Thứ bảy, 27/04/2024, 02:09 [GMT+7]

Từ mảnh nương cằn

Thứ năm, 17/11/2011 - 15:49'
(BLC) - Không phải ông chủ trang trại cũng chẳng phải doanh nghiệp, đơn giản anh chỉ là một người nông dân hay lam hay làm. Nhưng chính đức tính cần cù, chịu khó ấy đã cho anh một cơ ngơi khiến nhiều người trong bản mơ ước. Anh là Tẩn A Dao ở bản Chù Lìn, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường.

KHÔNG CAM CHỊU ĐÓI NGHÈO

Theo lời giới thiệu của đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy xã Hồ Thầu chúng tôi đến thăm nhà anh Tẩn A Dao - một trong những nông dân tiêu biểu làm giàu trên đồng đất quê hương. Điều gây ấn tượng nhất với chúng tôi là 2 bên ngôi nhà gỗ 3 gian được xếp các loại máy cày, bừa, máy xay xát và gần 200 bao thóc đang chờ xuất bán. Trong nhà đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Dù đã hẹn trước nhưng mãi tới gần 7 giờ tối mới gặp được anh.

Anh Dao xát thóc phục vụ bà con trong bản.

Đưa tay gạt những giọt mô hôi còn vương trên mặt, anh bảo: “Đợi tôi có lâu không? Đang vào mùa thu hoạch lúa, lại cả khoai lang, mía nữa. Các cháu đi học hết, chỉ có hai vợ chồng với mẹ già ở nhà nên phải tranh thủ. Quá thời gian thì nông sản không đảm bảo chất lượng…”.

Câu nói như thể thanh minh nhưng tôi hiểu với những người như anh thì chẳng phải vụ mùa cũng luôn bận rộn. Rót thêm chén trà mời khách anh kể cho chúng tôi nghe về quá trình lao động vất vả để có thành quả như hôm nay. Sinh ra trong một gia đình nghèo nên khi lập gia đình tài sản bố mẹ để lại chẳng có gì ngoài mấy đám nương nằm chênh vênh trên sườn núi. Bước ngoặt lớn nhất cuộc đời anh là được tham dự lớp tập huấn đưa cây con giống mới vào sản xuất, được tham quan mô hình thí điểm giống lúa mới ở thị trấn Tam Đường. Về nhà anh áp dụng ngay trên mảnh nương của gia đình mình. Bất kể ngày nắng hay mưa, anh nhặt từng viên sỏi, hòn đá trên mảnh nương đồng thời xin phân chuồng, lấy cỏ dại về ủ cải tạo đất, đưa giống lúa mới vào gieo trồng.

Cây lúa không phụ công lao động vất vả, từ chỗ chỉ thu được 60 bao thóc, bây giờ anh thu gần 100 bao. Nông sản thu về không chỉ đủ phục vụ sinh hoạt anh còn bán ra thị trường. Lấy vốn đầu tư nuôi 7 con trâu.

Nhận thấy sản xuất ở vùng cao gặp nhiều khó khăn, rủi ro do điều kiện sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Anh bán bớt trâu mua đất ruộng của bà con ở đội 4 (khu vực tiếp giáp với thị trấn Tam Đường) cấy giống lúa tám thơm, bán thóc được giá cao hơn so với những giống lúa khác. Mỗi năm thu về trên dưới 200 bao thóc. Anh đầu tư mua máy xát thóc cho bà con trong bản, dùng cám nuôi 100 con gà giống địa phương, hơn chục con lợn đen và thu mua thóc bán cho các lái buôn. Mỗi năm trừ chi phí gia đình anh thu về trên 60 triệu đồng.

“HẠ SƠN” ĐỂ CON ĐƯỢC ĐẾN TRƯỜNG

Anh luôn tâm niệm muốn phát triển kinh tế, cần cù thôi chưa đủ mà còn phải biết được cái chữ, thì mới học được cách làm giàu. Nhìn cảnh các con anh cứ 5 giờ sáng đã phải dạy chuẩn bị đi học, nhiều hôm cơm chẳng kịp ăn phải vội vã đến trường (vì nhà cách trường gần 5 cây số đường rừng núi). Anh quyết định mua một mảnh đất giáp quốc lộ 4D cách trường gần 1km dựng nhà, rồi đưa bà nội xuống trông nhà, nấu cơm giúp các cháu ăn học.

“Ngày trước, gia đình khó khăn con cái phải lăn lưng cùng bố mẹ nên chẳng có điều kiện học hành. Thằng cả phải bỏ học sớm, giờ đang tham gia nghĩa vụ quân sự, đứa con gái thứ 2 cũng đã lập gia đình. Bây giờ chỉ còn 3 đứa đi học, 1 đứa đang học Trường THPT Bình Lư, 2 đứa đang học ở Trường THCS Hồ Thầu. Dù thế nào tôi cũng phải cho con cái chữ. Đó cũng chính là mong ước lớn nhất đời tôi” - Mơ ước của anh Dao thật giản dị nhưng cũng thật ý nghĩa biết bao.

Những thành quả anh Dao đã đạt được trên con đường lập nghiệp thật đáng trân trọng, thể hiện cho ước vọng và ý chí vươn lên không cam chịu đói nghèo, lạc hậu.

Phương Lan

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...