Thứ sáu, 17/05/2024, 13:50 [GMT+7]

Điều chỉnh phân vùng và tăng lương tối thiểu: Nhiều điểm chưa hợp lý

Thứ sáu, 24/09/2010 - 11:27'
Với phương án điều chỉnh mới, doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm cao hơn, trong khi lương thực lĩnh của người lao động không tăng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tổ chức lấy ý kiến địa phương và doanh nghiệp về việc phân vùng và điều chỉnh lương tối thiểu trong các loại hình doanh nghiệp năm 2011. Theo đề xuất của bộ này, dự kiến mức lương tối thiểu mới được chia thành 4 vùng cho 2 khu vực.

Cụ thể, đối với khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước, thấp nhất (vùng 4) sẽ là 830.000 đồng/tháng; cao nhất (vùng 1) sẽ là 1.270.000 đồng/tháng - tăng bình quân so với năm 2010 khoảng 21,5%. Đối với khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thấp nhất (vùng 4) là 1,1 triệu đồng/tháng, cao nhất (vùng 1) là 1,5 triệu đồng/tháng - tăng bình quân 10,8% so với 2010.

"Với phương án này, chi phí đầu vào của DN tăng không lớn, chỉ khoảng 0,4 - 0,5%; còn với các DN thâm dụng lao động như dệt may, da giày, thì tăng khoảng 1,2%. Như vậy là phù hợp với khả năng chi trả của DN và phù hợp với lộ trình thống nhất mức lương tối thiểu trong các loại hình DN vào năm 2012, 2013", ông Hoàng Minh Hào, Phó vụ trưởng Vụ Tiền lương - Tiền công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) khẳng định.

Tuy nhiên, nhiều địa phương và DN cho rằng, mức đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội không sát với thực tế và còn nhiều điểm bất hợp lý. "Mức chênh lệch hơn 50% giữa vùng 4 và vùng 1 của khối DN trong nước và 36% ở khối DN FDI là quá cao", ông Nguyễn Văn Hưng, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Dương kiến nghị. Theo ông Hưng, mức chênh lệch quá cao sẽ khiến lượng lao động đổ dồn lên vùng 1 lớn hơn nhu cầu của DN, trong khi vùng 4 lại thiếu lao động.

Còn theo ông Ngô Chí Hùng, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất Hà Nội, mức chênh lệch về lương giữa các vùng quá lớn, khiến các địa phương ở vùng 3 - 4 khó thu hút lao động. Ông Hùng cho rằng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã cần xem xét, thay đổi các cơ chế tính lương tối thiểu đối với các vùng giáp ranh, bởi thực tế cho thấy, việc các địa phương nằm sát nhau có mức lương tối thiểu chênh lệch nhiều là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều cuộc đình công thời gian qua.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam thì cho rằng, mức tăng lương tối thiểu mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất thực tế không tăng so với tốc độ trượt giá. Bên cạnh đó, đa phần DN trong nước hiện đã trả lương cao hơn so với mức lương tối thiểu.

Tuy nhiên, người lao động trong khối DN FDI hiện vẫn phải nhận lương khá thấp, thường chỉ nhỉnh hơn chút ít so với mức lương tối thiểu Nhà nước quy định. Lương thấp khiến công nhân thường xuyên phải tăng ca để tăng thu nhập, làm cho quan hệ lao động bất ổn.

Ở góc độ khác, một số DN gia công xuất khẩu cho rằng, nếu đã đề xuất tăng, tại sao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội không đề nghị tăng lương tối thiểu lên ngang với mức thu nhập thực tế mà DN trả cho người lao động hiện nay. Lý giải cho đề nghị này, các DN cho biết, do lương tối thiểu thấp, khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu của DN dễ bị kiện chống phá giá, bởi các đối tác nước ngoài căn cứ vào tiền lương tối thiểu để tính giá gia công.

Giải thích điều này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, việc tăng lương tối thiểu phải căn cứ vào tốc độ tăng trưởng GDP, chỉ số tăng giá tiêu dùng.

 

Theo Đầu tư

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...