Thứ sáu, 17/05/2024, 20:45 [GMT+7]

Đã buôn thì phải gian lận?

Thứ bảy, 06/10/2012 - 16:14'
(BLC) - Tình trạng “buôn gian bán lận” đang tiếp diễn hàng ngày khiến nhiều người hoang mang, lo lắng mỗi khi đi chợ. Đặc biệt tình trạng trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh một thị xã trẻ đang trên đà phát triển, văn minh, lịch sự.

“Buôn gian bán lận” là câu nói mọi người thường sử dụng khi mua bán ở chợ, nhưng tôi chẳng mấy khi để ý đến những từ đó bởi thị xã nơi tôi sống, mọi người chất phác biết bao. Thích nhất là những lúc đi chợ phiên, người bán hàng là những người nông dân miền núi, luôn nở nụ cười thật tươi với khách hàng và bán những mặt hàng chất lượng do nhà làm ra: rau xanh mướt, quả lê, đào, táo, mận tươi rói…

 Đồ nướng không an toàn với sức khỏe nếu là thực phẩm từ hôm trước.

Thị xã trẻ đang ngày một chuyển mình và nhiều người dân quê tôi chuyển dần sang buôn bán nhiều hơn. Việc lấy chữ “tín” khi bán hàng không phải là tôn chỉ của tất cả những người buôn bán ấy vậy mà… Tôi nhớ hôm anh trai ghé qua thăm nhà, mua cho bố mẹ tôi 3kg cam sành. Khi giở ra thì có tới hơn một nửa là cam hỏng. Hóa ra chủ cửa hàng bán hoa quả thấy anh tôi không xuống xe, nhờ nhặt hộ cam nên tranh thủ “nhặt” cam hỏng vào túi đưa cho khách. Anh tôi không phải là “nạn nhân” duy nhất trong chuyện này bởi có rất nhiều người bán hàng, biết đàn ông không chú ý lắm đến từng món hàng nhỏ cũng tìm cách “tận dụng bỏ đồ hỏng, lấy giá cao” như vậy.

Nhưng cũng có những “mẹo” tinh vi hơn của người bán hàng, khiến khách hàng là phụ nữ như tôi cũng bị… lừa. Đó là những hôm tôi ngớ người vì mua mớ rau ngót có màu xanh đẹp mắt, nhưng khi dỡ bó rau ra để nhặt lại thấy những cành cụt ngủn được người bán khéo léo giấu bên trong, hay khi mợ tôi mua mớ rau cải mỡ màng, xanh bóng, ở bên trong toàn lá già héo… thậm chí ở quán cá nướng quen thuộc, đồng nghiệp tôi than thở đã từng mua phải… cá nướng từ hôm qua không hết, đem nướng lại bán làm cả nhà cô bị đau bụng. Rồi đến thịt gà, cá khúc bán không hết, bỏ tủ lạnh hôm sau bán lại là chuyện thường tình.

Khách hàng lên tự lựa chọn sản phẩm để không bị mua phải thực phẩm không đảm bảo.

Để không bị lỗ vốn, người bán hàng không chỉ tận dụng những thức ăn ôi thiu, hỏng để bán, mà còn cân điêu. Đặc biệt là ở hàng cá. Các bác bán cá truyền tai nhau rằng giờ người đi chợ chỉ thích sự tiện lợi, nên người mua thường yêu cầu họ mổ cá hộ luôn. Chính vì mổ hộ nên con cá 8 lạng bị hét thành 1kg, người mua hàng khó mà cân lại kiểm định được, vì khi cá mổ ra rồi, bị sụt vài lạng cũng đúng thôi(!).

Hiện nay, tại các chợ trong khu vực thị xã Lai Châu có mặt hàng cá thu nướng được người tiêu dùng sử dụng nhiều. Những món ăn được chế biến từ cá thu khá dễ làm, lại hợp với khẩu vị của mọi người nên rất được ưa chuộng. Để thuận tiện cho việc mua bán, người ta mang cá thu nướng ra các sạp hàng bán ngay giữa chợ. Cá thu được đánh bắt từ biển, do thời gian vận chuyển dài ngày nên trong mỗi khúc cá thu nướng vàng đậm, tươi ngon ẩn chứa nhiều chất bảo quản không tốt cho sức khỏe của mọi người. Trong trường hợp người bán bảo quản cá thu nướng bằng đạm, u-rê thì dù người tiêu dùng đã rán cá, hoặc sốt cà chua ở nhiệt độ cao, vẫn gặp phải nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm.

Đó là trường hợp của anh Trần Văn Linh ở Tổ 6, phường  Tân Phong, thị xã Lai Châu. Anh kể lại: “Bữa chiều hôm đó, mọi người trong gia đình ăn bún nên một mình tôi ăn hết khúc cá thu sốt cà chua. Chỉ 1 tiếng sau khi ăn, mặt tôi đỏ bừng lên, trong người thấy nôn nao, khó chịu. Tôi cố gắng nôn hết thức ăn trong người, uống một ly nước đường và đi nghỉ. Song tôi vẫn có cảm giác uể oải suốt 2 ngày sau đó”. Rất may, anh Linh chỉ bị ngộ độc nhẹ. Sau hơn 1 ngày truyền nướcvà điều trị, anh cẩn trọng dặn mọi người trong gia đình mỗi khi ăn cá thu nên đến cửa hàng đông lạnh mua để đảm bảo sức khỏe, tránh mua ở các sạp bày bán ngoài đường.

Tôi, và những người tiêu dùng khác, tuy không ít lần phiền muộn vì mua phải thực phẩm không ngon, lại bị tăng giá nhưng vẫn đặt niềm tin vào các hàng: thịt bò, lợn, giò nạc, đậu phụ... quen thuộc. Đó là những quán bán hàng lấy uy tín làm trọng, chú ý đến sức khỏe người tiêu dùng. Mong rằng cơ quan chức năng sớm có biện pháp khắc phục, để tình trạng “buôn thì phải gian” không còn thường trực trong suy nghĩ của mỗi người khi bước chân đến cổng chợ. Và hình ảnh thị xã trẻ Lai Châu luôn văn minh, lịch sự trong tiềm thức của mỗi người dân thị xã nói riêng và du khách có dịp dừng chân ở Lai Châu nói chung.

Mây Trắng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...