau với các vai trò, chức năng và nhiệm vụ khác nhau. Việc xác định đúng đối tượng tham gia CCHC cho thấy thành công hay thất bại trong tiến trình này lệ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp giữa các nhân tố này. Nhưng qua thực tiễn triển khai GOPA I, có bốn nhóm đối tượng khác tham gia vào quá trình CCHC này là: các nhà lãnh đạo chính trị; các nhà hành chính; các chuyên gia về cải cách; nhân dân hay một bộ phận nhân dân.
Bên cạnh đối tượng tham gia CCHC, các tỉnh cũng rút ra kinh nghiệm từ việc phân công và phối hợp giữa các cơ quan, CBCC trong thực hiện CCHC; cơ chế điều hành và quản lý. Bởi trong CCHC cần phải phân công rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, cơ quan nào chịu trách nhiệm về chỉ đạo chung, cơ quan nào là đầu mối về CCHC, cơ quan nào lập dự toán ngân sách CCHC, cơ quan nào chủ trì các đề án CCHC và cơ quan nào xây dựng kế hoạch CCHC và tổ chức thực hiện khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc phối hợp thực hiện CCHC cũng được đánh giá là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự thành công của CCHC, như: cơ chế phối hợp, hình thức phối hợp, nguyên tắc phối hợp.
3. Đối với vấn đề theo dõi, đánh giá và báo cáo về cải cách hành chính, tiếp theo bước lập kế hoạch và triển khai thực hiện kế hoạch, việc theo dõi tiến độ và đánh giá các kết quả thực hiện kế hoạch CCHC là công việc không thể thiếu trong quy trình quản lý thực hiện CCHC nói chung ở cấp tỉnh nói riêng. Để thực hiện tốt công việc trong quá trình này, cần nắm rõ được khái niệm theo dõi và đánh giá. Bên cạnh đó, cũng cần nắm được các bước của theo dõi và đánh giá, như: thu thập thông tin/dữ liệu và cơ chế theo dõi và các phương pháp đánh giá. Sau khi đã tiến hành đầy đủ các bước ở trên mới bắt tay vào việc viết báo cáo về CCHC. Việc đánh giá thực hiện CCHC nhằm: đánh giá tính hiệu suất và hiệu quả của việc sử dụng các nguồn lực; đánh giá tác động của kế hoạch/chương trình đối với kinh tế - xã hội của địa phương; đánh giá tính phù hợp của các hoạt động, kết quả, lĩnh vực và mục tiêu đã được xây dựng và thực hiện; đánh giá tính bền vững của các kết quả đã đạt được; đánh giá cơ cấu, hệ thống và các quy trình tổ chức thực hiện kế hoạch/chương trình; rút ra các bài học kinh nghiệm cho kế hoạch/giai đoạn (Chương trình) tiếp theo.
4. Đối với vấn đề xây dựng năng lực cán bộ, công chức trong CCHC cấp tỉnh, các tỉnh nằm trong Chương trình GOPA I xác định việc nâng cao năng lực cán bộ, công chức là một trong những yếu tố quan trọng trực tiếp góp phần tạo nên những thành công của CCHC, vì vậy, cần được tập trung đầu tư một cách đúng đắn. Việc đánh giá và nắm được khái niệm về năng lực và năng lực cán bộ, công chức. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cần có phương pháp luận đào tạo năng lực, quy trình học tập và quy trình đào tạo năng lực, lập kế hoạch và quản lý đào tạo, thiết kế chương trình và phương pháp đào tạo CBCC, đánh giá đào tạo và cuối cùng là tập huấn giảng viên.
Phương thức đào tạo truyền thống tập trung nhiều vào việc truyền thụ kiến thức, vì vậy có nhược điểm là học viên học được nhiều điều song không áp dụng được vào công việc thực tiễn. Với yêu cầu của CCHC hiện nay chuyển trọng tâm sang việc tạo được kết quả và thực thi công tác, đào tạo CBCC phải chuyển sang việc xây dựng các kỹ năng thực thành cho học viên. Với đối tượng học viên là CBCC, ngày nay, đào tạo năng lực và phát triển năng lực là phương thức tiếp cận mới trong quản lý và phát triển nguồn nhân lực. Phương thức này gồm ba bước: (1) xác định các nội dung và yêu cầu công việc; (2) xác định các năng lực cần có cho công việc; (3) tiến hành các hoạt động đào tạo và phát triển để nâng cao năng lực.
5. Thu hút sự tham gia và tham vấn của tổ chức và công dân trong cải cách hành chính, bao gồm việc thông tin, tuyên truyền về CCHC thông qua các kênh thông tin, tuyên truyền về CCHC; hình thức thông tin, tuyên truyền CCHC; nội dung thông tin tuyên truyền về CCHC. Tham vấn tổ chức và công dân được thực hiện dưới hai hình thức là tham vấn trực tiếp và tham vấn gián tiếp. Tham vấn trực tiếp là hình thức tham vấn trực diện giữa tổ chức, công dân với các cấp chính quyền, bao gồm: tổ chức phổ biến và trao đổi lấy ý kiến về CCHC từ các cán bộ và người dân, tổ chức tiếp công dân, phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn nhóm. Tham vấn gián tiếp để thu thập thông tin, ý kiến về CCHC đã được áp dụng tại nhiều nơi trong chương trình, có thể dưới các hình thức phát phiếu hỏi, lập đường dây nóng, phỏng vấn qua điện thoại, hòm thư góp ý, phiếu đánh giá và lấy thông tin, ý kiến qua mạng điện tử. Việc thu hút sự tham gia của người dân cũng là một trong những vấn đề quan trọng bảo đảm thành công cho CCHC, thu hút sự tham gia rộng rãi của người dân đóng góp ý kiến là việc làm không thể thiếu và là một yêu cầu quan trọng đặt ra đối với các cấp chính quyền cũng như CBCC.
Thu hút sự tham gia của cá nhân công dân được thực hiện qua các hình thức hướng tới khả năng tham gia của họ như tuyên truyền và góp ý qua mạng thông tin điện tử, lập đường dây nóng, phiếu thăm dò ý kiến…hoặc thông qua các tổ chức mà họ tham gia. Hiện nay, cũng có hình thức tham gia khác mà các tỉnh trong Chương trình GOPA I cũng đã sử dụng là các trang mạng xã hội được tổ chức trên mạng thông tin điện tử như blog, trang website… Thu hút sự tham gia và tham vấn của tổ chức và công dân vào CCHC như khẩu hiệu “Chung tay cải cách hành chính” trong thực hiện Đề án 30 của Chính phủ là một nội dung quan trọng. Công việc này góp phần xây dựng và củng cố sự đồng thuận của xã hội, phát hiện các vấn đề cần khắc phục nhằm thay đổi tâm lý từ một nền hành chính cai trị sang nền hành chính phục vụ, xây dựng một nền hành chính văn minh, hiện đại theo định hướng và mục tiêu của Kế hoạch tổng thể cải cách nền hành chính nhà nước ta trong giai đoạn 2011 - 2020 hiện nay.
 

 

Theo Trang tin điện tử Cải cách hành chính Nhà nước

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Trọn chữ “tâm” với hoạt động công đoàn
(BLC) - Theo danh sách những điển hình trong hoạt động công đoàn do Liên đoàn Lao động tỉnh cung cấp, chúng tôi tìm gặp chị Bùi Thị Kim Liễu (Quản đốc Nhà máy chế biến Chè Lai Châu, Chủ tịch Công...