Thứ ba, 21/05/2024, 19:12 [GMT+7]

Tâm huyết, trách nhiệm trong Phiên thảo luận tại tổ

Thứ tư, 12/07/2023 - 12:04'
(BLC) - Sáng 12/7, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ mười sáu, HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 các đại biểu HĐND tỉnh tiến hành thảo luận tại 4 tổ. Trên cơ sở 17 nội dung được chủ tọa kỳ họp gợi ý, các đại biểu đã có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm về các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp… Phóng viên Báo Lai Châu Online giới thiệu tới bạn đọc một số ý kiến.

*Khai mạc Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026

Cần cụ thể hoá các điều kiện hỗ trợ

Chang Phương Thảo

Đại biểu Chang Phương Thảo - Phó trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh, Tổ Đại biểu thành phố Lai Châu: Thời gian qua, tỉnh đã ban hành các chính sách về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, trong đó có cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là dân tộc thiểu số. Đến nay, các cấp, các ngành đã cử gần 25.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đi đào tạo, bồi dưỡng. Qua đó góp phần nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiếu số; thực hiện chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức theo cơ cấu ngạch, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, thực trạng số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động người dân tộc thiếu số có mặt còn hạn chế, nhất là đội ngũ ở cơ sở. Do đó, ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả công tác tham mưu, triển khai thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và địa phương. Nên việc ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiếu số là cần thiết. Nhưng để chính sách thực sự phát huy hiệu quả cần có những điều kiện cụ thể và cần rà soát lại quy hoạch đào tạo để có phương án thực hiện tốt hơn.

Tăng cường công tác quản lý kinh tế, hành chính

Đại tá Phạm Hải Đăng

Đại tá Phạm Hải Đăng - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh, Tổ Đại biểu huyện Sìn Hồ: Trong 6 tháng đầu năm 2023, nhiều vụ án về tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh; đã phát hiện xử lý 4 vụ, 19 bị can (2 vụ, 2 bị can về hành vi tham ô tài sản; 2 vụ, 17 bị can về hành vi đưa, nhận hối lộ). Đáng lưu ý, trong đó có những vụ liên quan đến lãnh đạo chủ chốt cấp ngành. Cho thấy việc xử lý tội phạm tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh ngày càng quyết liệt.

Tuy nhiên, công tác điều tra, chứng minh, xử lý tội phạm tham nhũng tiêu cực là một việc hết sức khó khăn. Đây là một thách thức đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, các đối tượng phạm tội đều có trình độ học vấn cao, có hiểu biết pháp luật, là cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Nhà nước. Họ trưởng thành đầy đủ về mặt nhận thức, có kinh nghiệm sống, có nhiều mối quan hệ xã hội và họ có đủ thủ đoạn để đối phó với cơ quan chức năng… Việc tìm ra những bằng chứng, chứng cứ để chứng minh tội phạm của các cơ quan tố tụng khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm này gặp rất nhiều khó khăn.

Để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục đạt được hiệu quả hơn nữa, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là tăng cường công tác quản lý kinh tế, quản lý hành chính. Trong đó, phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch, tăng cường cơ chế giám sát, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác quản lý để hoạt động quản lý kinh tế khoa học, hiện đại, có hiệu quả, sao cho người muốn tham nhũng cũng không thể tham nhũng.

Cần điều chỉnh chỉ tiêu khách du lịch vào năm 2030

Đại biểu Lò Văn Ươi

Đại biểu Lò Hải Ươi - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Than Uyên, Tổ Đại biểu huyện Than Uyên: Trong mục II: Quan điểm, mục tiêu và các đột phá phát triển của Tờ trình Đề nghị thông qua Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại mục b. Chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 của phần 2. Mục tiêu phát triển có đưa ra chỉ tiêu số (8) khách du lịch năm 2030 đạt khoảng trên 2 triệu lượt người. Theo tôi, chỉ tiêu này là không phù hợp, khó thực hiện, không khả thi. Vì theo số liệu 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Lai Châu ước đón 567.530 lượt khách du lịch (bằng 69,2% kế hoạch), tổng doanh thu ước đạt 412 tỷ đồng (bằng 65,3% kế hoạch). Từ nay cho đến năm 2030 chỉ còn hơn 6 năm, cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch chưa đồng bộ, quy mô dân số ít, chưa có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo. Để thu hút một lượng lớn du khách đến với tỉnh là không khả thi. Vì vậy, nên điều chỉnh chỉ tiêu này.

Quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công

Lò Mình Hiệp

Đại biểu Nguyễn Minh Hiệp - Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Tổ Đại biểu huyện Nậm Nhùn: Trong 6 tháng đầu năm 2023 mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song UBND tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, ban hành văn bản để tập trung chỉ đạo, điều hành đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023. Một số nguồn vốn giải ngân đạt tỷ lệ cao như nguồn cân đối huyện, thành phố đạt 67,4%, vốn bố trí cho các dự án sau quyết toán, dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2023, một số dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2023 do cấp tỉnh quản lý có tỷ lệ giải ngân đạt từ 60-100% kế hoạch vốn. Tuy vậy, tỷ lệ giải ngân vốn còn đạt thấp 26,83%, trong đó có một số nguồn giải ngân thấp như: nguồn thu sử dụng đất, vốn bố trí cho 2 dự án khởi công mới năm 2023 do tỉnh quản lý. Trong 19 chủ đầu tư được giao kế hoạch vốn năm 2023 có 13 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%.

Một số nguyên nhân do: chậm phân bổ nguồn vốn; chậm xây dựng, thẩm định, phê duyệt giá đất cụ thể tính tiền bồi thường; chậm ban hành quy định giá bồi thường cây trồng, vật nuôi là thủy sản; chậm phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án… Do đó, UBND tỉnh cần làm rõ trách nhiệm của các chủ đầu tư, có biện pháp quyết liệt đối với các nhà thầu, chủ đầu tư chậm trễ trong lập hồ sơ thanh, quyết toán các công trình hoàn thành; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, cung ứng vật liệu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn; sớm hoàn thiện thủ tục, phân bổ chi tiết các nguồn vốn năm 2023 chưa phân bổ chi tiết để tổ chức triển khai thực hiện, đặc biệt các nguồn vốn chỉ được thực hiện trong năm 2023. Từ đó đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nâng mức hỗ trợ trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao

ảnh 1

Đại biểu Lý Anh Hừ - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mường Tè, Tổ Đại biểu huyện Mường Tè: Về dự thảo Nghị quyết ban hành quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và chính sách đãi ngộ đối với bác sỹ đang công tác tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và số sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ về công tác tại tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Đồng thời, ban hành chính sách đãi ngộ để tăng mức thu nhập tạo động lực cho đội ngũ viên chức ngành Y tế yên tâm công tác, gắn bó ổn định lâu dài tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn tỉnh. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Đối với chính sách này, cần nghiên cứu nâng mức hỗ trợ trong thu hút nguồn nhân lực, có thể nghiên cứu ở mức cao hơn các tỉnh lân cận. Dự thảo Nghị quyết cũng cần phải có điểm quy định rõ thời gian, chi phí hỗ trợ cho người đi học, để nâng cao ý thức, trách nhiệm của học viên trong thời gian học tập và công tác lâu dài tại tỉnh, tránh việc lãng phí nguồn lực đầu tư. Bổ sung thêm đối tượng viên chức y tế hưởng thu hút tại các khu vực phòng khám đa khoa khu vực; rà soát, sửa đổi, điều chỉnh một số câu từ cho phù hợp.

Tăng tỷ lệ người dân được tiếp cận tham gia BHYT

Ảnh 2

Đại biểu Vũ Ngọc Duy - Phó trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, Tổ Đại biểu huyện Than Uyên: Dự báo các năm tới, nhóm người không được ngân sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế (BHYT) tiếp tục tăng do giảm nghèo và hoàn thành nông thôn mới, xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, ở các nhóm yếu thế, nếu không được hỗ trợ mua thẻ BHYT, với các chi phí dịch vụ khám, chữa bệnh tại các bệnh viện công lập như hiện nay, người dân đến khám, chữa bệnh nếu không có thẻ BHYT sẽ phải chi trả một khoản tiền không nhỏ. Chính vì vậy, người dân khi ốm đau sẽ hạn chế đến cơ sở y tế, khi đến cơ sở y tế bệnh thường nặng, khó chữa, tốn kém nhiều chi phí khám, chữa bệnh, ảnh hưởng tới an sinh xã hội, chất lượng cuộc sống và chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Dự thảo Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho người dân thuộc hộ cận nghèo; học sinh, sinh viên; hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh được thông qua sẽ tăng tỷ lệ người dân được tiếp cận tham gia BHYT, góp phần duy trì, tăng tỷ lệ dân số tham gia BHYT và phạm vi dịch vụ y tế được thụ hưởng; tiến tới BHYT toàn dân. Góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, tên dự thảo nghị quyết còn dài, đề nghị điều chỉnh gọn tên dự thảo nghị quyết như sau: “Nghị quyết quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025”.

Nhóm P.V

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...