Thứ sáu, 26/04/2024, 15:12 [GMT+7]

Triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Thứ sáu, 26/06/2020 - 15:41'
(BLC)- Sáng nay (26/6), Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) và triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Đặng Văn Châu - Phó Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (No&PTNT) chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu các huyện, thành phố có đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn; các thành viên BCĐ Phòng, chống dịch bệnh động vật cấp huyện, thành phố dự.

Theo Báo cáo của Sở No&PTNT, bệnh DTLCP xuất hiện lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh từ ngày 19/3/2019 đến ngày 25/12/2019 (ngày có ca bệnh cuối cùng), dịch bệnh đã xảy ra tại 5.633 hộ/585 bản/93 xã của 8 huyện, thành phố; trong đó 20 xã tái phát dịch. Số lợn buộc phải tiêu hủy là 21.270 con, trọng lượng lợn tiêu hủy 875.198kg, tỷ lệ hộ có lợn bị tiêu hủy chiếm khoảng 11% (5.643/51.950 hộ).

Sau khi tỉnh công bố hết DTLCP thì đến ngày 8/6/2020, trên địa bàn thành phố Lai Châu, DTLCP tái xuất hiện tại một hộ chăn nuôi lợn ở bản Màng, phường Quyết Thắng, sau đó dịch bệnh tiếp tục lây lan sang các hộ, các bản và các xã, phường khác. Đến ngày 25/6/2020, DTLCP xuất hiện tại 13 hộ/7 bản/4 xã, phường (Quyết Thắng, Đông Phong, San Thàng, Sùng Phài). Số lợn ốm, chết và tiêu hủy là 96 con (15 nái, 12 nái hậu bị, 36 lợn con và 33 lợn thịt). Tổng trọng lượng lợn phải tiêu hủy là 6.776kg. Đến ngày 26/6/2020, DTLCP xuất hiện thêm một số bản ở các huyện: Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ. Nguyên nhân bước đầu được xác định có thể do tái phát từ ổ DTLCP cũ xảy ra năm 2019 trên địa bàn các xã, phường; hoặc do việc lưu thông, vận chuyển, giết mổ lợn đã nhiễm bệnh.

Để khống chế dịch bệnh lây lan, Sở No&PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các biện pháp cấp bách để ngăn chặn dịch lây lan ra diện rộng: cách ly ngay động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại ổ dịch và những khu vực lân cận; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ lợn, kiểm tra việc lưu thông buôn bán gia súc trên thị trường; không giết mổ, bán chạy hay vứt động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh ra môi trường; thực hiện tiêu hủy lợn chết theo quy định; hướng dẫn triển khai thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường trong chăn nuôi… Riêng năm 2019, số lượng hóa chất cấp phát là 200.725kg vôi bột và 46.063 lít hóa chất sát trùng; thành lập tổng số 141 chốt kiểm dịch động vật để kiểm soát công tác vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Bên cạnh đó, các chính hỗ trợ được triển khai kịp thời, riêng hỗ trợ các hộ tiêu hủy lợn mắc bệnh DTLCP 29.959 triệu đồng...

Đồng chí Đặng Văn Châu – Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu kết luận Hội nghị

Đồng chí Đặng Văn Châu - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh, Giám đốc Sở No&PTNT phát biểu kết luận Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ những khó khăn cũng như bàn các giải pháp để ngăn chặn, khống chế DTLCP lan rộng: tiếp tục thành lập các chốt để kiểm soát công tác vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; làm tốt công tác tiêu độc khử trùng môi trường, chuồng trại; cần có phương án đề xuất với tỉnh, Trung ương tiếp tục có chính sách hỗ trợ các hộ có lợn bị tiêu hủy do mắc bệnh DTLCP; khuyến cáo người dân chỉ tái đàn, tăng đàn tại các trang trại, gia trại có điều kiện đảm bảo chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh…

Kết luận Hội nghị, đồng chí Đặng Văn Châu - Phó Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh, Giám đốc Sở No&PTNT đề nghị các thành viên BCĐ Phòng, chống bệnh động vật tỉnh, UBND các huyện, thành phố có ổ DTLCP phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch với phương châm “Dập dịch như chống giặc”. Thành lập ngay các đoàn, tổ công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc tổ chức công tác chống dịch tại cơ sở. Tổ chức rà soát, thống kê đàn lợn đến từng hộ chăn nuôi, cho người chăn nuôi ký xác nhận số lượng lợn hiện có và cam kết không bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường dẫn đến lây lan dịch bệnh. Thực hiện tốt công tác tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường tại khu vực có dịch và vùng lân cận. Đối với địa phương chưa có dịch cần tập trung triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh DTLCP, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới Nhân dân; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường dẫn đến lây lan dịch bệnh. Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn; ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển, tập kết, buôn bán gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch thú y. Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăn nuôi tăng quy mô, tái đàn, tăng đàn tại các trang trại, gia trại có điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học...

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...