Thứ tư, 01/05/2024, 19:17 [GMT+7]

Ông Thuân “chè sạch”

Thứ ba, 06/11/2012 - 11:01'
(BLC) - Dù khi là công nhân làm chè, hay khi tự tay chăm xới những gốc chè của nhà mình, ông Thuân cũng nhất nhất tuân theo tôn chỉ “trồng chè sạch”.

Tôn chỉ “trồng chè sạch”

Ở một thị xã từng là nông trường với các đồi chè lúp xúp, tuy diện tích trồng chè nay không còn nhiều như trước nữa nhưng Ông Vũ Đức Thuân (phường Quyết Thắng – thị xã Lai Châu) - người đã 32 năm gắn bó nghề chè vẫn chọn loại cây này để làm giàu. Những khách quen mua chè gọi ông bằng cái tên ông Thuân “chè sạch”.

Ông Thuân thu hái búp chè

Bên đồi chè xanh sau nhà, ông Thuân kể lại: “Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Năm 1978, tôi đến thị trấn Tam Đường (cũ) làm công nhân nông trường chè Tam Đường (nay là nhà máy chè Tam Đường ở phường Tân Phong, thị xã Lai Châu). Năm 2008, tôi nghỉ hưu. Nhưng chỉ là nghỉ làm ở nhà máy chè thôi, chứ 3.500m2 chè ở nhà vẫn được tôi cùng 2 nhân công chăm bón, thu hoạch để bán cho thị trường trong và ngoài tỉnh với giá 65.000 – 70.000 đồng/kg. Đây là diện tích chè của nhà máy trồng từ năm 1970. Năm 1996 tôi mua để trồng với thời gian 50 năm”.  

Đã gắn bó với cây chè nhiều năm nên ông Thuân có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc cây chè. Đồi chè nhà ông thường xuyên được chăm bón, chứ không chỉ chăm sóc dồn góp khi sắp thu hoạch. Khi đốn chè, ông lựa từng cây để đốn ít hay nhiều, sao cho búp chè lứa sau tăng nhiều hơn lứa trước. Ông dặn dò nhân công từ cách chăm bón chè cẩn thận, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng đến bí quyết không hái chè bằng máy, hái cả lá để sao lấy số lượng mà phải cẩn thận, tỉ mẩn hái từng búp “1 tôm, 2 lá” đảm bảo chất lượng chè.

Khi sao chè cũng phải cẩn thận từng khâu để đảm bảo chè khô nhưng mùi vị vẫn được giữ nguyên. Kỹ lưỡng như vậy là vì với ông, muốn giữ được các mối mua hàng thì chè của mình phải ngon, sạch, có uy tín dài lâu. Chè sau khi hái được ông sao chế ngay trong 1, 2 ngày đầu. Quá trình điều chỉnh lửa là một trong những điều kiện tiên quyết để có chè ngon bởi nếu quá nhiệt, chè bị khét, còn nếu không đủ nhiệt, mùi chè sẽ bị ngái. Sau khi sao, chè búp nhà ông đều săn cánh và cong như móc câu.

Tổ trưởng dân phố gương mẫu

Ngoài phát triển thương hiệu chè sạch cho gia đình, ông Thuân còn tận dụng diện tích sẵn có nuôi thêm 100 con gà, 30 con lợn cắp nách thả trên đồi chè. Do là lợn, gà nuôi theo kiểu “chạy bộ” nên thịt săn chắc, được người mua rất ưa chuộng. Thời gian rảnh rỗi, ông còn nuôi 50 đôi chim bồ câu Pháp bán giống cho thị trường và trồng rau, cây ăn quả… Với các “mô hình nhỏ” nhưng trừ mọi chi phí, mỗi năm ông thu được 50 – 70 triệu đồng. Kinh tế khá giả, song với lối sống giản dị, hòa đồng, ông luôn sẵn lòng giúp bà con lối xóm về kỹ thuật trồng chè sạch, cây con giống… Ông Thuân được bà con tổ dân phố tin yêu, quý mến và bầu làm Tổ trưởng tổ dân phố số 6, Phó Bí thư Chi bộ, Đại biểu Nhân dân phường Quyết Thắng. Gia đình ông cũng là gia đình “ông bà gương mẫu, cháu con thảo hiền”, đạt gia đình văn hóa 5 năm liền. 3 con trai, gái nhà ông đều tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học và công tác tại các cơ quan ở tỉnh, huyện.

Dáng người nhanh nhẹn, đôi mắt vẫn còn tinh anh, người đảng viên 23 năm tuổi vẫn thoăn thoắt đi thu hái, pha chế chè. Khi được ông mời thưởng thức vị chè Tam Đường do chính tay ông chế biến pha bằng nước mưa, chúng tôi cũng phải gật gù, cây chè không phụ công người, vị chè nhà ông rất đặc biệt: màu nước xanh trong, vị đậm đà, chan chát nơi đầu lưỡi, khi ngụm nước chè trôi qua cổ họng, người uống lại cảm nhận được cái ngọt của đất, của nước, của người xứ Lai Châu… Vị ngọt còn lắng sâu mãi trong vị giác sau chén chè xanh ấm nóng ấy.

Mây Trắng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...