Thứ sáu, 26/04/2024, 15:18 [GMT+7]

Đưa hàng Việt đến người tiêu dùng

Thứ tư, 09/06/2021 - 16:59'
Huyện Phong Thổ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là CVĐ), nhiều mặt hàng Việt phong phú, đa dạng đã đến tay người tiêu dùng, nhất là ở những xã vùng cao biên giới. Nhân dân trong huyện đẩy mạnh sản xuất những mặt hàng nông sản, giới thiệu đến người tiêu dùng.

Có dịp đến những xã vùng cao biên giới của huyện Phong Thổ từ Dào San vòng qua Sì Lở Lầu, xuôi về Ma Li Pho rồi ngược lên Huổi Luông, ghé thăm chợ, những hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ, chúng tôi thấy hầu hết những mặt hàng bày bán đều mang nhãn hiệu, lôgô sản xuất của các công ty trong nước. Một số nhãn hiệu mặt hàng nổi tiếng, chất lượng như: bánh kẹo Hải Hà, Orion; sữa Vinamilk; các loại giống lúa chất lượng cao 838, phân bón Lâm Thao... được nhiều người dân tin dùng.

Chị Trần Thị Mừng (bản Pô Tô, xã Huổi Luông) chia sẻ: Vợ chồng tôi mở cửa hàng tạp hoá được gần 20 năm nay. Trước đây, khi việc giao thương đi lại hai nước còn dễ dàng, chúng tôi có bán một số mặt hàng của Trung Quốc sản xuất như: xì dầu, nước mắm, đồ dùng sinh hoạt gia đình. Từ khi có CVĐ, chúng tôi ưu tiên nhập những mặt hàng của Việt Nam, giá thành, chất lượng phù hợp với túi tiền của người dân. Hiện nay, 100% mặt hàng của gia đình là hàng Việt Nam sản xuất, được các nhà phân phối lớn của thành phố chở lên đây giao hàng.

Hàng Việt Nam được người dân xã biên giới Huổi Luông (huyện Phong Thổ) tin dùng.

Tại cửa hàng nhà chị Mừng, ông Chẻo Diếu Sâng (bản Hoàng Chù Xào, xã Huổi Luông) vui khi lựa chọn được những túi kẹo ngon vừa với số tiền đang có. Ông Sâng hồ hởi: Các cháu tôi rất thích ăn kẹo. Ở cửa hàng có cả gói to, gói bé tiện lợi cho chúng tôi mua vừa với giá tiền. Được cán bộ xã về bản tuyên truyền dùng hàng Việt Nam, chúng tôi tin dùng nhiều hơn. Tôi thấy các mặt hàng do Việt Nam sản xuất sử dụng rất tốt, đồ điện gia dụng bền; bánh kẹo thơm, ngon.

Huyện Phong Thổ có 17 xã, thị trấn. Những năm qua, triển khai CVĐ, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức: treo băng-rôn, khẩu hiệu, tuyên truyền lồng ghép trực tiếp tại bản, nhóm hộ, hộ gia đình. Đặc biệt, đối với các xã vùng cao, huyện chú trọng tuyên truyền, vận động trực tiếp tới Nhân dân tại các phiên chợ vùng cao ở Dào San, Vàng Ma Chải, Sì Lở Lầu; trên hệ thống loa phát thanh thôn, bản có phiên dịch bằng tiếng địa phương.

Đồng chí Giàng A Vư - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện cho biết: Hàng năm, Ban Chỉ đạo CVĐ phối hợp với các cơ quan, các xã trên địa bàn huyện tổ chức các hội nghị tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về CVĐ. Năm 2020, tổ chức 3 hội nghị tuyên truyền CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại trung tâm các xã với trên 300 người tham dự. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo, phối hợp với Phòng Kinh tế Hạ tầng, các xã, thị trấn tạo điều kiện để các doanh nghiệp đưa sản phẩm Việt đến với địa phương đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh. Cùng với đó, tuyên truyền cho Nhân dân khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, mở rộng phát triển sản xuất lúa, vùng chè cổ, chăn nuôi gia súc và một số cây trồng có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, huyện đã hình thành các thương hiệu gạo: tẻ dâu, nếp tan; chè cổ thụ Mồ Sì San. Các sản phẩm gạo này đều được người dân trong và ngoại huyện ưa chuộng; sản phẩm chè cổ thụ đã gây được tiếng vang trên thị trường trong và ngoài nước về chất lượng cũng như giá trị thành phẩm. Nhờ đó, nhiều người dân ở các xã vùng cao Pa Vây Sử, Mồ Sì San... có thêm nguồn thu nhập ổn định từ việc giữ gìn và khai thác chè cổ để bán cho các đơn vị thu mua, chế biến chè.

Huyện quan tâm, tăng cường quảng bá các sản phẩm thương hiệu Việt thông qua việc tổ chức các hội chợ gian hàng. Đồng thời, tận dụng các trang mạng xã hội, các kênh truyền thông đại chúng quảng bá sản phẩm nông sản của địa phương. Được biết, trong năm 2020 huyện tổ chức 1 hội chợ thương mại tại trung tâm thị trấn Phong Thổ với trên 50 gian hàng Việt giới thiệu sản phẩm, thu hút trên 8.000 lượt người đến tham quan, mua sắm.

Ban Chỉ đạo phối hợp các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; ký kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với các cơ sở kinh doanh; xử lý nghiêm tình trạng mua bán hàng nhái, hàng hết hạn sử dụng. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 22 cơ sở chế biến sản xuất, 71 cơ sở dịch vụ ăn uống, 390 hàng tạp hóa, 6 cơ sở đồ điện gia dụng, điện lạnh, 20 hợp tác xã, 67 doanh nghiệp. Nhờ đó, duy trì được thói quen mua sắm, tiêu dùng các sản phẩm thương hiệu Việt của Nhân dân, nhất là người dân ở các xã vùng sâu, vùng khó khăn biên giới.

Đồng chí Giàng A Vư cho biết thêm: Việc đưa hàng Việt lên các xã biên giới vẫn gặp một số khó khăn nhất định. Huyện có tới 12 xã biên giới, nhận thức của một bộ phận người dân còn nhiều hạn chế, vì vậy thường mua sắm những mặt hàng rẻ tiền, kém chất lượng. Một số ít cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến việc lãnh, chỉ đạo thực hiện CVĐ... Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh vận động bà con ưu tiên dùng hàng Việt Nam; nâng cao vai trò lãnh, chỉ đạo của cấp ủy; sự phối hợp đồng bộ của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tuyên truyền. Tăng cường quản lý Nhà nước kiểm soát thị trường, chống các hành vi sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, hành vi buôn lậu, gian lận thương mại. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức xúc tiến thương mại, tăng cường hệ thống phân phối bán lẻ...

Ngân Khánh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...