Thứ hai, 29/04/2024, 09:42 [GMT+7]

Chị Vân làm giàu

Thứ tư, 08/06/2016 - 09:45'
Được chị Tòng Thị Đoan - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Than Uyên giới thiệu về chị Lò Thị Vân (52 tuổi, dân tộc Thái ở khu 6, thị trấn huyện Than Uyên) mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm; nuôi dạy con ngoan ngoãn, thành đạt khiến chúng tôi tò mò và quyết định ghé thăm gia đình chị.

Nhờ dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế, chị Vân có cơ ngơi khang trang.

Ngôi nhà sàn được xây dựng theo kiến trúc truyền thống - hiện đại, khang trang bề thế của gia đình chị Vân khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Khi thấy khách hết lời khen ngợi về cơ ngơi của gia đình, chị Vân khiêm tốn: Còn nhiều chị em trong xã, bản giỏi hơn tôi. Cũng vì nhu cầu cuộc sống nên luôn phải cố gắng thôi. Dù giờ đây không còn phải chi phí nhiều cho việc học của các con nhưng vẫn chưa nghỉ được đâu các cô ạ. Sức vẫn còn khỏe thì còn phải làm.  

Nhận thức được bản thân vì thiếu học nên khó khăn trong giao tiếp, phát triển kinh tế, chị Vân tự nhủ dù phải vất vả, khó khăn đến mấy cũng đầu tư cho 4 con ăn học đến nơi đến chốn. Quanh năm canh tác lúa, ngô cũng chỉ đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, chị quyết định thuê đất mặt đường dựng quán bán hàng tạp hóa, đầu tư cho chồng buôn bán xe máy. Thiếu vốn, vay ngân hàng, thiếu kiến thức kinh doanh học hỏi những người có kinh nghiệm trong vùng.  
Chị Vân kể: Khi quyết định mở cửa hàng, tôi phân vân lắm vì vốn đầu tư nhiều, mình chưa có kinh nghiệm nên có thể sẽ may ít, rủi nhiều. Nhưng, phi thương bất phú, tôi quyết làm. Vậy mà, công việc làm ăn khá thuận lợi, khi ấy các con còn học phổ thông nên có thời gian giúp bố mẹ việc nhà. Ngoài bán hàng, tôi duy trì công việc cấy cày để có lương thực phục vụ sinh hoạt; đầu tư chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm, đào ao thả cá…
3 năm trở lại đây, 2 con đầu của chị ra trường, có việc làm ổn định, 2 con trai út thi đỗ vào học trường công an, vì thiếu nhân lực, công việc kinh doanh đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, anh chị trả lại đất, lui về đầu tư phát triển chăn nuôi. Do điều kiện thời tiết nên chăn nuôi lợn, cá bị dịch bệnh nhiều, giá không cao, chị hạn chế tăng đàn, mở rộng quy mô ao mà tập trung đầu tư chăn nuôi đại gia súc. Do nơi sinh sống không có nhiều đồng cỏ, chị làm trang trại tại xã Mường Mít nuôi trâu, bò và nhờ anh em chăn nuôi, trông coi giúp. Tại nhà, chị vẫn duy trì nuôi thêm vài con bò để lấy chất thải bón cho cây trồng. Cùng với đầu tư phát triển kinh doanh dịch vụ, chăn nuôi, chị Vân còn đầu tư trồng rừng thông, keo, tre. Hiện nay, diện tích rừng đã cho khai thác, mang về nguồn thu tương đối lớn (230 triệu đồng/năm). 
Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Vân luôn tiên phong thực hiện các phong trào, cuộc vận động của Hội Phụ nữ các cấp như: xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
Xuất phát điểm từ làm nông nghiệp, chị Vân hiểu hơn ai hết sự khó khăn khi thiếu vốn, thiếu kiến thức sản xuất. Do vậy, chị tích cực giúp đỡ hội viên phụ nữ khó khăn trong chi hội về vốn, con giống, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt, tạo việc làm thời vụ. Tính đến nay, gia đình chị cho chị em  vay thóc, gạo không lấy lãi (trị giá 50 triệu đồng).  

 

Chị Lò Thị Vân là 1 trong 2 phụ nữ tiêu biểu được Hội LHPN huyện Than Uyên lựa chọn đề nghị Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen về phụ nữ các dân tộc làm kinh tế giỏi vùng Tây Bắc.

Nam Phong

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...