Thứ năm, 02/05/2024, 10:39 [GMT+7]

70 năm trong ký ức

Thứ sáu, 16/02/2024 - 22:02'
70 năm đã qua, kể từ Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, nhưng mãi còn trong tâm trí mỗi chúng ta âm hưởng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ. Hình tượng người thợ phà tay giữ mỏ neo, một phụ nữ tay nắm chắc mái chèo và một anh bộ đội trong khí thế hào hùng - Tượng đài Di tích lịch sử Bến Âu Lâu là biểu tượng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái cũng như của dân tộc Việt Nam.

C

Tượng đài Di tích lịch sử Bến Âu Lâu.


Bến Âu Lâu nằm trên địa bàn xã Âu Lâu và phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái là nơi góp phần quan trọng vận chuyển cán bộ, bộ đội, dân công, lương thực và vũ khí phục vụ các chiến dịch lớn thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, mở đường đến thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, lập lại hòa bình ở miền Bắc năm 1954. 


Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm đánh bại những cố gắng quân sự cao nhất và cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Quyết tâm chiến lược của Đảng bắt đầu thực hiện bằng quyết tâm hoàn thành chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch, Đảng đã huy động sức mạnh cao nhất của quân dân cả nước cho chiến dịch này.


Đối với Yên Bái, từ cuối năm 1952, Đảng và Chính phủ đã giao cho tỉnh mở đường từ Hiên (Tuyên Quang) đi Ba Khe (Yên Bái) đến đường 41 (Sơn La). Chỉ trong vòng 3 tháng (từ tháng 8 -11 năm 1953), các địa phương trong tỉnh đã huy động hàng chục nghìn dân công với 1.638.000 công sửa và làm mới 188 km đường, bảo đảm xe ô tô có thể chạy nối căn cứ địa Việt Bắc với Tây Bắc. 


Cùng với nhiệm vụ mở đường, quân và dân Yên Bái phải bảo đảm giao thông thông suốt từ hậu phương tới mặt trận; trong đó, có bến phà Âu Lâu - nơi đưa các loại vũ khí hạng nặng như: pháo mặt đất, pháo cao xạ, xe ô tô chở đạn dược, khí tài quân sự vượt sông Hồng vào tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Cuối năm 1953, địch tập trung đánh phá ác liệt các tuyến đường chiến lược chạy qua tỉnh. 


Riêng tuyến 13A từ Yên Bái đến giáp Sơn La, địch đã thả xuống gần 11.800 quả bom các loại; trong đó, có 503 quả bom nổ chậm. Các nơi bị máy bay giặc đánh phá ác liệt nhất là bến phà Âu Lâu, đèo Lũng Lô. Hơn 200 ngày đêm, trên tuyến đường này không lúc nào im tiếng bom rơi, đạn nổ. 


Tuy vậy, bộ đội, dân công của tỉnh đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, vượt qua đèo cao, suối sâu, mưa rét và các trận mưa bom đạn địch, vận chuyển được hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí ra mặt trận. Hàng nghìn thanh niên xung phong phối hợp với các đơn vị công binh anh dũng mở đường san lấp hố bom, phá bom nổ chậm, sửa chữa cầu phà bảo đảm tuyến đường luôn luôn thông suốt. 


Trong thời gian này, bến Âu Lâu được tăng cường cả về nhân lực và phương tiện để chuyên chở vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, dân công, bộ đội vượt sông Hồng; đồng thời, gồng mình chống đỡ những trận bom ác liệt của thực dân Pháp. Ban đêm là lúc chủ yếu diễn ra các hoạt động ở bến Âu Lâu để tránh sự phát hiện của địch, những chuyến phà qua lại một cách nhanh nhất để thông đường cho xe tiếp viện. Để ngăn chặn sự phá hoại của máy bay địch, ban ngày, ta phải kéo phà lên thượng lưu vào Ngòi Lâu nhấn chìm phà, ban đêm lại tát nước kéo phà ra. 


Ông Phạm Trung Tốn, thôn Nước Mát, xã Âu Lâu là một trong những người lái đò trong những tháng ngày oanh liệt đó. Đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng ký ức những ngày lái phà năm xưa ông chẳng quên: "Xe, pháo, bộ đội được chúng tôi đưa qua sông trên những chuyến phà đêm. Không nhớ nổi mình đã đi bao nhiêu chuyến phà, chỉ nhớ cứ nhận nhiệm vụ là anh em nỗ lực hết mình để đảm bảo cho mỗi chuyến phà qua bên kia sông được an toàn tuyệt đối. Tôi còn nhớ mỗi chuyến phà có khoảng 12 nhân công dùng sức người đẩy lên phía thượng nguồn sông Hồng chừng vài trăm mét; sau đó, thả xuôi theo dòng nước và chèo bằng tay chèo để dần qua sông. Ban ngày, máy bay địch bắn phá, để bảo vệ phà, chúng tôi phải giấu phà ở suối Ngòi Lâu. Phải dìm phà xuống nước nơi có những rặng tre mà giấu. Cứ vậy, ngày thì giấu phà, đêm chở phà. Có những khi máy bay địch thả biệt kích, thả pháo sáng nhưng anh em luôn vững tâm hoàn thành nhiệm vụ với những chuyến phà”. 


Góp phần làm nên huyền thoại bến Âu Lâu năm xưa, ngoài những người lái phà như ông Tốn còn là rất nhiều người dân địa phương lái đò, chèo thuyền đưa bộ đội và phương tiện qua sông. 


Ông lão Nguyễn Đức Khôi giờ vẫn sinh sống ở thôn Cửa Ngòi, xã Âu Lâu là một trong số những người lái đò năm ấy. Ông Khôi giờ đã gần 90 tuổi. Gần như cả đời ông gắn bó với con sông, với bến nước nơi này. Theo lời ông Khôi kể, thôn Cửa Ngòi khi xưa gọi là làng Vạn. Ông Khôi sinh ra nơi sông nước này. Suốt cả tuổi thơ lớn lên cùng dòng sông Hồng khi cả nhà sinh sống trên con thuyền nhỏ, mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá. Năm tháng lái đò phục vụ chiến dịch, ông đương độ sức trẻ của thanh niên mười chín, đôi mươi và vẫn gắn với con đò mưu sinh. 


Ông vẫn nhớ những đêm xưa lái đò: "Cứ từ 5 giờ chiều hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau là chúng tôi lái đò đưa bộ đội và xe thồ qua sông. Mỗi một chuyến, con đò của tôi đưa được độ 8 - 10 người, nếu chở xe thồ thì được 3 - 4 xe. Đêm nào cũng vậy, cứ gọi là đi rầm rập suốt đêm. Cũng mệt lắm, nhưng khí thế lắm! Không nhớ rõ bao đêm không ngủ để lái đò như vậy. Tranh thủ ngủ bù ban ngày để đêm lấy sức lái đò sao cho an toàn. Cũng có những lần tôi chèo đò buổi ngày đưa những người làm nhiệm vụ đưa thông tin hỏa tốc phục vụ chiến dịch. Làng vạn năm ấy có nhiều người dân tham gia lái đò lắm. Có cả những chị em phụ nữ như bà Nguyễn Thị Lan là bà chị gái con nhà bác của tôi. Giờ bà Lan cũng vẫn sinh sống ở thôn Cửa Ngòi này”. 


Sử sách còn ghi: "Bến Âu Lâu bình thường chỉ có thể bố trí cho 30 - 40 xe qua một đêm và mỗi chuyến mất 30 phút nhưng với quyết tâm "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” ta đã rút ngắn thời gian vượt sông xuống còn 15 phút và bố trí thêm hàng chục xe vượt sông mỗi đêm, có những đêm đưa được tới 93 xe vượt sông an toàn”. "Bến Âu Lâu là nơi đoàn xe đạp thồ T 20 nổi tiếng của tỉnh Phú Thọ với 100 người thường xuyên chở gạo từ Yên Bái sang nhập kho ở chân đèo Pha Đin. Nơi các chiến sĩ Trung đoàn "Tất Thắng” đưa những khẩu trọng pháo hạng nặng 105 ly tiến vào mặt trận Điện Biên Phủ. Nơi Đại đoàn Bến Tre với những khẩu pháo lớn và những chiếc xe GMC chiến lợi phẩm của Chiến dịch biên giới được ngụy trang hành quân qua... 


Cùng với đó là biết bao vũ khí đạn dược, các phương tiện cơ giới đi vào mặt trận. Tính từ tháng 4/1952 cho tới khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có tới 300.000 tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm cùng hàng vạn lượt bộ đội, dân công qua bến Âu Lâu an toàn”. Với những cố gắng to lớn của quân và dân Yên Bái, tuyến đường Yên Bái - Ba Khe - Sơn La đã được đảm bảo an toàn, thông suốt. Đó chính là con đường huyết mạch từ căn cứ địa Việt Bắc tới mặt trận Điện Biên Phủ. Điều đó, đã góp phần quan trọng trong chiến thắng vĩ đại, chấn động địa cầu và đi tới kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược của dân tộc ta. 


Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ 70 năm trước, ông Nguyễn Đức Khôi còn nhớ rõ niềm vui khôn tả khi hay tin chiến thắng. Ông hòa vào dòng người đông vui sang sân vận động thành phố Yên Bái bây giờ dự lễ mít tinh chào mừng chiến thắng và thấy tự hào khi được góp sức nhỏ bé của mình cho chiến thắng. 70 năm sau, đã sống gần trọn đời người, ông Khôi cũng vẫn một niềm vui, niềm tự hào khi được sống trên mảnh đất quê hương thanh bình, tươi mới, ngày một giàu đẹp như hôm nay.

Theo Báo Yên Bái

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Nêu gương sáng trong cộng đồng dân cư
Mới đây, chúng tôi có chuyến công tác tại xã Mường Khoa (huyện Tân Uyên), được đồng chí Trương Thanh Hiếu - Bí thư Đảng ủy xã giới thiệu về Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Nậm So - Lò Văn Đôi tuy tuổi...