Chủ nhật, 05/05/2024, 05:33 [GMT+7]

Vượt dãy Hoàng Liên - Kỳ 3: Những điều kỳ thú

Thứ tư, 05/03/2014 - 16:25'
(BLC) - Một bữa cơm giữa rừng tuy giản đơn với rau rừng, nước suối, bát bằng lá, đũa bằng que, chén bằng nứa... và những nét đẹp kỳ vĩ của núi Hoàng Liên cũng là những điều hết sức thú vị đối với mỗi người tham gia tuần tra biên giới.

Bữa cơm giữa rừng

Sau một buổi vượt núi, trèo đèo, cánh phóng viên chúng tôi gần như lả đi vì mệt, đói nhưng cán bộ, chiến sỹ Đội tuần tra (Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ) vẫn tiếp tục tiến lên hết dốc này đèo khác. Nhìn những bước chân chắc nịch vượt qua vách đá cheo leo chúng tôi cứ ngỡ thân mình họ được tôi, đúc từ sắt, từ đồng. “Đồng, sắt gì đâu! Là lính biên phòng thì phải thế, đi nhiều mà thành quen thôi” - Đại úy Hà Đức Long, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ, Đội trưởng Đội tuần tra chia sẻ.

Bữa cơm giữa rừng.

Mặt trời đã đứng bóng trên đỉnh những cây đào rừng cổ thụ, đoàn chúng tôi dừng lại bên con suối “Tây chết khát” ăn cơm. Hạ ba lô xuống, Đội tuần tra tản ra mỗi người một nơi chuẩn bị bữa trưa. Người chặt lá chuối, người tiện ống nứa, có người thì đi hái rau rừng... mỗi người một việc.

Một cây nứa dài được chặt, tiện, gọt, vót thành những cái chén uống nước. Đến cả cái phần ngọn cây nứa tưởng chừng chỉ vứt đi nhưng chiến sỹ Vàng Văn Thăm cũng tận dụng tiện thành những đôi đũa được gọi là đũa đa năng. Chục tầu lá chuối được gom lại để trải làm mâm, gấp thành bát ăn cơm.

Bữa cơm của chúng tôi có một món rau sống lấy từ bờ suối có tên là “chao thải”, 3 hộp thịt, 6 mầm thảo quả (được bà con cho Trưởng bản Lý A Dế), một đĩa muối, 5 quả ớt và một ít thịt gà mang từ Đồn đi.

Có lẽ đó là một trong những bữa cơm hiếm hoi trong đời mà tôi được ăn ngon đến thế. Cái vị thơm thơm của rau “chao thải” quyện với mùi thảo quả dầm muối ớt, ăn với thịt hộp cộng với cơn đói cồn cào khiến chúng tôi ăn như chẳng biết no. Thiếu úy Giàng A Sử - một trong những thành viên năng động, tháo vát nhất của Đội giải thích đầy kinh nghiệm: Ngon là bởi lạ miệng và nhất là đói, mệt mà thôi chứ thức ăn cũng chẳng có gì đặc biệt.

Có cùng trèo đèo, vượt núi, cùng ăn rau rừng, uống nước suối mới hiểu được hết cái nhọc nhằn gian khổ nhưng cũng đầy thi vị của những người lính biên phòng.

Kỳ vĩ Hoàng Liên

Chinh phục dãy Hoàng Liên Sơn là việc hết sức gian nan nhưng thiên nhiên cũng bù đắp cho người dũng cảm những điều kỳ bí và kỳ vĩ. Huyền tích về  những con suối, khe đá, con đường, loài cây hay những hình ảnh một thời “mây nâu phủ đời dân bản” hoặc đơn giản là nhánh lan rừng sặc sỡ muôn màu luôn là phần thưởng ý nghĩa cho người khám phá.

Lan rừng trên vách đá.

Theo người dân bản địa, tên núi Hoàng Liên Sơn ra đời vì trên núi có nhiều cây hoàng liên (có nơi gọi là hoàng tinh) là một loại thuốc quý và hiếm. Trên núi ngoài cây hoàng liên còn có rất nhiều cây thuốc quý. Nhiều đến mức mà có con suối chảy qua đây nước còn bị đắng và có vị như thuốc bắc.

Ông Lý A Dế - Trưởng bản Sàng Mà Phô quả quyết với chúng tôi rằng: “Con suối ấy là có thật. Nó có tên là Hoàng Chù Van có nghĩa là suối cá đắng. Cá ở đây cũng là những loại cá bình thường nhưng do ăn nước đắng nên cá có vị đắng của thuốc bắc. Loại cá ấy ăn vào thì bổ lắm. Bởi vì nó bổ, nó quý, bây giờ người ta bắt nhiều nên cũng vãn bớt, chỉ còn con suối là vẫn đắng thôi”.

Nằm ngay đầu bản Sàng Mà Phô có một khối đá rất lớn, rất cao như một tòa biệt thự. Trên đó rất nhiều phong lan quanh năm nở thắm, rêu phong phủ kín. Giữa lưng chừng khối đá có một vết nứt lớn. Ở đó có tổ ong mật đã “định cư” ở đây chẳng biết bao nhiêu đời. Những người già trong bản quả quyết tổ ong có hàng ngàn năm nay. Đời nào cũng thấy nó ở đấy nên dân bản đặt tên cho khối đá ấy là Ca Chua Mú (khe tổ ong). Bà con cho rằng thần rừng đã về đây, chọn nơi này làm nơi trú ngụ, hiện thân. Ai phá tổ ong, ai phá rừng thì sẽ nhận những điều chẳng mấy tốt lành, thành thử dân bản và dân quanh vùng bảo vệ rừng rất tốt. Chả thế mà cả chục năm nay phần rừng của bản Sàng Mà Phô bảo vệ chẳng cháy bao giờ.

Càng vào rừng sâu thiên nhiên càng khiến chúng tôi thêm tò mò khám phá. Ở đây lan rừng nhiều vô kể. Đang độ mùa xuân, lan khai khắp rừng, trên cành cao là lan hồ điệp, dưới mặt đất là địa lan, trên thân cây là lan củ hành, vẩy rồng, lan trúc, lan huệ... tỏa hương ngào ngạt. Trong rừng Hoàng Liên còn có giống đào rừng rất đặc biệt. Đào rừng không giống đào nhà, hoa có mầu hồng tím rất rực rỡ. Đào rừng nở đồng loạt nên giữa bạt ngàn xanh thẳm của Hoàng Liên. Nơi nào có đào rừng là nơi ấy như được thắp lửa.

Hoàng Liên Sơn còn có những cây cổ thụ to như cột chống trời, rêu phong phủ kín. Ở đây có một loại cây rất lạ mà anh em chiến sỹ gọi là “cây không có da”. Lớp vỏ cây không sần sùi, rêu phong mà trái lại nhẵn thín như bị bóc vỏ.

Tiếng chim ca, tiếng gió hát, tiếng suối reo, những loài cây cỏ, những huyền tích được thêu dệt khiến Hoàng Liên Sơn vô cùng hấp dẫn trong mắt người khám phá. Khi tuyến du lịch đường cổ hoàn thành hẳn sẽ rất hút khách.

(Còn nữa)

Khánh Kiên

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...