Thứ bảy, 27/04/2024, 11:36 [GMT+7]

Anh Sơn làm giàu

Thứ hai, 18/11/2019 - 21:36'
Với sự nỗ lực vươn lên để lập thân, lập nghiệp, tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, anh Thào A Sơn ở bản Pa Mu (xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn) đã trở thành điển hình trong phát triển kinh tế của địa phương.

Qua giới thiệu của Huyện đoàn Nậm Nhùn, chúng tôi tìm đến gia đình anh Thào A Sơn. Ấn tượng lần đầu gặp anh là một chàng thanh niên rắn rỏi, nước da sạm nắng cùng cái bắt tay nhiệt tình. Nhìn anh ít ai có thể biết rằng đó là ông chủ của mô hình kinh tế với tổng giá trị trên 1 tỷ đồng.

Anh Sơn mua trâu để vỗ béo bán cho thương lái.

Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về mô hình kinh tế của gia đình, anh Sơn thẳng thắn chia sẻ: “Thật ra thì mình cũng chẳng có gì đâu, mọi thứ đều là của bố mẹ cho, mình chỉ góp công, góp sức để nó sinh sôi nảy nở như hôm nay thôi”. Câu nói khiêm tốn, mộc mạc khiến chúng tôi thêm cảm phục sự chân thành của anh. Thiết nghĩ, nếu không có bàn tay chăm sóc, vun đắp, xây dựng của anh, liệu số tài sản của bố mẹ cho có phát triển được như ngày hôm nay.

Theo chia sẻ của anh, đối với người dân miền núi, trâu, bò được coi là tài sản lớn. Trước đây, gia đình anh cũng là hộ có số lượng trâu, bò lớn nhất nhì bản. Tuy nhiên, do tập quán lâu đời, việc chăn nuôi gia súc thả rông là chủ yếu. Không chỉ phá hoại mùa màng của dân bản mà việc chăm sóc và phòng chống dịch bệnh hạn chế, dẫn đến đàn trâu, bò của gia đình anh giảm. Làm sao để bảo vệ và phát triển vốn tài sản của gia đình luôn là nỗi trăn trở trong anh. Nhận thấy, trên địa bàn xã còn nhiều đất đồi xa khu vực sản xuất, thuận lợi cho việc khoanh vùng chăn thả tập trung. Anh cùng một số hộ dân trong bản góp công sức để khoanh vùng để đưa đàn vật nuôi đến chăn thả, chủ động trong việc quản lý và chăm sóc. Đồng thời, anh tham gia các lớp tập huấn phát triển chăn nuôi do xã tổ chức. Hàng tuần, anh có mặt tại khu vực chăn thả để theo dõi tình trạng sức khỏe của gia súc, chú trọng tiêm phòng. Nhờ được chăm sóc tốt, đàn gia súc của gia đình anh chẳng mấy khi mắc dịch bệnh, sinh sản tốt. Sau nhiều năm chăm sóc, gia đình anh đã sở hữu đàn trâu, bò lên tới 97 con. Mỗi con bán ra thị trường mang về cho gia đình anh từ 20 - 25 triệu đồng.

Cùng với việc phát triển chăn nuôi gia súc, anh mạnh dạn bỏ vốn đầu tư, chuyển đổi hơn 2ha ruộng sang đào ao thả các loại cá: trắm, chép, rôphi và vược. Theo ước tính của anh Sơn, sau 3 năm chăm sóc, nếu thu hoạch, gia đình anh sẽ có trên 3 tấn cá xuất bán ra thị trường. Với giá bán dao động từ 50 - 70 nghìn đồng/kg sẽ đem về một nguồn thu khá.

Thấy một số người trong bản mua trâu về vỗ béo rồi bán cho thương lái đem lại nguồn thu rất lớn, anh xin đi theo để học hỏi kinh nghiệm. Để có vốn, anh bán bớt đàn trâu bò của gia đình, vay thêm 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Qua những lần lặn lội khắp các bản làng để tìm mua trâu, bò; từ 5 - 7 con những lần đầu, đến nay, mỗi lần anh thu mua 10 - 15 con để bán lại cho thương lái, trung bình mỗi con anh thu về 2 - 5 triệu đồng. Từ mô hình chăn nuôi kết hợp với kinh doanh đem lại cho gia đình anh trên 150 triệu đồng/năm. Nhờ đó, anh mua thêm được ôtô để phục vụ công việc.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Sơn tích cực tham gia các hoạt động phong trào của địa phương. Sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế với người dân trong bản, nhất là trong phong trào thanh niên giúp nhau làm kinh tế do Đoàn xã phát động.
Anh Phùng Lòng Chừ - Bí thư Đoàn xã Hua Bum cho biết: Với sự nỗ lực vươn lên lập thân, lập nghiệp, tìm tòi hướng đi mới trong phát triển kinh tế, anh Sơn là tấm gương sáng để đoàn viên thanh niên học hỏi và làm theo, góp sức trẻ trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương”.

Lò dinh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...