Thứ sáu, 17/05/2024, 10:07 [GMT+7]

Thấy gì từ vụ lừa đảo “Chạy trường” _ Kỳ 1: Mất tiền vì… “giấc mộng công an”

Thứ hai, 19/12/2011 - 17:11'
(BLC) - Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và thiếu hiểu biết của một số người dân, Hoàng Vinh Bàng cùng đồng bọn đã lừa đảo và chiếm đoạt khoảng 600 triệu đồng của 6 hộ dân ở 2 huyện: Than Uyên, Tân Uyên. Nhận được thông tin trên, Văn phòng cơ quan Cảnh sát Điều tra (PC44), Công an tỉnh đã nhanh chóng vào cuộc, Hoàng Vinh Bàng cùng đồng bọn đã sa lưới pháp luật.

Khoảng 600 triệu đồng là số tiền mà 6 gia đình ở 2 huyện: Than Uyên, Tân Uyên đã nộp để nhờ Hoàng Vinh Bàng và Bùi Văn Hiển “chạy” cho con em họ vào các trường công an. Chỉ đến khi việc không xong, tiền không lấy lại được thì những gia đình này mới vỡ lẽ, mình đã bị lừa.

Tài liệu liên quan đến vụ án do 1 trong số 6 bị hại giao nộp.

CHẠY” VÀO TRƯỜNG CÔNG AN

Con cái là khúc ruột, là tài sản vô giá của cha, mẹ; cho con cái một tương lai tốt đẹp là điều mà bất cứ người làm cha, mẹ nào cũng mong muốn. Thương con, muốn con cái được vào học ở các trường công an để sau này có công ăn việc làm ổn định là mong muốn rất đỗi bình thường.

Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết, nhiều bậc phụ huynh cho rằng: bỏ ra một khoản tiền nhất định là có thể “chạy” cho con em họ được vào học ở các trường công an. Bởi tâm lý và cách nghĩ đơn giản đó nên nhiều người đã bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng. Chuyện này đã xảy ra với 6 gia đình ở 2 huyện: Than Uyên và Tân Uyên trong thời gian qua.

Chuyện bắt đầu vào khoảng tháng 8/2010. Khi chị Đinh Thị Thiệp ở khu 5a (thị trấn Than Uyên) đến nhà chị hàng xóm tên H. ở khu 2 chơi. Tại đây chị Thiệp đã gặp một người quen cũ tên là Hà Kim Chanh ở xã Phù Nham - huyện Văn Chấn (Yên Bái).

Theo giới thiệu của Chanh thì chị này có quen một người làm ở Văn phòng Chính phủ tên là Hiển có thể “chạy” suất học vào các trường công an mà không qua thi tuyển. Sau buổi nói chuyện đó, chị Thiệp bàn với chồng là Nguyễn Văn Thân xin cho con vào học ở Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân (TCCSND) vì lúc này con trai vừa học xong cấp 3 mà chưa đi học ở đâu.

Sau khi vợ chồng thống nhất, anh Thân đã gọi điện cho Chanh để hỏi giá cả và Chanh cho biết số tiền “chạy” là 80 triệu đồng. Với số tiền như Chanh trả lời, vợ chồng anh Thân quyết định “chạy” cho con vào học ở TCCSND. Cùng thời điểm đó gia đình chị H. cũng có con trai vừa học xong cấp 3. Khi nghe Chanh giới thiệu, chị H. cũng quyết định xin cho con vào học ở Trường TCCSND.

Cùng với việc xin cho con mình, chị H. còn giới thiệu cho một người tên T. V. Th. ở xã Phúc Than để anh này “chạy” cho con đi học ở Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân.

Đến cuối tháng 8 vừa qua, thông qua giới thiệu của chị vợ tên Thanh ở khu 6, thị trấn huyện Tân Uyên. Nguyễn Văn Thân đã đến gặp 3 gia đình gồm: Anh Ng. V. N., chị V. Th. Th. và anh L. Th. Tr. cùng ở khu 6 (thị trấn Tân Uyên). Khi gặp các gia đình này, Thân đều giới thiệu là có quen biết với một vài cán bộ, giảng viên trong Trường TCCSND, có thể “chạy” vào  các trường công an mà không phải thi. Thân cho các gia đình trên biết giá để vào trường từ 135 - 250 triệu đồng và Thân cũng đã xin cho con trai mình vào học ở Trường TCCSND được 1 năm (trên thực tế, con trai của Thân không đi học bởi Thân không xin được). Do chỗ người quen giới thiệu cùng với việc Thân bảo đã lo được cho con mình nên những gia đình trên đã tin tưởng và bỏ ra một khoản tiền nhờ Thân chuyển cho Bàng và Hiển để lo “chạy” cho con em họ. Tuy nhiên, kết quả không như mong muốn, tất cả các gia đình  trên đều bị lừa, tiền mất, con em họ vẫn không được đi học.

MẤT TIỀN, VỠ MỘNG

Việc con em mình được vào học ở các trường công an là giấc mộng của rất nhiều bậc phụ huynh, trong đó có 6 gia đình bị hại trên.

Con em vừa học xong cấp 3, đang đứng trước bước ngoặt chuyển giao quan trọng; tương lai tươi sáng hay không phụ thuộc phần nhiều vào việc học chuyên nghiệp ở đâu, học nghề gì và học trường nào. Vào những trường danh giá như công an, quân đội… thì khi ra trường không phải lo xin việc, nhưng liệu lực học của con em mình có đủ khả năng thi vào đó không lại là cả một vấn đề rất lớn bao gồm cả sự may, rủi.

Với tâm lý đó nên khi có người giới thiệu là có thể chạy được các suất học trong các trường công an mà không phải qua thi tuyển thì họ như người “chết đuối vớ được cọc”, sẵn sàng bỏ một khoản tiền để “mua”. Chỉ đến khi các đối tượng lừa đảo trả lời là không lo được và không lấy lại được số tiền đã bỏ ra thì các gia đình bị hại mới nhận ra mình đã bị lừa. Giấc mộng cho con em một tương lai tươi sáng từ các trường công an tan vỡ, tiền mất tật mang.

Ng. V. N. – một trong 6 nạn nhân bị hại cho biết: “Nghĩ cả đời mình lao động vất vả cũng là vì con cái, mong cho chúng sau này có công ăn việc làm ổn định. Vợ chồng tôi đã vay ngân hàng cộng với toàn bộ số tiền dành dụm nhiều năm để lo việc học cho con. Ai ngờ lại gặp bọn lừa đảo. Bây giờ mọi chuyện thế này rồi tôi khác cũng đã biết để được vào trường công an không phải đơn giản bỏ tiền là mua được…”.

Không chỉ gia đình anh N., các gia đình bị hại khác cũng đã nhận ra việc không thể dùng tiền để “mua” suất học trong các trường công an và việc này chỉ khiến họ tiền mất tật mang.

(còn nữa)

Lâm Trần

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...