Thứ sáu, 26/04/2024, 16:58 [GMT+7]

Than Uyên thất thu từ hoạt động kinh doanh chợ truyền thống

Thứ hai, 17/08/2020 - 11:41'
(BLC) - Gần 3 năm nay, hoạt động kinh doanh chợ truyền thống của huyện Than Uyên ngày càng ảm đạm, nhiều hộ kinh doanh lâu năm đã phải trả lại các ô thuê mặt bằng. Điều này dẫn đến việc huyện thất thu ngân sách hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Nếu như trước đây, chợ huyện Than Uyên sầm uất, sôi động; người mua, người bán tấp nập, thì nay, hoạt động kinh doanh của chợ chỉ còn là bề nổi ở bên ngoài dọc tuyến đường 30/4 và Nguyễn Chí Thanh; còn phía bên trong chợ là không khí ảm đạm chỉ có người bán, người mua hầu như không có.

Nhiều ô bán hàng tạp hóa trong chợ huyện Than Uyên bị trả lại trở thành nơi chứa đồ đạc, để xe của các hộ còn kinh doanh.

Nhiều gian hàng trong chợ huyện Than Uyên bị trả lại trở thành nơi chứa đồ đạc, để xe của các hộ còn kinh doanh.

Chúng tôi ghé thăm gian hàng kinh doanh quần áo của chị Nguyễn Thị Loan ở khu 2, thị trấn Than Uyên, lúc này chị đang sắp xếp các bộ quần áo mới, treo tươm tất trên giàn. Nói chuyện với chúng tôi, ánh mắt chị đượm buồn. Chị Loan chia sẻ: Gia đình tôi kinh doanh ở chợ 8 năm nay, những năm trước bán quần áo thích lắm, nhưng năm nay thì ít khách. Có khi cả tuần mới bán được vài trăm nghìn trong khi đó mỗi tháng vừa đóng phí thuê mặt bằng, điện, nước hết hơn 1 triệu đồng.

Không chỉ riêng gì các khu vực bán quần áo, hàng gia dụng, ngay cả khu vực bán hàng thực phẩm tươi sống cũng vậy. Khách mua thưa thớt, các tiểu thương bán thịt giết thời gian bằng cách ngồi nói chuyện, hát cho nhau nghe. Khi chúng tôi hỏi vì sao không có khách mua thịt, các chị vẫn bán ở đây? Chị Phùng Thị Xuyên tâm sự: Nghề này theo tôi đã 10 năm nay, nếu không bán thịt thì bây giờ tôi cũng không biết phải chuyển sang nghề gì để có thu nhập trang trải cuộc sống, trong khi ruộng thì không có. 

Được biết, chợ Than Uyên có diện tích trên 6.700m2 được đưa vào sử dụng năm 2002. Chợ phân chia theo từng khu mặt hàng: quần áo, giày dép, hàng gia dụng, đồ khô, thực phẩm tươi sống… với 222 hộ dân thuê mặt bằng kinh doanh. Hàng năm, Ban Quản lý chợ huyện triển khai nhiều biện pháp cụ thể thu hút các hộ vào kinh doanh, buôn bán, người dân đến mua như: phối hợp với công ty môi trường dọn dẹp vệ sinh hàng ngày; cử bảo vệ trông nom chợ; hàng tuần phối hợp với lực lượng tổ tự quản của khu 1 tuần tra đảm bảo an ninh trật tự, chống trộm cắp tài sản xảy ra; thường xuyên duy tu bảo dưỡng hệ thống đường điện, nước; trang bị hệ thống báo cháy, thiết bị phòng cháy chữa cháy chợ… Tuy nhiên lượng khách vào chợ ngày càng giảm, khiến cho nhiều hộ kinh doanh chán nản, trả lại mặt bằng kinh doanh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Quang - Phó trưởng Ban Quản lý chợ Than Uyên cho biết: Trước đây hàng thực phẩm tươi sống có 35 hàng, giờ chỉ còn lại 7 hàng bán cố định; hàng quần áo trả lại chục gian hàng; các hàng bán đồ khô, gia dụng cũng trả lại nhiều; đến nay chợ còn lại 140 hộ đang hoạt động. Nguyên nhân là do các hộ kinh doanh không bán được hàng; tiền phí thuê vẫn phải trả hàng tháng, mức thấp nhất là 422 nghìn đồng/tháng/gian hàng, cao nhất gần 500 nghìn đồng/tháng/gian hàng, chưa tính tiền điện, nước. Chúng tôi đã làm thông báo, khuyến khích các hộ vào chợ bán không thu phí trong vài tháng đầu nhưng đến nay mới thu hút được 2 hộ trong tổng số trên 30 hộ đã bỏ ra ngoài kinh doanh và chuyển sang ngành nghề khác. Vì vậy, thu ngân sách của chợ sụt giảm đáng kể. Năm 2019, Ban Quản lý chợ được huyện giao thu 1,4 tỷ đồng, nhưng đến cuối năm, chúng tôi mới thu được 1,102 tỷ đồng, không đạt kế hoạch. Riêng hàng rau, củ quả vì các hộ bỏ ra ngoài mặt đường buôn bán nhỏ nên mấy năm nay, mỗi năm thất thu 130 triệu đồng phí thu mặt bằng. Năm 2020, Ban được giao 1,140 tỷ đồng, đến thời điểm này mới thu được gần 600 triệu đồng. Cứ tình trạng có người bán mà không có người mua như thế này, không biết năm nay, Ban có hoàn thành được kế hoạch huyện giao hay không.

Tìm hiểu chúng tôi được biết thêm, chợ huyện Than Uyên không có quy hoạch bãi đỗ xe, nên người dân gặp khó khăn trong việc di chuyển vào chợ để mua hàng. Trong khi mặt bằng khu vực rau củ quả trong chợ bỏ trống, thì các hộ kinh doanh tràn ra ngoài đường để buôn bán và chấp nhận "chạy" cuốn hàng mỗi khi có lực lượng trật tự đô thị của thị trấn Than Uyên đến; không những thế còn gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến giao thông. Cùng với đó là sự lớn mạnh của các cửa hàng tạp hóa, siêu thị ngày càng mọc lên san sát với nhiều mặt hàng đa dạng, hấp dẫn thu hút khách. Hoạt động kinh doanh online cũng trở nên phổ biến khiến cho khách hàng lười ra chợ để mua hơn...

Ông Quang và các hộ dân kinh doanh trong chợ luôn băn khoăn: Chợ là nơi giao thương hàng hóa. Chợ cũng phản ánh phần nào đó sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Nếu bây giờ chợ không còn nữa thì khung cảnh của huyện sẽ trở nên như thế nào. Đặc biệt là thêm một bài toán đặt ra về giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Hy vọng rằng, cấp ủy, chính quyền huyện Than Uyên sớm có những giải pháp phù hợp để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của chợ huyện truyền thống. Qua đó, vừa góp phần tăng thu ngân sách địa phương mỗi năm; giải quyết viêc làm ổn định cho hàng trăm lao động nông thôn; vừa gìn giữ được những nét văn hóa độc đáo của chợ từ bao năm nay và tô thêm màu sắc tươi đẹp cho bức tranh chung của huyện đang trong thời kỳ đổi mới, phát triển. 

Đinh Đông

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...