Thứ tư, 01/05/2024, 17:24 [GMT+7]

Làm giàu từ trồng hoa

Thứ bảy, 26/01/2013 - 10:00'
(BLC) – Đó là chị Nguyễn Thị Tươi (tổ 10, phường Tân Phong). Với thu nhập hàng chục triệu đồng/vụ hoa, chị trở thành điển hình làm kinh tế giỏi từ trồng hoa.

Vất vả như nghề trồng hoa

Sinh ra ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, năm 2004, chị Tươi đến với vùng đất Lai Châu và định cư ở đây. Sau nhiều năm thăng trầm với cây rau, đến tháng 8/2012, chị bàn với chồng thuê 5.000m2 đất ở bản Tả Sin Chải 2, xã San Thàng để trồng hoa. Sau vụ hoa đầu tiên, chị bán được 4 vạn bông cúc đại đóa và thu được 80 triệu đồng.

Đến thăm vườn hoa nhà chị Tươi những ngày cuối năm, chúng tôi thực sự bị hút hồn  bở những bông hoa đang hé nở chuẩn bị cho vụ thu hoạch mới. nhưng ít ai biết rằng, để có những bông hoa tươi thắm, rạng rỡ trong ngày rằm, mùng 1, chị Tươi phải dành trọn tâm huyết với vườn hoa này. Không chỉ lo lắng chuyện thời tiết, dịch bệnh cả ngày như nghề trồng rau, ngô, lúa, khi đêm đến, chị còn phải phủ bạt tránh sương, gió làm táp hoa. Rồi tính phải thắp điện trong thời gian bao lâu để kích thích hoa nở đúng thời vụ.

Chị Tươi chăm sóc vườn cúc đại đóa phục vụ tết Quý Tỵ.

Bên vườn hoa khoe sắc dịp xuân mới, chị Tươi tâm sự: “Từng có 10 năm trồng hoa ở Lào Cai nên tôi hiểu rằng mỗi loại hoa có 1 đặc tính khác nhau. Sau khi tham khảo trên sách, báo, mạng internet, tôi chăm bón từng loại theo hướng dẫn: để cúc đại đóa tạo bông thì khi mới chúm chím, phải ngắt hết những nụ xung quanh bông chính. Hoa hồng phải dùng giấy báo quấn xung quanh nụ để khi hoa nở đẹp hơn song không được quấn chặt quá sẽ làm nụ bị thâm, không nở được. Hoa dơn phải chú ý buộc, đỡ để cành không bị cong…”.

Chị Tươi cho biết thêm: nghề trồng hoa đòi hỏi người trồng phải chú ý theo dõi sự tăng trưởng của hoa hàng ngày bởi từ khi trồng hoa đến khi thu hoạch, giai đoạn nào cây hoa cũng có thể bị nhiễm bệnh. Chỉ cần hoa bị bệnh thì bao công chăm bón của người trồng đều mất trắng vì chi phí cây giống, phân bón, điện nước năm nay đều cao.

Cũng theo lời anh Phong – cán bộ Phòng Kinh tế thị xã thì chị Tươi là người chăm học hỏi kinh nghiệm. Chị đã thăm quan các vườn hoa trong tỉnh để hỏi thêm cách chăm bón hoa. Khi trên cây có biểu hiện bị nấm, chị kịp thời đến gặp cán bộ Phòng hỏi về các loại bệnh. Nhờ vậy, dịch bệnh trên hoa nhà chị được theo dõi, xử lý kịp thời, không ảnh hưởng đến cả vườn…

Trông ngóng vụ hoa tết

Như những người trồng hoa khác, chị Tươi đang rất trông ngóng vụ hoa tết Quý Tỵ. Cũng vì thời tiết ảnh hưởng nên giá hoa xuân năm nay được dự báo là cao hơn năm trước. Do được che chắn kỹ càng, chăm sóc cẩn thận nên các loại hoa: ly hồng, ly vàng, dơn đỏ… ở vườn nhà chị đều hứa hẹn sẽ nở đúng độ. Hiện nay, chị Tươi và các nhân công vừa chăm hoa vừa chú ý thời tiết, các loại hoa được thắp điện kích nở đủ thời gian để phục vụ xuân mới.

Chị bảo: “Trồng hoa dịp tết ai cũng tất bật hơn, sao cho hoa được đẹp, vừa mắt khách hàng. Ai cũng có thể trồng hoa song để hoa nở vào đúng dịp tết, mỗi cành có lộc thì không hề dễ. Không ít gia đình bị thua lỗ khi trồng hoa dịp tết cũng do thiếu kinh nghiệm, chủ quan. Khi đã có kinh nghiệm trồng hoa rồi, cũng hiểu hơn từ khoảng cách trồng, nhiệt độ tác động đến hoa, dịch bệnh trên hoa và kịp thời phục vụ thị trường hoa tết…”

Theo chị Tươi thì 1 cành hoa đẹp phải là cành hoa mập, có lá phủ đều, bông hoa có màu sắc tươi sáng, rực rỡ. Tuy có chất lượng cao như vậy nhưng giá hoa bán lẻ của nhà chị khá “mềm”: 2.000 đồng/bông cúc đại đóa, cúc cành các màu (giá ở chợ: 5.000 đồng/bông); hoa dơn giá 5.500 đồng/bông (giá ở chợ 8.000 đồng/bông); hoa ly 30.000 đồng/bông (giá ở chợ 50.000 đồng/bông).

Nhìn dáng chị cùng chiếc xe chở đầy hoa lướt trên phố đông, chúng tôi nhận thấy mùa xuân đã khẽ khàng len qua từng con phố, nở rộ trong những đóa hoa ngát hương dâng đời…

 

Mây Trắng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...