Thứ tư, 01/05/2024, 15:29 [GMT+7]

Viên ngọc quý trên đỉnh Hoàng Liên Sơn

Thứ năm, 07/02/2013 - 22:45'
(BLC) - Suốt mấy chục năm qua, lang y Sồng Thị Xa ở bản Liên Sơn 1, xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ làm việc thiện, bốc thuốc cứu người. Nhiều phụ nữ nơi đây tưởng như đã hết hy vọng sinh con nhưng khi gặp bà Xa họ đã thỏa nguyện được ước mong.

Vượt rừng tìm cao nhân

Bản Liên Sơn 1 nằm tít trên núi cao. Mùa đông mây phủ kín trời, kín đất. Ngôi nhà tranh tre đơn sơ của bà Xa nằm giữa bản nhuộm trắng bởi màn sương mù. Hôm chúng tôi đến thăm nhà, bà Xa đang tất bật chuẩn bị đón cái Tết của người Mông (người Mông bắt đầu ăn Tết từ đầu tháng 12 âm lịch). Phía trên bếp lửa bà treo lủng lẳng thịt lợn. Quanh nhà từng hũ gạo nếp cũng được bà chuẩn bị sẵn để làm bánh dày. Bí ngô, bí đao, đậu đỗ xếp thành từng hàng dài cạnh gian bếp. Người phụ nữ được tất cả bà con nơi đây yêu mến gọi là “nỉa” (mẹ) ra tận cửa đón chúng tôi. Năm nay bà đã ngoài 80 tuổi nhưng bà vẫn còn khỏe lắm. Bà bước đi nhanh nhẹn, giọng nói còn vang và khỏe. Mái tóc mới lơ phơ vài sợi bạc. Vừa pha trà mời khách bà vừa nói: “Gạo, thịt, đậu tương… đều do bà con trong bản mang đến biếu tặng đấy”.

Cây thuốc quý mà bà Xa lấy được ở đỉnh Hoàng Liên Sơn.

Bây giờ, người dân ở bản dường như ai cũng thuộc "tiểu sử" của thần y. Năm 16 tuổi bà đã về làm dâu ở bản này và cũng ngần đó thời gian bà vận dụng nghề thuốc cứu giúp người dân nơi đây. Bài thuốc này do bà ngoại của bà là cụ Sồng Thị Sông truyền lại. Cụ Sông là người uyên thâm về môn bấm huyệt và bốc thuốc nam. Ngay từ nhỏ, bà Xa được cụ Sông dẫn đi hái lá thuốc trong rừng. Ngắt được cây thuốc nào là cụ chỉ cho đứa cháu ngoại biết từng công dụng của loài cây đó. Chẳng mấy chốc bà Xa đã nhớ như in loài cây thuốc quý trên dãy Hoàng Liên Sơn.

Không chỉ truyền cây thuốc, cụ Sông còn tận tình chỉ đứa cháu ngoại phương pháp bấm huyệt, đặc biệt là cách khám và chữa bệnh hiếm muộn của phụ nữ. Từng lời dạy của bà ngoại đã được bà Xa lĩnh hội xuất sắc. Cụ Sông mất khi đã bước sang tuổi 100. Trước lúc lìa xa cõi trần, cụ Sông đã kéo cháu ngoại vào bên mình và căn dặn rất kĩ: Con à trong tất cả những đứa con cháu của ta, con là người có tính cách ôn hòa lại có lòng thương người nên ta mới truyền lại toàn bộ y thuật chữa bệnh cho con. Khi hành nghề này con phải dốc lòng, dốc sức khám chữa bệnh cho bà con.

Thương người như thể thương thân

Khắc ghi lời dạy của bà ngoại, suốt mấy chục năm qua, bà Xa hành nghề y nhưng chưa bao giờ màng tới danh lợi. Bà bảo: “Bài thuốc chữa vô sinh chỉ có 3 loại cây, tiếng Mông gọi là “pẳng sua”, “cua chai” và “sua”. Cây thuốc này nhiều người biết, nhưng điều quan trọng nhất của người lang y là phải bắt đúng bệnh và hái thuốc phải có giờ”. Trên dãy Hoàng Liên Sơn những vị thuốc này vẫn còn rất nhiều. Hằng ngày bà Xa vẫn trèo đèo, lội suối hái lá thuốc về. Theo bà Xa, cây thuốc phải hái vào sáng sớm hoặc cuối buổi chiều, nếu hái về trưa thuốc không hiệu nghiệm. Trước khi hái lá thuốc bao giờ bà cũng phải cám ơn thần rừng, thần núi đã ban cho những cây thuốc quý này.

Chị Giống giờ đã có tới 4 đứa con nhờ bài thuốc độc đáo của bà Xa.

Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang khi có người phụ nữ đến nhà. Chị này tên Hoa ở tận huyện Sìn Hồ đến nhờ bà Xa khám bệnh. Chị Hoa là người Thái. Chị lấy chồng được 10 năm mà chưa có con. Nghe danh bà Xa, chị cất công vượt đường rừng lên tận đây lấy thuốc. Sau khi thăm hỏi hoàn cảnh, bà Xa bảo chị Hoa nằm tạm lên chiếc phên tre ở cạnh giường. Đôi bàn tay gầy guộc của bà Xa bỗng trở lên nhanh nhẹn và mềm mại lạ thường khi bà khám bệnh cho chị Hoa. Đôi tay di chuyển đến đâu là trên nét mặt của bà có sự thay đổi rất rõ rệt. Sau vài phút kiểm tra từng bộ phận gan, thận, dạ dầy và cả dạ con của chị Hoa xong, bà Xa mới gật gù bảo: “Chị yên tâm, do chị ăn uống thất thường lại hay làm việc nặng nên sức khỏe không được bảo đảm. Giữa chị và chồng chưa được hòa hợp cho lắm trong chuyện chăn gối…”. Nghe bà Xa nói vậy, chị Hoa bỗng ngẩn người vì bà nói rất đúng.

Trước lúc chị Hoa về, bà Xa có đưa cho chị 2 cây thuốc nhỏ và dặn dò rất kĩ cách sử dụng thuốc uống như thế nào. Sau 1 tháng uống thuốc mà chưa thấy tác dụng, bà mời chị Hoa lên đây khám lại. Chị Hoa lấy được thuốc vui mừng quá nên lúc về cũng quên luôn cả việc cám ơn bà Xa. “Bà không lấy công à?”, nghe tôi nói vậy, bà Xa nở nụ cười hiền như cảm thông với người bệnh vừa về. Vấn lại chiếc khăn đội đầu bà bảo: “Người ta có bệnh mới tìm đến mình. Những phụ nữ lấy chồng rơi vào cảnh hiếm muộn, luôn sống trong cảnh dằn vặt và chờ đợi. Giờ tôi giúp được chị ấy là tôi cũng vui lây rồi. Cây thuốc ở trên rừng, tôi chỉ góp công ngắt nó về và hướng dẫn họ cách sử dụng thôi”.  

Quả thực trong suốt mấy chục năm qua, bà Xa chữa bệnh không màng danh lợi. Hàng trăm phụ nữ bị hiếm muộn đã được bà giúp đỡ. Lá thuốc này có thể nhiều người biết nhưng điều quan trọng là phải tìm ra được căn nguyên của căn bệnh mà đưa ra những vị thuốc cho phù hợp với từng người phụ nữ. Không chỉ biết cách chữa cho phụ nữ, ngay cả nhiều nam giới gặp vấn đề về khả năng sinh sản cũng được bà Xa chữa giúp. Cái hay của bài thuốc của bà Xa là đơn giản, nhanh chóng và dễ sử dụng. Mỗi bài thuốc chỉ có 2-3 vị thuốc là lá cây rừng khác nhau. Căn cứ vào việc khám bệnh của từng người mà bà Xa đưa ra vị thuốc uống cho phù hợp.

Mẹ của hàng trăm đứa con

Cách nhà bà Xa vài bước chân là ngôi nhà nhỏ của chị Giàng Thị Giống. Nhìn bầu đoàn thê tử nhà chị tíu ta, tíu tít dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón Tết của người Mông, tôi cũng thấy vui lây. Khi kể về mấy đứa con của mình, chị Giống luôn bảo: “Mấy đứa nhỏ nhà tôi có 2 bà mẹ. Tôi là người sinh ra chúng nhưng “nỉa” – mẹ Xa mới là người có công giúp chúng chào đời. Gia đình tôi ơn “nỉa” Xa suốt đời”. Chị Giống kể, chị và anh Tráng lấy nhau được 7 năm mà chưa có con. Mỗi khi nhìn mấy đứa nhỏ của hàng xóm khóc, làm nũng mẹ là chị lại trào nước mắt, thương xót cho phận mình.

Biết ở bản có “nỉa” Xa bốc thuốc giỏi nhưng chị Giống cũng chưa dám sang nhờ. Chị lo là mọi người bảo mình là người không biết đẻ. Anh chị mỏi mòn chờ đợi tin vui nhưng ước mong đó mãi chưa thành hiện thực. Biết hoàn cảnh của chị Giống, 1 hôm “nỉa” Xa mới sang chơi và động viên: “Giống à. Bà có may mắn được tổ tiên truyền lại cho bài thuốc tốt. Giống cứ để bà khám cho xem sao”. Đôi bàn tay gầy guộc của bà Xa giống như được gắn máy nội soi vậy. Trước khi về “nỉa” Xa động viên chị Giống rằng: “Mày không sao đâu, cái bụng của mày tốt đấy. Mai xuống tao cho nắm thuốc về uống”. Sau hơn 1 tháng uống thuốc của “nỉa” Xa, chị Giống đã đón tin vui. Giờ đây, anh chị đã có tới 4 người con nữa rồi. Cùng chung niềm vui với gia đình anh Giống, trong bản nhỏ này còn có 4 phụ nữ khác nhờ uống thuốc của “nỉa” Xa mà họ toại nguyện được ước mong được làm mẹ.

Tiếng lành đồn xa, phụ nữ ở khắp các xã của huyện Phong Thổ, Sìn Hồ (Lai Châu), thậm chí ở tận Điện Biên tìm về nhà bà Xa để chữa bệnh. Họ đến rồi đi, nhưng bẵng đi khoảng 1 - 2 năm, “nỉa” Xa lại thấy họ quay lại. Trên tay ai cũng xách theo 1 con gà, chai rượu đến để cảm ơn bà. Từ ngày về làm dâu ở bản này, hầu hết những đứa trẻ ở đây chào đời đều do tay bà đỡ cả. Ông Lìu A Phong, Trưởng bản Liên Sơn 1 cũng hết lòng khen ngợi tấm lòng đức độ của bà Xa. “Vợ tôi sinh đứa đầu thai bị ngược. Hôm vợ trở dạ, tôi không thể đưa vợ ra viện được vì đường xá xa xôi qua. Tôi liền xuống gọi bà Xa lên. Không hiểu bà làm cách gì đó mà chỉ trong phút chốc đứa trẻ đã xoay đầu “mẹ tròn con vuông” khiến tôi trào nước mắt”.

Xuân Thi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...