Thứ tư, 22/05/2024, 06:31 [GMT+7]

Nỗ lực triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Thứ sáu, 03/06/2016 - 09:31'
Ngày 2-6, tại Trụ sở Chính phủ, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 tiếp tục diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5.Ảnh: TRẦN HẢI

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước và thế giới, tính toán toàn diện, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành, đề ra các giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng khẳng định, đến thời điểm này, Chính phủ vẫn giữ nguyên, không điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã đề ra. Thủ tướng chỉ đạo không được chủ quan, phải tăng cường kiểm soát lạm phát, đề ra các kịch bản liên quan như biến động giá dầu, tăng giá dịch vụ y tế...; yêu cầu các thành viên Chính phủ, khi dự kiến điều chỉnh giá phải phối hợp các bộ, ngành liên quan đánh giá tác động của việc tăng giá trực tiếp, gián tiếp để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; không được tăng phí giao thông BOT, không tăng giá điện trong năm 2016…

Phối hợp đồng bộ, thực hiện tốt chính sách tài khóa, tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt và chủ động. Khơi thông mọi tiềm năng phục vụ tăng trưởng, coi trọng chất lượng tăng trưởng. Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh. Các bộ trưởng cần công bố rõ lộ trình cải cách thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn ASEAN 4. Các bộ, ngành, địa phương phải xử lý ngay các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách, vốn ODA… trên tinh thần hậu kiểm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện dự án. Có giải pháp huy động mọi nguồn lực trong dân để phục vụ đầu tư phát triển.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cần tiếp tục xây dựng phương án giảm lãi suất cho vay gắn với việc xử lý nợ xấu. Các bộ, ngành, địa phương, cả hệ thống chính trị nỗ lực, khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp (DN) Việt Nam phát triển, hội nhập thành công; Chính phủ thống nhất khẩn trương ban hành Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ, coi đây là động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng. Đẩy mạnh cổ phần hóa DN nhà nước, không để xảy ra tình trạng lãnh đạo các DN nhà nước lập các DN “sân sau” trục lợi. Đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo, nhất là trong thế hệ trẻ. Sớm đẩy mạnh chương trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp toàn diện có giá trị gia tăng cao, cạnh tranh, thích ứng tình trạng biến đổi khí hậu; quyết liệt chỉ đạo phong trào xây dựng nông thôn mới. Quan tâm giải quyết tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. Khẩn trương xây dựng, ban hành các nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật DN (sửa đổi). Xây dựng văn bản pháp luật bảo đảm số lượng đi đôi với chất lượng.

Thủ tướng chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương phải quan tâm vấn đề an sinh xã hội, môi trường. Hỗ trợ người dân bị thiên tai, ngư dân bị ảnh hưởng do tác động của môi trường ở một số tỉnh miền trung. Tiếp tục triển khai chương trình nhà ở xã hội cho công nhân, người có công… Nỗ lực hơn nữa trong tháo gỡ điểm nghẽn phát triển nguồn nhân lực. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo hướng mở, hội nhập; tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, ít tốn kém cho xã hội. Ngành giáo dục cần có chương trình chống đuối nước cho học sinh. Tăng cường quan trắc môi trường công khai, minh bạch, kiểm soát chặt các nguồn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Các bộ, ngành, phải phối hợp chặt chẽ, xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân vi phạm. Thủ tướng cũng yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương phải rà soát, không để xảy ra tình trạng lãng phí trong lĩnh vực phụ trách. Giao Bộ Tài chính rà soát để hạn chế việc hội họp, đi nước ngoài không cần thiết, xây trụ sở tốn kém…; kiểm tra, xử lý việc chuyển giá, trốn thuế trong hoạt động của các DN FDI. 

Triển khai tốt việc tiếp công dân, giải quyết việc khiếu nại của công dân. Xử lý nghiêm hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính. Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, lãnh đạo ngành chủ động, phát huy vai trò quyết đoán trong khuôn khổ pháp luật, phải dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm trong công việc...

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,5% (cùng kỳ năm trước tăng 9,4%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,1%, tương đương năm trước; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 67,7 tỷ USD, tăng 6,6%; tổng kim ngạch nhập khẩu ước 66,34 tỷ USD, giảm 0,9%; xuất siêu 1,36 tỷ USD, bằng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu; tổng vốn FDI thực hiện ước đạt 5,8 tỷ USD, tăng 17,2%; tổng vốn FDI đăng ký ước đạt 10,16 tỷ USD, gấp 2,4 lần so cùng kỳ năm trước.

Tiếp tục làm rõ nguyên nhân việc cá chết

Chiều 2-6, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Tại cuộc họp, liên quan vụ việc cá chết tại một số tỉnh miền trung vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết, khi sự việc xảy ra, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã hết sức khẩn trương chỉ đạo các bộ, ngành chức năng điều tra, làm rõ vụ việc. Đến nay, đã có hơn 30 bộ, ngành, địa phương, cơ quan cùng với hàng trăm nhà khoa học trong nước, quốc tế đã tham gia điều tra nguyên nhân trên nguyên tắc phải dựa vào khoa học, khách quan và chặt chẽ về mặt pháp lý. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, nếu phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không bao che bất cứ cá nhân, tổ chức nào. Đến nay, các nhà khoa học đã xác định được nguyên nhân hải sản chết. Thủ tướng Chính phủ giao các cơ quan chức năng mời tư vấn trong và ngoài nước để phản biện độc lập trước khi đưa ra kết luận chính thức bởi đây là vấn đề hết sức quan trọng, cho nên khi công bố phải bảo đảm chứng cứ, tính pháp lý, khách quan. Thủ tướng Chính phủ cũng quyết liệt triển khai các giải pháp bảo đảm môi trường kinh doanh, môi trường tự nhiên, nhất là bảo đảm môi trường biển an toàn lâu dài. Trước mắt, để kịp thời hỗ trợ người dân bị thiệt hại, Chính phủ đã hỗ trợ gạo cho người dân vùng bị ảnh hưởng; tổ chức thu mua hải sản của ngư dân; hỗ trợ bằng tiền cho các tàu phải ngừng ra khơi; hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng đối với các DN, chủ tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá… Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Y tế khảo sát khu vực biển an toàn phục vụ nuôi trồng, đánh bắt hải sản; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát tất cả các dự án trên cả nước có nguy cơ gây ô nhiễm nhằm phòng ngừa việc xả thải không đúng quy định. 

Yêu cầu điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án mở rộng quốc lộ 1

Đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, năm 2015, Bộ đã thanh tra tám dự án mở rộng quốc lộ 1 bằng nguồn trái phiếu Chính phủ với tổng mức đầu tư 53.317 tỷ đồng. Trong quá trình thanh tra, Bộ kiến nghị với các chủ đầu tư, ban quản lý giảm tổng mức đầu tư 1.866 tỷ đồng, trong đó, không đúng khối lượng, định mức là 1.321 tỷ đồng; điều chỉnh quy mô dự án 544 tỷ đồng. Kết luận này đã được ban hành và Bộ Tài chính đã gửi văn bản tới Bộ Giao thông vận tải đề nghị chỉ đạo các đơn vị thực hiện giảm tổng mức đầu tư theo kết luận thanh tra; đồng thời giảm giá trị dự toán, giá trị hợp đồng xây lắp, giá trị nghiệm thu thanh quyết toán. Bộ Tài chính cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan các dự án này. 

Theo PV/nhandan/Thứ Sáu, 03/06/2016, 02:30:23

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...