Thứ bảy, 18/05/2024, 14:44 [GMT+7]

Chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với nắng nóng, hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt

Thứ năm, 01/06/2023 - 12:24'
(BLC) - UBND tỉnh vừa ban hành công văn số: 1933/UBND-KTN về việc chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với nắng nóng, hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 397/CĐTTg ngày 13/5/2023 về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn;Công văn số 3222/BNN-TL ngày 19/5/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc triển khai nhiệm vụ theo Công điện số 397/CĐ-TTg.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tại Bản tin dự báo hiện tượng El Nino ngày 15/5/2023, El Nino có khả năng sẽ xuất hiện vào cuối tháng 5, đầu tháng 6/2023 với xác suất khoảng 70-80% và có thể kéo dài sang đầu năm 2024.

Trong điều kiện ảnh hưởng của El Nino thường gây thiếu hụt lượng mưa ở hầu hết các vùng trên cả nước, phổ biến từ 25-50%. Để chủ động ứng phó, phòng chống hạn hán, thiếu nước nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Thủ trưởng các Sở, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ như sau:

1. Sở Nông nghiệp và PTNT: - Xây dựng Kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước tổng thể cho giai đoạn từ năm 2023-2025 trên địa bàn tỉnh, các giải pháp ứng phó với các kịch bản khác nhau về khí tượng, thủy văn, nguồn nước do ảnh hưởng của El Nino, bao gồm trường hợp El Nino có mức độ ảnh hưởng mạnh, kéo dài như đã xuất hiện trong các năm 2014-2016; trình UBND tỉnh trước ngày 30/6/2023.

 - Phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, hướng dẫn điều tiết nước tại các hồ chứa thủy lợi, quản lý nguồn nước, kịp thời điều chỉnh phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước nhằm bảo đảm tốt nhất nhu cầu nước sinh hoạt và xản xuất.

- Tổng hợp tình hình nguồn nước, ảnh hưởng của hạn hạn, thiếu nước đến sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp tại các huyện, thành phố; chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố đề xuất UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ các địa phương, đơn vị trong thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước như: Sửa chữa công trình nước sinh hoạt, thủy lợi, hồ đập,... Thường xuyên cập nhật tình hình, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT theo quy định.

- Kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện giải pháp phòng, chống hạn, thiếu nước; chỉ đạo triển khai các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bố trí cơ cấu giống, thời vụ, phổ biến các biện pháp, kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc và bảo vệ cây trồng phù hợp với nguồn nước tưới. Thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn. Hướng dẫn các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân kiểm tra, xác định nguyên nhân, thực hiện các quy trình xác minh, đánh giá mức độ thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do nắng nóng, hạn hán làm cơ sở phục vụ công tác quản lý và thực hiện các chính sách theo quy định.

- Phân công 01 đồng chí lãnh đạo Sở trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương xây dựng và thực hiện phương án phòng chống hạn hán; tổ chức dự báo chuyên ngành, chỉ đạo, hướng dẫn điều chỉnh thời vụ, cơ cấu cây trồng và thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì phối hợp với Sở Công Thương, các đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra đảm bảo dòng chảy tối thiểu đối với các dự án có sử dụng nước, yêu cầu các Nhà máy thủy điện có kế hoạch điều tiết nước hợp lý, ưu tiên nguồn nước để đảm bảo phục vụ sinh hoạt và sản xuất khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước các cấp.

3. Sở Y tế: Chủ động hướng dẫn người dân các kỹ năng để bảo vệ sức khỏe khi nắng nóng gay gắt kéo dài; chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở hướng dẫn nhân dân bảo đảm an toàn môi trường, tránh bùng phát dịch bệnh do nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước.

4. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh nguồn kinh phí để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; Báo Lai Châu, Cổng thông tin điện tử tỉnh: Tăng cường công tác thông tin về tình hình thời tiết và khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước; tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát lãng phí.

6. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh: Nâng cao chất lượng dự báo, đặc biệt là việc dự báo sớm các khả năng xuất hiện và diễn biến các tình huống phức tạp về thời tiết, nguồn nước; cung cấp thông tin kịp thời cho Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các huyện, thành phố để chỉ đạo ứng phó với tình huống thời tiết bất lợi có thể xảy ra.

7. UBND các huyện, thành phố - Rà soát các khu vực có nguy cơ bị thiếu nước sinh hoạt, thực hiện giải pháp cân đối, điều chỉnh kế hoạch cấp nước và khuyến cáo sử dụng nước sinh hoạt tiết kiệm tới từng hộ, thôn/bản, xã; thực hiện các giải pháp nâng cấp, nâng cao khả năng trữ nước, có phương án sử dụng trang thiết bị phục vụ cấp, trữ nước và xử lý nước cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng. Trường hợp cấp bách, không còn nguồn cấp nước cho sinh hoạt, cần sử dụng các phương tiện lưu động như xe cứu hỏa, xe quân đội chuyên chở nước cung cấp đến từng cụm dân cư, hộ gia đình.

- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân thực hiện các biện pháp tích, trữ nước, sử dụng nước có hiệu quả, tiết kiệm nước triệt để tránh thất thoát, lãng phí nước. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng, phải ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc, gia cầm và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao. Thường xuyên theo dõi sát tình hình dự báo thời tiết để tuyên tuyền, hướng dẫn các doanh nghiệp và người dân lựa chọn thời điểm trồng rừng, trồng cây nông nghiệp hoặc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho phù hợp nhằm hạn chế thiệt hại do nắng nóng, hạn hán gây ra, chỉ đạo kiểm tra, xác minh, đánh giá mức độ thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do nắng nóng, hạn hán để có giải pháp phòng, chống phù hợp và làm cơ sở phục vụ công tác quản lý, thực hiện các chính sách theo quy định.

- Chủ động kiểm kê, theo dõi mực nước, chất lượng nguồn nước tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn; xác định cụ thể vùng đảm bảo tưới, vùng có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước để hướng dẫn nhân dân tổ chức sản xuất, nuôi trồng cho phù hợp; xây dựng kế hoạch sử dụng và điều tiết nước hợp lý.

- Đối với những khu vực thường xuyên thiếu nước trong mùa khô phải thực hiện ngay các biện pháp tăng cường tích, trữ nước ở các ao, hồ có sẵn; đồng thời tu bổ, nạo vét kênh mương nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn.

- Kiểm tra tình hình hoạt động của các công trình cấp nước sinh hoạt; thay thế các thiết bị hư hỏng, sửa chữa các hạng mục xuống cấp để có phương án vận hành công trình phù hợp đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô.

- Chủ động bố trí, sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước.

- Báo cáo tình hình nguồn nước, ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt gửi Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, báo cáo theo quy định.

8. Công ty TNHH MTV Quản lý thủy nông Lai Châu: Tổ chức kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa hư hỏng kịp thời các công trình thủy lợi do đơn vị quản lý, khai thác; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nạo vét kênh mương, cửa lấy nước để đảm bảo cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích tưới của từng khu vực tưới của công trình để có kế hoạch điều tiết nước cụ thể, hợp lý; thường xuyên theo dõi mực nước các hồ chứa, vận hành công trình hồ chứa theo đúng quy trình vận hành được phê duyệt, tránh tình trạng nước trong hồ bị cạn kiệt.

9. Công ty Cổ phần nước sạch Lai Châu: Phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân không để xảy ra tình trạng tranh chấp giữa nước sinh hoạt và nước sản xuất; đảm bảo việc vận hành cấp nước sinh hoạt thông suốt, liên tục, không bị gián đoạn.

10. Các cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023; Công văn số 3222/BNN-TL ngày 19/5/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và quy định của pháp luật có liên quan.

UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện.

B.T

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...