Chủ nhật, 05/05/2024, 09:01 [GMT+7]

Thời bình của cựu binh trận hải chiến Gạc Ma

Thứ sáu, 14/03/2014 - 08:51'
"Tôi và nhiều đồng đội may mắn trở về, nhưng cũng bị số phận dập vùi, có lúc như bị lãng quên", cựu binh Lê Hữu Thảo ngậm ngùi khi nhắc đến 64 đồng đội mãi nằm lại cùng Gạc Ma trong trận hải chiến cách đây 26 năm.

Quyết định lịch sử trong trận hải chiến Gạc Ma 1988

Kể từ cuộc gặp mặt những nhân chứng lịch sử dịp kỷ niệm 25 năm (14/3/2013) trận  Gạc Ma ở Đà Nẵng, cái tên Lê Hữu Thảo được biết đến nhiều hơn với chiến công đối mặt lính Trung Quốc, tham gia tìm kiếm, đưa hai anh hùng Trần Văn Phương và Nguyễn Văn Lanh về đảo Sinh Tồn. 
Cũng từ lần gặp đó, ký ức về trận chiến và sự hy sinh anh dũng của đồng đội giữa biển khơi đã thôi thúc người cựu binh Gạc Ma đi qua 9 tỉnh, thành từ Quảng Bình đến Nam Định gặp lại 6 đồng đội cũ còn sống và thắp hương cho 29 người đã mất trong cuộc chiến giữ đảo. Thông tin những chuyến đi này được ông cập nhật liên tục trên trang Facebook cá nhân, thu hút sự quan tâm của nhiều người, kết nối những nhà hảo tâm, giúp đỡ gia đình đồng đội cũ.
IMG-1003-6335-1394512508.jpg

26 năm sau trận hải chiến Gạc Ma, cựu binh Lê Hữu Thảo vẫn đi thuê trọ. Ảnh: Nguyễn Đông

Sau sự kiện Gạc Ma, ông trở thành tâm điểm của báo chí, được ghi danh vào bảng vàng của Hải quân Việt Nam. Sau khi sang Đức lao động, cái tên Lê Hữu Thảo chìm vào quên lãng.
Vật lộn đủ nghề kiếm sống, ông yêu một cô gái người Bắc nhưng kết thúc không có hậu. Hai người có một con trai nay đã 14 tuổi. "Ngẫm lại, giờ gia tài của mình gần như chỉ là hai bàn tay trắng", ông nói. 26 năm từ ngày xuất ngũ, ông vẫn độc thân, nay ở trọ tại phường Thạch Trung (TP Hà Tĩnh) để tiện làm ăn.
Những đồng đội may mắn như ông trở về từ Gạc Ma, "ngoài Nguyễn Văn Lanh được phong anh hùng, nhà đứa nào cũng khổ, bệnh tật, nhưng còn được mái nhà, vợ con", giọng ông đượm buồn.
Vào sinh ra tử với ông Thảo còn có ông Phạm Xuân Trường ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Làm phụ hồ nay đây mai đó, năm 2007, ông Trường mới cất được căn nhà ngói nhưng còn nợ ngân hàng hơn 10 triệu đồng. Hai con trai ông Trường sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự đứa ở Hà Nội, đứa vào TP HCM làm thuê để gửi tiền về cho bố mẹ trả nợ.
"Nhà Trường có 3 đứa con nhưng kinh tế khó khăn, có lần tôi phải nhờ bạn bè ở Yên Bái nơi Trường đi làm phụ hồ cho mượn tiền về gặp mặt đồng đội. Về đến Hà Tĩnh, tôi còn cho Trường mượn quần áo mặc", ông Thảo kể.
IMG-1063-6223-1394512508.jpg
Vợ chồng cựu binh Trường vất vả với công việc thường ngày. Đến nay, ông chưa được hưởng chế độ. Ảnh: Nguyễn Đông
Chuyện trò với bạn đồng ngũ, ông Trường thấy tủi thân bởi nhiều người đi lính được hưởng chế độ, còn mình thì chưa. Ông cho hay đã nộp giấy xuất quân bản gốc đến cơ quan chức năng từ 2 năm trước nhưng giờ chưa có kết quả. Những lần lên xã hỏi, ông chỉ nhận được câu trả lời không rõ ràng. Gần nhất, hôm 10/3, ông Trường cùng ông Thảo lên xã thì được biết hồ sơ đã chuyển lên huyện và tỉnh đội, chưa rõ khi nào có chế độ.
Trận Gạc Ma năm ấy, 9 chiến sĩ bị phía Trung Quốc bắt giữ làm tù binh. Họ trở về khi giấy báo tử đã đến tay người thân, bàn thờ cùng di ảnh nghi ngút khói hương, nhiều người mẹ, người vợ đã khóc hết nước mắt. Chết hụt một lần, cuộc mưu sinh thêm lần nữa thử thách họ.
Cựu binh Trần Thiên Phụng (Đông Hà - Quảng Trị) ngày ngày giúp vợ bán quán bún ngay trong khoảng sân nhỏ căn nhà mượn của cha mẹ trên phố Kim Đồng. Vợ bị bệnh tiểu đường, ông vẫn gắng cho con cái ăn học dù phải vay nợ ngân hàng.
IMG-0410-1259-1394615961.jpg
Cựu binh Nguyễn Văn Thống với thương tật hỏng mắt trái. Ảnh: Nguyễn Đông
Không được như ông Phụng, cựu binh Mai Xuân Hải ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình) phải cho con nghỉ học vì nghề tiều phu không đủ trang trải. Mãi đến năm ngoái, ông mới cất được căn nhà nhờ sự giúp đỡ của tấm lòng hảo tâm.
Còn ông Nguyễn Văn Thống ở xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch), thương binh hạng 1/4, vẫn ngày ngày phụ vợ bán gạo ở chợ, đôi lúc đi mua thuốc thấy nhiều tiền quá, ông lại quay về. 
Ông Thảo cho rằng, lịch sử nhiều khi chưa sòng phẳng bởi đến nay chỉ số ít cựu binh Gạc Ma được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ về vật chất. Ông không cầu danh lợi, chỉ mong sao những linh hồn nằm lại Gạc Ma yên lòng khi thấy cha mẹ, vợ con mình có cuộc sống no ấm hơn.
"Tôi muốn đề cử phong anh hùng với liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong, bởi anh ấy là người chỉ huy trên đảo Gạc Ma, hiên ngang đối mặt 50 lính Trung Quốc có vũ trang hiện đại, chỉ huy đồng đội giữ cờ, bám đảo cho đến khi ngã xuống. Hiện hai con trai của anh Phong cũng theo nghiệp hải quân", cựu binh Thảo nói.
Liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong (sinh năm 1959), quê xã Duy Ninh, huyện Lệ Ninh, tỉnh Bình Trị Thiên (cũ), nay là huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, nhập ngũ tháng 11/1977. Năm 1981, anh Phong được cấp trên cử đi học sĩ quan, sau đó được phân công về Lữ đoàn 146, vùng 4 Hải quân. Anh hy sinh tại đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa) ngày 14/3/1988, quân hàm thượng úy. 

Theo Nguyễn Đông VnExpress

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...