Thứ tư, 08/05/2024, 19:36 [GMT+7]

“Một cửa điện tử” – Bước tiến cải cách hành chính địa phương

Thứ tư, 07/01/2015 - 10:07'
(BLC) – Thời gian qua, Sở Nội vụ triển khai mô hình “Một cửa điện tử” ở 2 đơn vị cấp huyện, thành phố, 2 đơn vị cấp xã, góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Phóng viên BáoLaiChâu Online có cuộc phỏng vấn đồng chí Trần Văn Vấn – Phó Giám đốc Sở Nội vụ về vấn đề này.

Phóng viên (P.V): Đồng chí cho biết kế hoạch, kết quả triển khai mô hình “Một cửa điện tử” ở tỉnh Lai Châu?

Đồng chí Trần Văn Vấn: Mô hình “Một cửa điện tử” có thể xem là bước tiến của phòng “Một cửa”. Thay vì cán bộ phòng và người dân làm việc trên giấy tờ thì nay khi nhận mọi thủ tục, cán bộ sẽ nhập dữ liệu trên máy vi tính thông qua phần mềm “Một cửa điện tử”. Hồ sơ mỗi cá nhân, tập thể đến làm việc được số hóa nên việc tra tìm chính xác, đơn giản. Cán bộ, lãnh đạo tiếp nhận và giải quyết các thủ tục ngay trên phần mềm. Người lãnh đạo kiểm tra và nắm được toàn bộ thông tin, tình trạng thẩm định và tiến độ xử lý hồ sơ trên mạng chung và quản lý trực tiếp phòng “Một cửa điện tử” bằng camera quan sát.

Có được kết quả đó là nhờ sự giúp đỡ của Đại sứ quán Đan Mạch về kinh phí và sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, năm 2012, tỉnh ta thực hiện thí điểm mô hình “Một cửa điện tử” tại UBND thị xã Lai Châu (nay là thành phố Lai Châu). Năm 2013, tiếp tục nhân rộng mô hình “Một cửa điện tử” tại UBND huyện Tam Đường và triển khai thí điểm tại 2 phường: Đoàn Kết, Quyết Thắng (thành phố Lai Châu).

Qua hệ thống phần mềm “Một cửa điện tử”, sẽ công khai việc giải quyết thủ tục hành chính. Cá nhân, đơn vị có thể tra cứu hồ sơ của mình đã được giải quyết đến khâu nào ngay trên mạng internet.

Mô hình “Một cửa điện tử” phù hợp với sự phát triển công nghệ thông tin chung và người lãnh đạo có thể quản lý việc đón tiếp công dân. Với mô hình này, lãnh đạo, Nhân dân quản lý cán bộ trực tiếp, sát sao hơn. Công việc được sắp xếp theo quy trình nên khoa học hơn. Cán bộ phòng “Một cửa điện tử” thích nghi với phương thức làm việc hiện đại, nâng cao tinh thần trách nhiệm khi phục vụ Nhân dân.

P.V: Hiện nay ở tỉnh ta, việc triển khai mô hình “Một cửa điện tử” gặp phải những khó khăn gì?

Đồng chí Trần Văn Vấn: Ở tỉnh ta hiện nay, số lượng cấp xã trên địa bàn tỉnh tương đối lớn nên triển khai mô hình “Một cửa điện tử” sẽ tốn kém kinh phí đầu tư xây dựng ban đầu. Trong khi đó, các thủ tục ở đơn vị cấp xã đa số là chứng thực nên không khai thác hết công dụng “Một cửa điện tử”.

Đối với những đơn vị đã triển khai mô hình “Một cửa điện tử”, các phòng “Một cửa điện tử” được đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ cả về phần cứng, phần mềm do kinh phí hạn chế. Bên cạnh đó, việc phòng “Một cửa điện tử” chưa được bố trí riêng, một số nơi còn phải làm việc chung với văn thư nên chưa đáp ứng được một số mục tiêu: phòng thoáng mát, hiện đại, đảm bảo cho người đến giao dịch thoải mái khi làm việc.

Áp dụng phần mềm “Một cửa điện tử” giúp cán bộ Phòng tiếp nhận và trả kết quả phường Tân Phong, thành phố Lai Châu phục vụ người dân tốt hơn.

Do cách làm truyền thống công tác quản lý hồ sơ, tài liệu đều vẫn trên giấy tờ nên khi chuyển sang mô hình “Một cửa điện tử” gặp khó khăn khi khai thác tài liệu và cập nhật dữ liệu cũ.

Việc đào tạo chuyển giao phần mềm “Một cửa điện tử” giúp cán bộ phòng nắm được quy trình làm việc trên phần mềm song do trình độ công nghệ thông tin của một bộ phận cán bộ còn hạn chế nên chưa khai thác triệt để hiệu quả trang thiết bị được đầu tư.

Công tác tuyên truyền, hướng dẫn cá nhân, đơn vị đến giao dịch ở “Một cửa điện tử” còn hạn chế, người dân quen với lề lối làm việc cũ nên vẫn hỏi trực tiếp cán bộ khi đến giải quyết các thủ tục hành chính.

P.V: Thời gian tới Sở Nội vụ có những giải pháp nào để triển khai, duy trì “Một cửa điện tử”?

Đồng chí Trần Văn Vấn: Theo kế hoạch, năm 2015, Sở Nội vụ tiếp tục đầu tư cho 2 đơn vị cấp huyện áp dụng “Một cửa điện tử” liên thông với các xã. Triển khai và duy trì các bộ phận “Một cửa điện tử” theo quy hoạch phê duyệt.

Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng trình độ công nghệ thông tin, ứng dụng phần mềm “Một cửa điện tử”, kỹ năng thực hiện “Một cửa điện tử”, “Một cửa liên thông điện tử”… cho cán bộ, lãnh đạo để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao.

Áp dụng “Một cửa điện tử” phải có những quy định cụ thể để thay thế hoàn toàn cách làm cũ từ tác phong, cách làm việc của lãnh đạo, cán bộ phòng đến việc hướng dẫn người dân tiếp cận khi đến giao dịch.

Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh việc tuyên truyền về tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin cho người dân ở các khu dân cư. Trong quá trình làm việc, các phòng “Một cửa điện tử” sẽ tiếp thu các phản hồi từ phía Nhân dân để phục vụ ngày càng tốt hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hoa Đá (thực hiện)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Trọn chữ “tâm” với hoạt động công đoàn
(BLC) - Theo danh sách những điển hình trong hoạt động công đoàn do Liên đoàn Lao động tỉnh cung cấp, chúng tôi tìm gặp chị Bùi Thị Kim Liễu (Quản đốc Nhà máy chế biến Chè Lai Châu, Chủ tịch Công...