Thứ hai, 29/04/2024, 23:42 [GMT+7]

Đi đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Thứ sáu, 27/10/2023 - 09:39'
Trồng cây gì, nuôi con gì để mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được huyện Tân Uyên tích cực chỉ đạo người dân thực hiện trong nhiều năm qua. Ở xã Mường Khoa, phong trào này đang phát triển rầm rộ bằng những mô hình cụ thể. Một trong những người đi đầu, thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi trồng cây lương thực sang trồng cây bí xanh đó là anh Hoàng Văn Phe (bản Phương Nam).

Được Hội Nông dân huyện giới thiệu, chúng tôi đến thăm gia đình anh Phe. Mùa này, các thành viên trong gia đình anh tất bật với công việc thu hái “trái ngọt” sau những ngày lao động mệt nhọc trên đồng ruộng. Nào thóc, nào ngô, nào chè và cả vườn bí xanh sai trĩu quả đang chờ ngày thu hoạch.
Gạt những giọt mồ hôi trên trán, anh Phe tiếp đón chúng tôi trong bộ quần áo công nhân lấm lem cật rơm, rạ. Anh nói: Gia đình đang tuốt cho xong chỗ lúa vừa gặt để chuẩn bị thu hoạch vụ bí xanh. Năm nay, bí xanh có giá 8.000 đồng/kg nên chúng tôi đang khấp khởi mong chờ.
Anh Phe là Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng bí xanh tại bản Phương Nam. Hiện có 6 hộ liên kết với Công ty TNHH MTV Rau quả Ngọc Linh Sơn La (Công ty rau quả Ngọc Linh) để trồng giống bí xanh Nova 2009. Năm nay là năm thứ 3 gia đình anh trồng bí xanh trên diện tích 8.000m2. Trước đây gia đình anh trồng lúa nhưng khi Công ty rau quả Ngọc Linh về xã vận động người dân trồng, liên kết, bao tiêu sản phẩm và được định hướng của xã, bản nên anh mạnh dạn chuyển đổi diện tích lúa sang trồng bí xanh. Theo anh Phe, nuôi bí xanh giống như nuôi “con mọn”, thời điểm bí xanh bén rễ, leo giàn, anh phải dành hết thời gian ở ngoài vườn để làm thế nào cho bí xanh tăng khả năng thu hút chất dinh dưỡng nuôi quả; rồi hướng ngọn bí xanh ở hốc này bò sang hốc kia, sau đó mới cho leo giàn… Đồng thời, thường xuyên chú ý theo dõi để phát hiện sâu bệnh hại và đề xuất công ty cấp thuốc phòng trừ kịp thời. Đến khi bí xanh chuẩn bị thu hoạch thì tỉa bớt lá, cắt những quả nhỏ, cong queo, để dành phần dinh dưỡng nuôi quả khác.

Vườn bí sai trĩu quả của gia đình anh Hoàng Văn Phe.

8.000m2 bí xanh của gia đình anh Phe mới trồng đầu tháng 9 vừa qua song đến nay đã cho thu hoạch. Chỉ sau 2 tháng có thể thu về 1 vụ. Mỗi lần ra thăm vườn, những quả bí xanh dài sai lúc lỉu và “lớn nhanh như thổi” sau mỗi đêm càng khiến anh có thêm động lực để trồng. Theo tính toán, cứ mỗi 1.000m2 gia đình anh thu 5-6 tấn quả. Diễn biến giá thị trường có vụ chỉ 2.000 đồng/kg, nhưng vụ này, theo thông tin của đơn vị bao tiêu, giá bí xanh lên tới 8.000 đồng/kg. Năm ngoái riêng trồng bí, anh thu về 100 triệu đồng, nếu vụ bí xanh này giá ổn định, tối thiểu anh cũng có trong tay gấp đôi số tiền trồng bí xanh năm ngoái. So với trồng cây lương thực khác, cây bí xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần. Anh Phe cho hay: “Thu hoạch bí xanh đến đâu được thu tiền về đến đó, “tiền tươi thóc thật” nên có động lực để làm. Xong vụ lúa này, tôi tiếp tục chuyển đổi 2.000m2 trồng lúa sang trồng bí xanh”.
Với hiệu quả thấy rõ từ trồng bí xanh, nhiều nông dân trên địa bàn huyện nói chung, xã Mường Khoa nói riêng đang tích cực chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực hiệu quả thấp sang trồng bí xanh. Kết quả đó một phần được “tiếp lửa” từ anh Phe. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay đối với các hộ trồng bí xanh ở bản Phương Nam đó là 2 đầu cầu bắc qua sông rất khó đi, lởm chởm đá sỏi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Đây là cây cầu được đầu tư từ Dự án Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương do Ngân hàng Thế giới cho vay nhưng không được đầu tư ở phần 2 đầu cầu. Giờ đây nông sản người dân làm ra đều rất khó vận chuyển đi tiêu thụ vì trắc trở giao thông. Do đó, anh Phe cũng như nhiều hộ trong bản mong Nhà nước quan tâm đầu tư hoặc hỗ trợ một phần để bà con có con đường thuận lợi chuyên chở nông sản.
Chia tay gia đình anh Phe trong tiếng máy tuốt lúa rầm rầm, ngôi nhà 2 tầng với màu sơn vàng giữa ánh nắng chiều nổi bật lên giữa màu xanh của bí, chè, chúng tôi thấy cuộc sống ấm no đang hiện hữu trong cuộc sống của người nông dân chăm chỉ này.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...