Thứ hai, 29/04/2024, 09:26 [GMT+7]

Trang trại nuôi lợn sạch của anh Sinh

Thứ năm, 07/07/2016 - 17:24'
(BLC) – Đến bản Thèn Pả, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường ai cũng biết trang trại nuôi lợn sạch của anh Giàng A Sinh, bởi mô hình không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia chủ mà còn mở hướng làm giàu cho nông dân trong xã.

Anh Giàng A Sinh (áo trắng) chăm sóc đàn lợn.

Trong khi nhiều hộ chăn nuôi lợn theo phương pháp công nghiệp nhằm tăng nhanh trọng lượng lợn, rút ngắn thời gian xuất chuồng, thì gia đình anh Giàng A Sinh lại nuôi lợn theo phương pháp truyền thống. Điều đáng nói là mặc dù nuôi theo phương pháp truyền thống nhưng hiệu quả kinh tế vẫn không thua kém so với nuôi công nghiệp, mà chất lượng thịt lại thơm ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng. Theo lời giới thiệu của Chủ tịch UBND xã Tả Lèng, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi lợn của anh Sinh. Trên diện tích hơn 200m2 đất vườn, anh Sinh đã đầu tư xây dựng chuồng trại rất gọn gàng và ngăn nắp để nuôi lợn bản. Thức ăn cho lợn “chỉ độc” những sản phẩm nông nghiệp tại địa phương như: ngô, lúa, rau, khoai, chuối… Gia đình anh không cho ăn thêm bột cám hay những thức ăn đã qua chế biến công nghiệp.

Anh Sinh cho biết: “Trước đây tôi cũng từng nuôi lợn theo phương pháp công nghiệp rồi nhưng khó bán, nhất là lúc xuất chuồng không được thì dễ lỗ lắm. Nuôi lợn công nghiệp tốn kém lắm, hầu như toàn bộ thức ăn, vật tư đều phải đi mua, khi thương lái ép giá thì lỗ nặng. Bây giờ chuyển sang nuôi theo cách truyền thống tuy thời gian có kéo dài hơn một chút nhưng lại dễ bán, mà thức ăn cho lợn hoàn toàn do mình làm ra nên không lo lỗ. Giá cả luôn cao hơn nhưng tiêu thụ vẫn dễ, nhiều lúc các nhà hàng đặt hàng vẫn không đủ để bán”.

Anh Sinh tiết lộ, giống lợn ban đầu anh cũng tìm mua lợn địa phương ở các bản về nuôi, sau đó tự nhân giống mà không mua giống ở nơi khác về. Ngoài cho ăn thức ăn sạch, việc phòng trừ bệnh dịch cho đàn lợn cũng được anh thường xuyên thực hiện đúng khoa học, hơn nữa lợn địa phương nên thích nghi với điều kiện khí hậu, thời tiết, hầu như không xảy ra dịch bệnh.

Để có đủ thức ăn cho lợn, mỗi năm gia đình anh trồng 2ha ngô, trên 1ha lúa, và duy trì hơn 1ha chuối. Với hình thức nuôi như thế, một năm trang trại chỉ xuất hai lứa với trên 2 tấn lợn cặp nách. Với giá thị trường từ 55 – 100.000 đồng/kg, cao hơn giá lợn thường hơn 10.000 đồng/kg, trừ chi phí anh thu về trên 100 triệu đồng/năm. Đánh giá về cách làm của anh Sinh, ông Phạm Văn Kiện – Chủ tịch UBND xã Tả Lèng nói: “Anh Giàng A Sinh là môt tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế. Anh rất năng động, sáng tạo và chịu khó học hỏi, nhất là thời gian gần đây anh đã rất thành công với mô hình chăn nuôi lợn sạch. Nhờ đó không chỉ tăng thu nhập cho gia đình mà góp phần cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho thị trường. Đây là một tấm gương tiêu biểu mà thời gian tới xã sẽ tổ chức tuyên truyền để mọi người dân biết được học tập và làm theo”.

Lợn được nuôi bằng thức ăn sạch, không có chất kích thích, tăng trọng nên chất lượng thịt thơm ngon, khách hàng ưa chuộng vì vậy tiêu thụ rất dễ mà không lo bị ế như lợn thường. Điều đáng khen ngợi là anh Giàng A Sinh đã nắm bắt được nhu cầu thị trường, sự khó tính của người tiêu dùng để xây dựng thành công mô này, để không chỉ phát triển kinh tế, tăng thu nhập mà góp phần quan trọng vào đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở địa phương.

 

Mạnh Chi – Đài PT-TH tỉnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...