Thứ sáu, 26/04/2024, 23:19 [GMT+7]

Nỗ lực bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống

Chủ nhật, 31/12/2017 - 00:02'
(BLC) - Đầu tư, duy trì, nhân rộng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đã giúp huyện Nậm Nhùn phục dựng nhiều lễ hội, làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian... Nhờ đó, không chỉ phát huy, lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc còn làm cho đời sống tinh thần của Nhân dân thêm phong phú.

Chuyến công tác tại bản trên địa bàn huyện Nậm Nhùn, chúng tôi nhận thấy bà con người Thái, Mông, Cống, Mảng, Hà Nhì vẫn còn giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ông Lù Trọng Đại - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nậm Nhùn cho biết: “Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể. Phòng cũng xây dựng kế hoạch, tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân bảo tồn văn hóa truyền thống; chủ động khôi phục, lưu giữ phong tục tập quán, trò chơi dân gian thông qua tổ chức Ngày hội Văn hóa - thể thao các dân tộc huyện. Phối hợp với các xã, thị trấn thành lập đội văn nghệ xã, bản...”.

Một nghi thức trong lễ cưới của dân tộc Mảng ở xã Nậm Ban.

Huyện Nậm Nhùn có 11 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa riêng. Trải qua thời gian cùng với sự hòa nhập văn hóa hiện đại, nhiều nét văn hóa truyền thống đang dần mất đi hoặc không còn nguyên vẹn như: tục ở rể, chọc sàn của người Thái; tục kéo vợ của người Mông; tục xăm cằm của người Mảng... Cách đây vài năm, khi chúng tôi hỏi một số thanh niên ở các bản về những nét văn hóa truyền thống của dân tộc, đa số đều trả lời không biết hoặc biết chút ít.

Trước thực trạng đó, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền chủ trương bảo tồn bản sắc văn hóa của Đảng, Nhà nước, vận động người dân gìn giữ cội nguồn; gặp gỡ người già trong bản tìm hiểu nét văn hóa, phong tục đang dần mất đi để khôi phục; quy hoạch các bãi đất trống làm sân tập luyện thể thao cho bà con. Anh Tào A Đối (dân tộc Mảng ở bản Nậm Ô, xã Nậm Ban) tâm sự: “Thanh niên chúng tôi ít khi chú ý đến văn hóa dân tộc mình, vì nó đều là tự nhiên từ khi sinh ra. Lúc nào bản, xã tổ chức lễ hội chỉ đi xem chút lại rủ nhau về uống rượu. Được xã, huyện tuyên truyền, hỗ trợ, khôi phục những nét văn hóa truyền thống, chúng tôi tham gia nhiều hơn, nhất là những ngày lễ, tết. Tôi còn vận động người thân trong gia đình tham gia đội văn nghệ của xã, bản để lưu giữ các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc của dân tộc mình”.

 Hàng năm, huyện thường tổ chức Ngày Hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc, đây là dịp để đồng bào giới thiệu nét đẹp phong tục, tập quán cũng như làn điệu dân ca, dân vũ... Ngoài ra, các món ăn truyền thống của dân tộc, trò chơi dân gian như: tó má lẹ, ném pao, tung còn, đẩy gậy, bắn nỏ, nhảy bao bố,… cũng được đưa vào nội dung thi đấu trong Ngày hội. Tại các bản vào dịp lễ, tết đều tổ chức cho Nhân dân vui chơi, giao lưu văn nghệ, thể thao. Chị Pờ Na Só (dân tộc Hà Nhì, bản Táng Ngá, xã Nậm Chà) tâm sự: “Lần nào huyện tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao dân tộc tôi đều tham gia với Đoàn của xã. Nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, phong tục tập quán được đội văn nghệ xã chú trọng tìm hiểu, chuẩn bị kỹ để giới thiệu với các địa phương khác trong huyện. Tôi rất thích tham gia đội văn nghệ, qua đó biết thêm về văn hóa dân tộc mình”.

 Hiện, huyện Nậm Nhùn thành lập được 66 đội văn nghệ và xây dựng 53 nhà văn hóa xã, bản. Và, theo Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc “Cống, Mảng, La Hủ”, người Mảng, Cống không chỉ hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế xã hội, mà còn được hỗ trợ 530 triệu đồng để bà con lưu giữ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Đây chính là điều kiện, sự hỗ trợ rất thiết thực giúp đồng bào luôn “hòa nhập” chứ không “hòa tan” trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống riêng có.

 Mặc dù còn nhiều khó khăn, song, chúng tôi vẫn luôn tin rằng, đồng bào các dân tộc địa phương sẽ ngày càng hiểu rõ hơn những giá trị văn hóa truyền thống để nỗ lực gìn giữ, cùng chính quyền, cơ quan chuyên môn địa phương phục dựng, phát triển đa dạng hơn.

Thái Hà

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...