Thứ ba, 21/05/2024, 18:00 [GMT+7]

Kinh nghiệm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh

Thứ tư, 29/06/2016 - 10:59'
Trong nhiệm kỳ qua, hoạt động của HĐND tỉnh ngày càng dân chủ, thực chất, chất lượng và hiệu quả, có nhiều đổi mới cả trong tư duy và thực tiễn hoạt động. 

Đồng chí Bùi Từ Thiện - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Bầu cử tỉnh kiểm tra công tác bầu cử tại bản Ma Ký (xã Mù Cả, huyện Mường Tè). Ảnh: Ngọc Duy

Những kết quả này thể hiện trên tất cả các lĩnh vực nhưng rõ nét nhất là trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; trong hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn, trả lời chất vấn; tiếp xúc cử tri; tiếp công dân; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo... Kết quả đó góp phần thể chế hóa kịp thời, đúng đắn đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh. Hoạt động giám sát được tăng cường và có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan có liên quan. Phương thức giám sát tiếp tục có nhiều đổi mới, được thực hiện bài bản, thiết thực, hiệu quả, nội dung giám sát là những vấn đề trọng tâm, nổi cộm ở địa phương. Hoạt động kỳ họp đã có nhiều cải tiến, đi vào thực chất, phát huy dân chủ, trí tuệ của đại biểu để quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đảm bảo sôi nổi, tâm huyết đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong cử tri và Nhân dân. Công tác tiếp dân, đôn đốc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân được đổi mới theo hướng gần dân, sát dân, trách nhiệm với Nhân dân và đôn đốc giải quyết dứt điểm, không để các vụ việc tồn đọng, kéo dài. Tổ chức bộ máy được củng cố, kiện toàn từng bước ổn định, đáp ứng yêu cầu của hoạt động thực tiễn. Phương thức, chế độ làm việc từng bước được cải tiến theo hướng khoa học, nền nếp hơn, phát huy dân chủ, tăng tính chủ động, sáng tạo.

Kết quả hoạt động của HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2011 - 2016 thể hiện tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, nhạy bén, không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đã góp phần làm nên thành tựu chung của tỉnh: kinh tế tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng cao hơn so với bình quân cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2015 tăng 1,85 lần so với năm 2010; lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển; chất lượng giáo dục, khám, chữa bệnh cho Nhân dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống Nhân dân được cải thiện...

Từ thực tiễn hoạt động của HĐND tỉnh Lai Châu khóa XIII cho thấy, để HĐND tỉnh hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, Thường trực HĐND tỉnh rút ra một số kinh nghiệm:

Thứ nhất: đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Tỉnh ủy trong công tác tổ chức, cán bộ và hoạt động của HĐND tỉnh, đây là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. Ngay từ kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh khóa XIII, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, tổ đại biểu HĐND tỉnh đã được kiện toàn, trong đó Thường trực HĐND tỉnh gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên Thường trực hoạt động chuyên trách, đồng chí Chủ tịch và Phó Chủ tịch là Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, đồng chí Ủy viên Thường trực là Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (từ tháng 6 năm 2015 đến nay đồng chí Chủ tịch HĐND là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, hoạt động kiêm nhiệm); 4 Ban HĐND đều có trưởng hoặc phó trưởng ban hoạt động chuyên trách; 8 tổ đại biểu được thành lập với tổ trưởng, tổ phó và các tổ viên. 

Thường trực HĐND, các Ban HĐND và tổ đại biểu HĐND tỉnh đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, luôn năng động, sáng tạo, vận dụng linh hoạt những quy định của pháp luật, cải tiến phương thức hoạt động, đây là yếu tố có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến chất lượng hiệu quả hoạt động của HĐND.

Thứ hai: phát huy vai trò của từng đại biểu trong tất cả các hoạt động của HĐND. Muốn vậy, từng đại biểu phải tự ý thức được vai trò, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo trong việc tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ hiểu biết, rèn luyện kỹ năng hoạt động. 

Để nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác của các vị đại biểu, hàng năm Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử, Ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND tỉnh, nhất là những đại biểu mới tham gia làm đại biểu khóa đầu về các kỹ năng: tổ chức kỳ họp, thẩm tra, giám sát, tiếp xúc cử tri, kỹ năng tiếp cận thông tin... Mỗi năm 2 lần Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với Thường trực HĐND các huyện, thành phố tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động của HĐND 2 cấp tỉnh - huyện; tổ chức cho đại biểu HĐND tỉnh, Thường trực HĐND các huyện, thành phố tham dự hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động HĐND 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, từ đó đại biểu học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm để phục vụ hoạt động của mình.

Chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh thường xuyên cung cấp đến các đại biểu những thông tin liên quan đến nội dung kỳ họp, liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước và địa phương để đại biểu nắm bắt, tham khảo. Ngoài ra, Thường trực HĐND tỉnh còn thành lập trang Thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, trong đó có chuyên mục nghiên cứu - trao đổi để đăng tải những kinh nghiệm quý, việc làm hay phục vụ đại biểu nghiên cứu, học tập.

Thứ ba, Thường trực HĐND, các Ban HĐND phải luôn đổi mới phương thức hoạt động theo hướng khoa học, sáng tạo. Hàng tháng, quý, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh đều xây dựng kế hoạch hoạt động để đảm bảo tính chủ động trong công việc. Trong việc chuẩn bị kỳ họp, Thường trực HĐND có văn bản phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ban về các nội dung liên quan đến lĩnh vực phụ trách để các ban chủ động thu thập thông tin, tham gia các cuộc họp của UBND, tiến hành khảo sát để phục vụ nhiệm vụ thẩm tra. Trong hoạt động giám sát, ngay từ đầu năm Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai nghị quyết về chương trình giám sát của năm, trong đó cụ thể từng quý, tháng, từng nội dung, đối tượng giám sát, nhờ có kế hoạch cụ thể nên các Ban cũng chủ động trong việc thu thập thông tin, số liệu và theo dõi các hoạt động trước khi tiến hành giám sát.

Thứ tư, Thường trực HĐND điều hòa phối hợp tốt với các Ban HĐND tỉnh, tổ đại biểu HĐND tỉnh trong các hoạt động của HĐND.

Thực hiện chức năng điều hòa, phối hợp hoạt động của các ban HĐND, Thường trực HĐND tỉnh đã phân công các ban HĐND thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết; điều hòa thực hiện nhiệm vụ giám sát, khảo sát bảo đảm nội dung và thời gian, thực hiện giám sát có trọng tâm, trọng điểm; phân công đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh theo lĩnh vực ban phụ trách. Duy trì thường xuyên chế độ giao ban hàng tháng giữa Thường trực HĐND với lãnh đạo các Ban HĐND, qua đó giúp các ban nắm được kế hoạch hoạt động của Thường trực HĐND để phối hợp công tác tốt hơn. Việc phối hợp hoạt động giữa Thường trực HĐND và các Ban HĐND được thực hiện chặt chẽ, khoa học, nội dung cụ thể, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh.

Phối hợp tốt với các tổ đại biểu trong việc tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri, tổng hợp, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của cử tri; trong các phiên thảo luận tại tổ đại biểu, phát huy vai trò của mình, tổ trưởng các tổ đại biểu đã điều hành tốt phiên thảo luận, tổng hợp ý kiến tham gia của đại biểu để gửi đến Thường trực HĐND; 6 tháng, hàng năm tổ trưởng tổ đại biểu đều báo cáo kết quả hoạt động của tổ gửi đến Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp, báo cáo HĐND tỉnh. 

Nhờ có sự phối hợp tốt giữa Thường trực HĐND, các Ban HĐND và tổ đại biểu nên các hoạt động của HĐND đều đảm bảo thực hiện đúng quy trình, quy định và mang lại hiệu quả thiết thực.

Thứ năm: tăng cường mối quan hệ giữa Thường trực HĐND tỉnh với các cơ quan có liên quan, nhất là đối với UBND tỉnh. 

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thường trực HĐND tỉnh đã chủ động tham mưu xây dựng Quy chế phối hợp công tác giữa Đảng đoàn HĐND tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy; giữa Thường trực HĐND với Đoàn ĐBQH tỉnh, UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và Kiểm toán Nhà nước khu vực VII nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ. Trong các hoạt động của HĐND tỉnh luôn bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy, những vấn đề quan trọng trình kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đều chủ động báo cáo Tỉnh ủy trước khi trình kỳ họp. Chủ động phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh trong các hoạt động chuẩn bị kỳ họp, trong việc đôn đốc các sở, ngành, địa phương thực hiện các kiến nghị sau giám sát, khảo sát của HĐND; tổ chức tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, tiếp công dân; giải quyết các kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo. Định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của mỗi bên nhằm từng bước nâng cao hiệu quả công tác. Duy trì thường xuyên công tác trao đổi thông tin giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND các huyện, thành phố, nhất là phối hợp trong việc tổ chức các cuộc giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri và thực hiện quy ước luân phiên phối hợp tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động của HĐND hai cấp tỉnh - huyện. Phối hợp tốt với các cơ quan Tòa án Nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh trong việc xét đề nghị tuyển chọn kiểm sát viên, thẩm phán; quan tâm thống nhất phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ cho việc tổ chức xét xử lưu động, kết hợp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nghị quyết của HĐND, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Từ những kinh nghiệm trên, HĐND tỉnh Lai Châu khóa XIII đã hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, góp phần cùng với cấp uỷ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, sớm đưa Lai Châu ra khỏi tình trạng kém phát triển.

Bùi Từ Thiện - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...