Thứ tư, 01/05/2024, 16:51 [GMT+7]

Chuyện người Nậm Ngà đầu tiên trở thành cô giáo

Thứ tư, 06/02/2013 - 16:00'
(BLC) - Cô Lý Gió Nu – giáo viên Trường Mầm non số 2, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè là người đầu tiên ở vùng đất Nậm Ngà trở thành cô giáo, cô cũng là người làm thay đổi cách nghĩ của người dân nơi đây về việc “cho con gái đi học chẳng để làm gì”.

Gian nan con đường tìm chữ

Sinh năm 1984 ở vùng đất Nậm Ngà, xã Tà Tổng - một trong những địa phương khó khăn nhất huyện Mường Tè. Khi tròn 14 tuổi, Nu mới bắt đầu theo học lớp một. Bởi khi đó ở vùng đất này mới bắt đầu có lớp học và có thầy giáo đến dạy xóa mù chữ. Mặc dù học muộn, song trong số bạn bè cùng lớp, Nu là học trò sáng dạ nhất. Chính vì vậy, sau khi học xong lớp 1, Nu được thầy giáo Lò Văn Hùng (giáo viên dạy xóa mù chữ ở đó bấy giờ) giới thiệu lên trung tâm xã để tiếp tục theo đuổi con chữ. Và hành trình trở thành cô giáo của Nu cũng bắt đầu từ đó cũng với bao gian nan vất vả.

 Cô giáo Nu và học sinh của mình ở điểm trường  Nậm Ngà.

Gia đình Nu có 7 anh, chị em, cô là con út song do cuộc sống của gia đình quá khó khăn, việc lo bữa ăn cho ấm cái bụng đã khó, nói gì đến chuyện học cái chữ.  Học để làm gì, học mang lại cái gì là điều mà khi đó người ta chưa bao giờ nghĩ đến. Hơn nữa quan điểm của bố mẹ cô và nhiều người dân ở bản bấy giờ thì con gái không cần đi học, chỉ cần biết làm nương, biết kiếm măng, hái rau… lớn một chút thì lấy chồng… do vậy mà gia đình Nu không muốn cho cô theo học tiếp.

Được sự động viên giới thiệu của thầy Hùng và quyết tâm theo học con chữ, Nu đã thuyết phục được gia đình cho mình lên trung tâm xã học. Hành trang cô mang theo là mấy bộ quần áo vá chằng vá chịt và một con gà bố mẹ cho để đổi lấy sách bút. Với sự giúp đỡ của thầy Hùng, Nu đã đến được với giấc mơ đèn sách. Khi đó thầy Hùng là người đưa cô lên trung tâm xã để nhập học và 2 thầy trò phải mất hơn một ngày đường đi bộ mới đến được điểm Trường trung tâm của xã Tà Tổng.

Sau khi đưa Nu lên trung tâm, thầy Hùng đã nhờ các thầy cô giáo ở đó chăm sóc Nu. Cùng với sự giúp đỡ của các thầy cô giáo, chỉ mấy năm sau Nu đã học hết lớp 5. Để Nu tiếp tục theo con đường học, các thầy cô ở đây tiếp tục đưa Nu xuống huyện học ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện. Mặc dù ở nội trú được nuôi ăn, học, song nhiều hôm cô không dám đến lớp vì nhà nghèo quá, không có tiền mua sách bút. Sau này khi các thầy cô biết chuyện đã quyên góp tiền mua sách bút cho Nu. “Nếu không có sự giúp đỡ tận tình của các thầy cô, có lẽ em cũng chẳng biết có theo học tiếp được không nữa… giờ nghĩ lại mới thấy biết ơn các thầy cô nhiều lắm” – cô Nu chia sẻ.

Viết tiếp những giấc mơ

Chẳng mấy chốc Nu đã học hết bậc phổ thông, được các thầy cô giáo động viên, Nu nộp đơn thi vào học Trung cấp Mầm non ở Trường Cao đẳng cộng đồng Lai Châu. Nhận được giấy báo trúng tuyển, Nu không tin vào mắt mình, bởi niềm mơ ước từ bấy lâu, nay đã thành hiện thực. Tất nhiên, để đi học, lại một lần nữa Nu phải xa gia đình và lúc này cha mẹ của Nu đã bước vào cái tuổi già yếu cần nơi nương tựa và họ muốn con gái mình được yên bề gia thất. Thậm chí bố của Nu còn mắng: “Con đi học mất bao nhiêu tiền như vậy, biết bao giờ mới lấy lại được đây”...

Một lần nữa các thầy cô giáo lại là người động viên, phân tích cho bố mẹ  Nu hiểu để cho con gái mình đi học. Cũng chẳng khác thời đi học phổ thông là mấy, lên thị xã Lai Châu học, không ít lần Nu phải ăn mỳ tôm trừ bữa. Thậm chí có khi cả ngày chỉ có 1 gói mỳ tôm, bố mẹ muốn gửi đồ lên cũng chẳng biết gửi cách nào nên đành phải chịu vậy. Ngoài những giờ lên lớp Nu lại tranh thủ kiếm những quán ăn để làm thêm để trang trải cho thời gian học tập của mình.

Cuối năm 2010, Nu ra trường và về công tác tại Trường Mầm non Nậm Ngà. Khi về công tác, cô Nu đã trở thành niềm hy vọng, đích đến cho con em người dân ở bản Nậm Ngà – nơi mà trước đây chưa có ai là nữ học hết được cấp 3 chứ nói gì đến việc đi làm giáo viên. Cầm tháng lương đầu tiên đưa về, bố mẹ Nu đã tin rằng con gái mình đã lựa chọn đúng và họ cũng tin rằng cuộc đời con gái mình sẽ khác so với những người hàng ngày quanh quẩn bên ruộng nương. Cô giáo Đỗ Lan Hương – Hiệu trưởng Trường Mầm non số 2 Tà Tổng chia sẻ: “Chính cô giáo Nu là một điều thu hút với những học sinh ở khu vực này. Trước đây cứ đến đầu năm, chúng tôi phải vất vả đến từng nhà để vận động cha mẹ cho con em đi học. Nhưng giờ cũng đỡ hơn nhiều rồi, hơn nữa cô Nu lại là người địa phương nên bà con cũng tin tưởng hơn so với những thầy cô giáo ở dưới xuôi khi đến vận động”.

Khi chúng tôi có ý hỏi, liệu cô giáo có muốn tiếp tục đi học để nâng cao trình độ nghiệp vụ? Nở một nụ cười bẽn lẽn, cô giáo Nu cho biết: “Chắc chắn em sẽ đi học lên nữa, dẫu biết rằng lớp học mầm non mà em đang giảng dạy không cần quá nhiều kiến thức. Tuy nhiên xã hội càng phát triển thì những giáo viên như chúng em cũng cần phải cách tiếp cận để giảng giải cho học sinh của mình nhất là học sinh vùng sâu vùng xa, thiếu thốn như Nậm Ngà”.

Dòng suối Nậm Ngà vẫn đều đều đưa những dòng nước từ thượng nguồn đổ về xuôi. Những thầy cô giáo ở Nậm Ngà vẫn ngày đêm vượt bao khó khăn gian khổ đưa cái chữ cho trẻ ở vùng đặc biệt khó khăn này. Trong số họ bây giờ đã có thêm cô giáo mầm non Lý Gió Nu – người Nậm Ngà đầu tiên làm  cô giáo và là người góp phần viết tiếp giấc mơ con chữ, làm thay đổi nhận thức về sự học của người dân ở vùng đất này.

Lâm Trần

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...