Chủ nhật, 28/04/2024, 12:21 [GMT+7]

Trưởng bản Phê A Di tiên phong, gương mẫu

Thứ hai, 10/07/2023 - 11:28'
Gần 30 năm qua, ông Phê A Di - Trưởng bản Tả Chải (xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu) không chỉ nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác xã hội, còn tiên phong phát triển kinh tế gia đình, vận động, đồng hành với dân bản khai thác lợi thế địa phương vươn lên giảm nghèo bền vững.

Chúng tôi đến bản Tả Chải vào ngày cuối tuần, đường giao thông được đầu tư xây dựng khá lâu, nay xuống cấp, đi lại khó khăn. Khi được hỏi điển hình trong các phong trào thi đua, bà con đều chỉ cho chúng tôi đến nhà Trưởng bản Phê A Di.
Trong câu chuyện, ông Di chia sẻ: Tôi được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản từ năm 1995. Khi ấy, tỷ lệ hộ nghèo của bản gần 100%, bản thân gia đình cũng không khá giả gì. Bản còn tồn tại một số hủ tục; điện, đường, trường, trạm chưa được đầu tư đồng bộ cùng nhiều bất cập khác... Tuổi trẻ, kinh nghiệm chưa có, tôi băn khoăn không biết làm như thế nào và bắt đầu từ đâu. Được sự động viên của lãnh đạo địa phương, gia đình cùng sự kỳ vọng của bà con, tôi luôn nỗ lực trong mọi công việc.
Muốn cải thiện cuộc sống không còn con đường nào khác là tự lực vươn lên. Khi bản thân làm được thì nói bà con mới nghe, mới hiểu và làm theo. Đất sản xuất ít, ông khai hoang đất đồi trồng ngô, sắn, lúa và chè với diện tích hơn 1ha. Nông sản thu được ngoài phục vụ nhu cầu gia đình còn đầu tư nuôi gia súc, gia cầm. Đất càng mở rộng, đồng nghĩa với no ấm đã hiện hữu trong gia đình ông.
Nhờ cố gắng lao động nên đã có thành quả. Gia đình ông Di duy trì đàn trâu 5 con trâu, cao điểm lên tới cả chục con và nuôi thêm lợn thịt. Chú trọng lựa chọn con giống, chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh, việc chăn nuôi thuận lợi, cho hiệu quả kinh tế cao. Trừ chi phí, từ chăn nuôi, trồng trọt, mỗi năm thu nhập hơn 60 triệu đồng.

Ông Phê A Di (thứ nhất) chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi.

Kinh tế ổn định và chịu khó học hỏi tích lũy kinh nghiệm, ông Di mạnh dạn hơn trong công tác lãnh, chỉ đạo các công việc của bản. Ngoài tổ chức họp bản, ông thường xuyên nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của bà con cùng cấp ủy chi bộ bàn thảo, thống nhất giải pháp triển khai phát triển kinh tế trong điều kiện diện tích đất sản xuất ít, trình độ canh tác của bà con chưa cao. Từ đó, tuyên truyền, vận động, khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa; thâm canh tăng vụ nhằm tăng thu nhập; chung sức xây dựng nông thôn mới. Ông tích cực chia sẻ cho bà con cách làm, kinh nghiệm phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.
Ông Di chia sẻ thêm: Bên cạnh tuyên truyền, hướng dẫn phát triển kinh tế, tôi còn vận động bà con xóa bỏ tập tục lạc hậu; không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống và đặc biệt không sinh quá nhiều con, chỉ nên dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt. So với trước đây, tình trạng đó đã giảm nhiều. Thời gian tới, tôi sẽ phối hợp với cán bộ xã tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh để có thu nhập cao, ổn định; xây dựng gia đình, làng bản văn hóa. Tuy nhiên, rất mong các cấp chính quyền xã, thành phố, tỉnh quan tâm sửa chữa, nâng cấp hoặc làm mới tuyến đường nội bản để bà con đi lại thuận tiện hơn.
Bằng tinh thần trách nhiệm với công việc, ông Di đã góp phần cùng chính quyền địa phương từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Tỷ lệ hộ nghèo trong bản giảm từng năm, hiện trong tổng số 56 hộ, Tả Chải còn 14 hộ nghèo, không có tệ nạn về ma túy.

Bạch Dương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...