Thứ bảy, 27/04/2024, 15:23 [GMT+7]

Hội thảo Khoa học cấp quốc gia 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023)

Thứ hai, 27/02/2023 - 16:40'
(BLC) - Sáng 27/2, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo trực tuyến toàn quốc Khoa học cấp quốc gia 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và phát triển.

Tại điểm cầu Trung ương, các đồng chí: Võ Văn Thưởng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đoàn Minh Huấn - Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đồng chủ tọa Hội thảo. Tại điểm cầu tỉnh Lai Châu, đồng chí Lê Văn Lương - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy dự và phát biểu tại Hội thảo.

Cách đây 80 năm, tháng 2/1943, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua bản Đề cương văn hóa Việt Nam, văn kiện quan trọng do Tổng Bí thư Trường Chinh chắp bút soạn thảo. Ra đời trong bối cảnh của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Đề cương là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, xác lập văn hóa là một trong ba mặt trận: Chính trị, kinh tế, văn hóa. Hội thảo được tổ chức nhằm nhìn lại và khẳng định nền tảng lý luận, giá trị, nguyên tắc cốt lõi của Đề cương văn hóa Việt Nam, từ đó tìm ra định hướng, giải pháp góp phần khơi dậy khát vọng cống hiến, tạo động lực chấn hưng văn hóa, phát triển toàn diện con người Việt Nam trong bối cảnh mới. Hiện thực hóa Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, triển khai có hiệu quả kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và cụ thể hóa lộ trình triển khai chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Hội thảo sẽ tập trung vào 2 nội dung chính: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam và Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Quang cảnh Hội thảo tại điểm cầu Lai Châu.

Quang cảnh Hội thảo tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.

Về giá trị lý luận, trải qua 80 năm, các luận điểm của Đề cương xác định về vai trò, sứ mệnh của văn hóa như nguồn lực nội sinh cho phát triển; gắn kết của văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội; ý nghĩa trung tâm của con người trong phát triển văn hóa. Trước những biến động không ngừng của bối cảnh lịch sử, Đề cương vẫn còn nguyên giá trị, sức ảnh hưởng và tiếp tục được vận dụng, kế thừa, bổ sung và hoàn thiện trong hệ thống các văn kiện của Đảng về văn hóa. Về giá trị thực tiễn, Đề cương đã nêu được mối quan hệ giữa các chủ thể văn hóa từng bước điều chỉnh theo hướng hài hòa, lành mạnh giúp phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và chủ thể sáng tạo của Nhân dân. Phẩm chất, năng lực của con người Việt Nam được phát huy, hướng tới phát triển con người toàn diện. Văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy hiệu quả, đi cùng với giao lưu, hội nhập văn hóa quốc tế. Việc gắn kết văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội có chuyển dịch tích cực về nhận thức và hành động.

Thảo luận bàn tròn tại điểm cầu trung ương.

Thảo luận bàn tròn tại điểm cầu Trung ương.

Trước những thời cơ, thách thức và yêu cầu của sự phát triển đất nước, tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, việc kế thừa, phát huy các giá trị, nguyên tắc của Đề cương về văn hóa trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo hướng bền vững là vô cùng quan trọng và thiết thực. Xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi nhằm từng bước hình thành nên hệ sinh thái có khả năng nuôi dưỡng, thúc đẩy sự sáng tạo, tăng cường kết nối, lan tỏa, định hình những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã có nhiều tham luận nhằm đóng góp cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam như: Phát huy giá trị “Đề cương văn hóa Việt Nam” trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; vai trò và xu hướng chuyển đổi số trong phát triển văn hóa - con người Việt Nam; từ Đề cương văn hóa Việt Nam đến các nghị quyết về văn hóa - văn nghệ của Đảng…

Cũng tại Hội thảo, Ban Tổ chức đã tổ chức thảo luận bàn tròn với sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu hàng đầu về văn hóa nhằm làm rõ thêm bối cảnh ra đời, giá trị của Đề cương đối với sự phát triển của văn hóa Việt Nam.

Đồng chí  Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tổng kết, bế mạc Hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tổng kết, bế mạc Hội thảo.

Phát biểu tổng kết, bế mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ: Các ý kiến tham luận, phát biểu tại Hội thảo đã thống nhất đánh giá vai trò và giá trị to lớn của Đề cương văn hóa Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, các đại biểu đã tập trung làm rõ các vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện trong quá trình vận dụng giá trị của Đề cương trong thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả giá trị của văn kiện này vì mục tiêu phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Nguyễn Tùng - Ngọc Duy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...