Chủ nhật, 19/05/2024, 16:40 [GMT+7]

Đi tìm nước trên miền “đất gió”

Thứ ba, 21/09/2010 - 14:08'
(BLC) - Có lẽ ở thị xã Lai Châu, cái thiếu nhất chính là nước, bởi ở miền “đất gió” này (trước là huyện Phong Thổ) không có một dòng sông chảy qua và không có hồ, đập nào lớn. Để có được nước sinh hoạt như hôm nay là cả một câu chuyện về nỗ lực của chính quyền và Công ty TNHH Xây dựng & Cấp nước Lai Châu.
Công nhân Công ty TNHH Xây dựng và cấp nước Lai Châu lắp đặt đường ống nước xã Tả Lèng (Tam Đường).           Ảnh: Khánh Kiên
Tháng 1/2004, trung tâm hành chính tỉnh Lai Châu chuyển về, cả thị xã chỉ có một đường ống nước phi 100 từ suối Tà Lèng được lắp đặt năm 1997, cách thị xã 11km đưa nước trực tiếp về. Sau 7 năm không được sửa chữa, ống hỏng, nước về thất thoát tới hơn 70%, mặc dù đây chỉ là nước thô từ suối chưa được xử lý. Khi nhận bàn giao hồ sơ có 702 hộ ở thị xã được dùng nguồn “nước máy” này, nhưng trên thực tế chỉ có 398 hộ có nước, hàng trăm hộ khác có nước phập phù hoặc cả năm không có do nước bị thất thoát.
Sau khi thành lập thị xã mới, hàng trăm hộ gia đình cán bộ, cùng cả hệ thống sở, ngành của tỉnh chuyển từ Điện Biên sang khiến cho nhu cầu sử dụng nước máy tăng cả trăm lần. Mỗi buổi sáng đứng ở đường tôi có thể đếm được gần 40 chuyến xe công nông của tư nhân chở nước không rõ nguồn gốc, xuất xứ đi bán với giá 30.000 đồng/khối. Khi đó không chỉ người dân thiếu nước, mà các cơ quan của tỉnh, thậm chí cơ quan đầu não đều không có nước sạch dùng. Nước trở thành vấn đề vô cùng cấp thiết.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã phải đầu tư ngay 4 tỷ đồng lắp 7km ống gang thay thế đường ống từ suối Tà Lèng về để giải quyết thất thoát nước cũ. Sau đó tỉnh thành lập các đoàn khảo sát liên ngành giữa Công ty TNHH & Cấp nước Lai Châu với Sở Tài nguyên và Môi trường… liên tục đi lên các dãy núi xung quanh thị xã để tìm nguồn nước. Khó khăn của thị xã Lai Châu là không có dòng sông nào chảy qua, con sông Nậm Na gần nhất cũng cách tới 30km và không có hồ, đập nào lớn có thể sử dụng nguồn nước. Hàng tháng trời, các đoàn khảo sát đã thay nhau leo lên các đỉnh núi, bản người Mông để tìm hiểu và hỏi người dân về các nguồn nước từ núi chảy ra. Được tỉnh ủng hộ chủ trương và tài chính cùng với sự nỗ lực không ngừng, sau mỗi năm đã tìm thêm được một nguồn nước mới. Đến nay đã có 4 nguồn với 4 trạm bơm công suất lớn cung cấp hơn 5.000m3 nước/ngày cho thị xã.
Tìm thấy nguồn nước, tỉnh đã đầu tư 3 tỉ đồng giao cho Công ty xây dựng một nhà máy cấp nước có công suất 3.000m3 ngày/đêm, đưa hóa chất đến tất cả các trạm bơm để xử lý nước đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ 60% tiền mua mới 1.300 đồng hồ lắp đặt cho các hộ dân. Hiện nay nhu cầu sử dụng nước của thị xã mỗi năm tăng thêm khoảng 1.000 hộ sử dụng và gấp 50 lần khi mới thành lập, Công ty đã đáp ứng cung cấp nước cho hơn 4.200 hộ dân và 386 cơ quan, ban, ngành, từ 1/6/2008 toàn bộ nguồn nước đã được xử lý đúng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, do đời sống nhân nhân còn nhiều khó khăn nên tỉnh vẫn phải bù lỗ giá nước sinh hoạt hàng trăm triệu đồng/năm. Giá nước tại thị xã Lai Châu theo quy định từ năm 2004 đến nay vẫn là 1.800 đồng/m3, trong khi đó giá nước thấp nhất hiện tại cũng là 3.500 đồng/m3, tại Sapa gần nhất là 7.000 đồng/m3 còn ở thành phố Điện Biên Phủ là 4.500 đồng/m3. Chính quyền và Công ty đã chủ trương để giá nước thấp nhất hỗ trợ đời sống người dân ở thị xã mới, chính vì vậy ngay cả giá nước uống tinh khiết (theo công nghệ lọc RO của Mỹ) của Công ty cũng chỉ bán với giá 10.000 đồng/bình (giá thấp nhất hiện nay là 18.000 đồng/bình).
Tỉnh và Công ty đã rất nỗ lực nhưng lượng nước sạch cung cấp ở thị xã vẫn chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu sử dụng do dân số đã tăng lên quá nhanh. Mỗi tháng có 400-500 hồ sơ đăng ký lắp nước mà Công ty không đáp ứng được. Đối với huyện Tam Đường, Sìn Hồ, Than Uyên cơ bản đều đã có nước sinh hoạt ở trung tâm huyện. Tại huyện Phong Thổ cũng đang chuẩn bị xây dựng một nhà máy cấp nước. Khó khăn nhất hiện nay là huyện Tân Uyên, do mới chia tách chưa có nhà máy và huyện Mường Tè do điều kiện quá xa xôi và dân cư thưa thớt nên việc cung cấp nước gặp trở ngại. Thời gian tới, Công ty sẽ đầu tư xây dựng nhà máy tại huyện Tân Uyên và nghiên cứu tìm phương án mới để đáp ứng đủ nước sinh hoạt cho thị xã Lai Châu, huyện Mường Tè.

 

Hoàng Trường Giang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...