Thứ sáu, 26/04/2024, 12:15 [GMT+7]

Bản Giang khai thác tiềm năng từ cây chè

Thứ hai, 25/09/2017 - 14:41'
(BLC) - Chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã Bản Giang (huyện Tam Đường) từng bước hình thành vùng sản xuất chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao: nuôi cá, trồng cam, mía và đặc biệt là cây chè.

Vượt qua trung tâm thành phố đến địa phận xã Bản Giang chúng tôi cảm nhận không gian yên bình, thoáng mát với những thửa ruộng, nương ngô không có đất bỏ trống, nương chè thoai thoải nơi sườn đồi xanh ngát, búp vươn tua tủa. Trên đó, bà con đang sử dụng máy, liềm và thậm chí thu hái thủ công đối với giống chè Kim tuyên đảm bảo kỹ thuật 1 tôm 2 lá để có thể bán với giá cao 11 - 12.000 đồng/kg. Mặc dù trời đã khá trưa và thi thoảng lại đổ cơn mưa rào khiến mặt tán chè đọng đầy nước nhưng bà Đỗ Thị Hoàn (bản Hà Giang) và 2 người con vẫn cố gắng thu hái nốt luống chè còn lại. Bà Hoàn cho chúng tôi biết, bản Hà Giang có 100% người kinh ở Thái Bình lên lập nghiệp. Ngày đó, cuộc sống của chúng tôi gắn bó với nghề trồng, thu hái chè. Nếu tính ra thì cây chè cũng xuất hiện trên mảnh đất này vài chục năm rồi. Tuy nhiên, cây chè cho thu nhập không cao, cuộc sống khó khăn, nhiều hộ chặt đi để trồng ngô, cây ăn quả. Gia đình tôi trước đây cũng có ít đất nương, vườn lên trồng chè Shan và Tuyến shan, nhờ quyết tâm giữ chè nên vài năm nay lại có nguồn thu nhập cao, ổn định. Có lẽ vì được chăm sóc, đầu tư nhiều hơn nên cây chè giờ đây phát triển tốt, cho búp nhiều. Đơn cử như nương chè Kim tuyên hơn 400m2 này của gia đình tôi, mỗi tháng cũng thu được 2 - 3 lứa. Với giá như hiện nay 11.000 đồng/kg chè búp tươi, tổng thu 2 - 3 tạ/tháng cộng thêm ít chè Shan (giá dao động 5 - 7 nghìn) trên nương nữa cũng có nguồn thu kha khá. Nếu giá cả ổn định và cao như hiện nay thì hộ trồng chè có thể sống tốt.

Nông dân bản Hà Giang thu hái chè Kim tuyên.

Được biết, toàn xã hiện có 108,9ha chè, trong đó chè kinh doanh 102,8ha; hầu hết các bản của xã có diện tích chè (trừ bản Suối Thầu). Chè được bà con trồng trên đồi, nương, vườn nhà và diện tích chè kinh doanh lâu năm cho thu nhập cao, ổn định vẫn tập trung nhiều ở bản Hà Giang, các bản còn lại cũng chỉ vài năm tuổi.

Những năm gần đây, mặc dù việc chuyển đổi diện tích ruộng sang trồng mía đã mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng bà con bản Tẩn Phù Nhiêu vẫn chú trọng chăm sóc, mở rộng diện tích chè. So với bản Hà Giang, địa hình của Tẩn Phù Nhiêu thấp, bằng phẳng nên chè được trồng ở những bãi đất cao, xung quanh là ruộng, vườn và không tập trung. Dù vậy, bà con cũng có khoản thu nhập đáng kể, thường xuyên trong 7 - 8 tháng/năm từ cây chè.

Theo anh Nguyễn Bá Kiện - Chủ tịch UBND xã Bản Giang, cây chè ở Bản Giang cũng có nhiều thăng trầm, trước đây diện tích chè của xã khá lớn, tuy nhiên do giá thu mua thấp nên bà con không đầu tư, chăm bón hoặc chặt bỏ. Vài năm gần đây, nhu cầu thu mua của các công ty, hộ chế biến chè tăng cao, bà con chú trọng chăm sóc để nâng cao sản lượng. Dựa vào tiềm năng đất đai với đồi, núi nhiều, nguyện vọng của bà con, xã tiến hành khảo sát, xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích tại những bản đảm bảo điều kiện. Do vậy, hàng năm xã đều triển khai trồng chè mới theo dự án hỗ trợ của huyện, có sự tham gia của Công ty Cổ phần Chè Tam Đường (cung ứng giống, phân bón trả chậm, nhận bao tiêu sản phẩm); Nhân dân tự phát trồng chè trên diện tích đất của gia đình. Riêng năm nay, toàn xã triển khai trồng 10ha, Nhân dân đăng ký tự trồng 5ha. Hiện xã đã khảo sát, xây dựng kế hoạch triển khai trồng 20ha chè tại các bản: Nà Sài, Suối Thầu, Hà Giang vào năm 2018.

Với lợi thế giao thông thuận lợi, giá thị trường về sản phẩm chè búp tươi cao, nguồn đầu ra ổn định, cây chè đã mang lại thu nhập ổn định cho nông dân Bản Giang. Đã có hộ dân trong xã chỉ trong 1,5 tháng thu về 35 triệu đồng từ bán chè búp tươi. Một trong những điều kiện thuận lợi để Nhân dân chăm sóc những nương chè nảy mầm xanh tốt hơn là ngay tại trung tâm xã có những hộ kinh doanh phân bón sẵn sàng cho bà con mua trả chậm; hộ kinh doanh, chế biến chè... Vì vậy, chè thu hái đến đâu bà con không còn phải mang ra nhà xưởng của các công ty, hộ chế biến chè ngoài xã San Thàng, thành phố Lai Châu mà có thể bán và nhận tiền ngay tại đồi chè hoặc ven đường giao thông.

Giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận, tiết kiệm thời gian, nông dân xã Bản Giang tích cực đưa cơ giới hóa trong khâu làm cỏ, thu hái (máy cắt), đầu tư phân bón hữu cơ tạo độ tơi xốp cho đất, phun thuốc bảo vệ thực vật sau khi thu hái đảm bảo đúng liều lượng, thời gian quy định.

Mặc dù khi nói về nguồn thu nhập từ cây chè, những hộ dân mà tôi gặp đều có chung nhận định có thể sống được từ cây chè nhưng khi được chính đồng chí Chủ tịch UBND xã thông báo 6 tháng đầu năm toàn xã xuất được 280 tấn chè búp tươi và con số này chắc chắn sẽ còn tăng vì tháng 7 - 9 mới là mùa cao điểm của vụ chè, tôi mới chắc chắn nhận định của mình về hiệu quả kinh tế mà cây chè mang lại cho Nhân dân nơi đây.

Hy vọng với lộ trình mở rộng diện tích trồng chè của xã, thời gian tới, nhiều hộ nông dân của xã Bản Giang sẽ có thêm nguồn thu nhập mới ngoài cây mía, ăn quả, lúa, ngô và cá.

Hoàng Trọng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...