Chủ nhật, 19/05/2024, 12:01 [GMT+7]

Đường hướng thiện

Chủ nhật, 01/09/2013 - 22:53'
(BLC) - Xã San Thàng (thị xã Lai Châu) có 120 đối tượng trở lại với cộng đồng sau khi thoát khỏi vòng lao lý. Mỗi người một cách vươn lên trong cuộc sống – họ đang đi trên những con đường hướng thiện và được xã hội đón nhận, tin yêu.

Ông Lù Văn Quải – Trưởng Công an xã San Thàng nhận xét: “Sau khi các đối tượng trở về địa phương, Công an xã đã hướng dẫn họ làm thủ tục nhập khẩu, chứng minh thư và giới thiệu họ được vay vốn nhờ sự tín chấp của các tổ chức đoàn thể. Nhiều đối tượng đã chăm chỉ làm ăn, xóa đói giảm nghèo, góp phần ổn định cuộc sống và an ninh trật tự địa phương. Trong những đối tượng chấp hành xong án phạt tù có anh Vàng Văn Mão ở bản Lò Suối Tủng. Sau 7 năm chấp hành án phạt tù vì tội giết người không cố ý, anh đã trở lại địa phương làm nghề phụ vữa và được bà con bao dung đón nhận. Chị Ngô Thị Lan ở bản Chin Chu Chải từng bị bắt vì tội buôn bán ma túy, nay trở về địa phương đã chấp hành tốt quy định của Nhà nước, không vi phạm lỗi lầm và nhiều tấm gương được Công an tỉnh, công an xã khen thưởng”.

Anh Sỉn (bản Chin Chu Chải) vui mừng vì vụ ngô xuân hè bội thu.

Theo lời giới thiệu của ông Quải, chúng tôi đến thăm gia đình anh Hoàng Đức Sỉn ở bản Chin Chu Chải. Năm 2011, anh trở về địa phương và được Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho vay 30 triệu đồng. Từ nguồn vốn được vay, anh tích cực cải tạo đất sản xuất: dành 5.000m2 ruộng trồng ngô 2 vụ, 1.600m2 nuôi các loại cá: trắm, trôi, mè, chép và nuôi gần 20 con lợn. Sau 2 năm làm ăn chăm chỉ, anh đã trả hết nợ, nguồn lãi thu được từ chăn nuôi anh đầu tư trồng trọt, chăn nuôi tiếp. Anh hồ hởi khoe: “Vụ ngô xuân hè năm nay tôi thu được 2,5 tấn; cá thì 2 năm thu 1 lần, mỗi lần được hơn 5 tạ, với giá 70.000 đồng/kg, mỗi vụ cá tôi cũng thu được hơn 30 triệu đồng”.

Nếu không có lời giới thiệu của ông Quải, chúng tôi khó có thể tin được 1 “lão nông” chân chất, luôn chân luôn tay làm việc này đã có 1 thời lầm lỗi: không chỉ “dính” phải “nàng tiên nâu”, anh Sỉn còn tiếp tay cho kẻ xấu gieo rắc ma túy và phải chịu án phạt tù 7 năm.

Nhớ lại những chuyện đã qua, anh Sỉn ngậm ngùi: Khi phải vào tù, mình hối lỗi lắm! Nhưng khoảng thời gian thi hành hình phạt đã giúp mình chín chắn hơn và quyết tâm từ bỏ ma túy. Do cải tạo tốt, năm nào cũng được giảm án nên chỉ 5,5 năm sau mình đã trở về với vợ con. Ở bản, một số thanh niên chưa nhận thức được hiểm họa ma túy, có trường hợp vì muốn nhanh giàu mà mắc sai lầm. Trong những câu chuyện đời thường, mình thường khuyên họ, làm kinh tế tại địa phương là cách làm giàu vững chắc và không vi phạm pháp luật. Đừng nghe lời kẻ xấu và sử dụng chất gây nghiện như chú, đến khi đầu 2 thứ tóc mới nhận ra lỗi lầm của mình.

Ông Hạo (bản Thành Công) làm giàu từ nuôi cá nước ngọt. 

Với những nỗ lực hoàn lương, ông Sỉn được bản, làng ghi nhận và được Giám đốc Công an tỉnh tặng Giấy khen có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn xã năm 2013.

Với ông Trần Văn Hạo sinh năm 1957 ở bản Thành Công thì khoảnh khắc bước ra khỏi song sắt sau 11 năm ở tù (từ năm 1993 – 2004 vì tội buôn bán ma túy) là phút giây khó quên nhất trong cuộc đời. Khi cánh cổng Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam mở ra, bầu trời tự do trước mắt khiến ông Hạo vỡ òa cảm xúc. Đó là niềm hối hận, là nỗi nhớ mong vợ con và mong ước trở thành một công dân với đầy đủ quyền con người. Tháng ngày ăn năn, hối cải trong tù khiến bản chất lương thiện của người cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch biên giới (từ năm 1978 – 1983) trỗi dậy trong ông, khiến ông thức tỉnh giấc mộng làm giàu nhanh chóng từ làm ăn phi pháp.

Được anh trai cả đón về nhà cũ, ông Hạo thương nhất là vợ mình – chị Phạm Thị Sinh từ 1 cô giáo mầm non xinh đẹp, 1 mình lo toan việc nhà, việc trường khi chồng đi vắng đã khiến bà gầy yếu, tàn phai nhan sắc. 2 cô con gái Trần Thị Thu Trang, Trần Lệ Chi khi bố đi mới học trường Tiểu học, mẫu giáo, nay cháu lớn đã ra trường, cháu nhỏ đang học chuyên nghiệp. Không nhắc đến những năm tháng vất vả, vợ ông chỉ nghẹn ngào: “Anh về là tốt rồi!”. Càng thương vợ con bao nhiêu, ông càng giận mình bấy nhiêu…

Bà Sinh kể lại: Tôi vẫn còn công tác nên ruộng vườn rộng mà không chăm sóc được. Khi ông ấy trở về đã xây lại bờ 3 ao cá, trồng 60 cây nhãn, 70 gốc chuối. Nhãn năm nay cho thu hoạch 4 tạ, bán với giá 15.000 đồng/kg. Chuối có buồng nào cũng được thu mua tại vườn buồng ấy. Ông còn trồng ngô, rau, nuôi con lợn nái, mỗi năm bán từ 7 – 9 con lợn cắp nách.

Nhạy bén với thị trường, năm 2004 ông Hạo về thì năm 2007 ông đã xây được ngôi nhà khang trang cho vợ con. Con gái cả của ông vừa công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, vừa tiếp tục học thêm tại Đại học Y Thái Bình. Con gái út đang công tác tại Phòng Địa chính xã Nùng Nàng (huyện Tam Đường). Ông Hạo còn là Chi Hội phó Chi hội Cựu chiến binh của bản Thành Công.

Hình ảnh ông Hạo chăm sóc cháu gái 2 tuổi, trên đôi mắt đã có nếp nhăn hằn lên niềm vui bình dị của tuổi già. Con đường hướng thiện ông và những người một thời lầm lỗi ở địa phương đang đi là con đường để họ được sống trong hạnh phúc, vui vầy bên con, cháu, người thân.

 

Hải Yến

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...