Thứ tư, 01/05/2024, 03:53 [GMT+7]

Đoàn kết, hữu nghị Việt - Lào tài sản vô giá của hai dân tộc

Thứ tư, 05/09/2012 - 11:52'
(BLC) - Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, có mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống tốt đẹp lâu đời. Mối quan hệ đó là nhân tố bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng mỗi nước và là tài sản chung vô giá của cả hai dân tộc, tạo nên nền tảng thuận lợi để hai nước cùng tiếp tục phát triển, hướng tới tương lai bền vững.

Kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào (5/9/1962 – 5/9/2012) càng làm thắm đậm hơn tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước như ý nguyện của Chủ tịch nước CHDCND Lào Cayxỏn phônvihản “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Việt – Lào sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”.

Cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng uống chung dòng nước Mê Công, ngay từ rất sớm 2 dân tộc Việt – Lào đã gắn bó bền chặt bên nhau chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Cay-xỏn phôn-vi-hản kính yêu chính là những người đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào. Mối quan hệ đã được các thế hệ lãnh đạo kế tiếp và quân dân 2 nước dày công vun đắp để không ngừng phát triển và được đúc kết thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng, hiếm có trong quan hệ quốc tế.

Giao lưu Nghệ thuật kỷ niệm năm đoàn kết, hữu nghị Việt Nam – Lào.

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giành độc lập của mỗi nước, sự nghiệp gắn bó khăng khít, sự phối hợp, giúp đỡ vô tư chí tình, chí nghĩa giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam – Lào đã trở thành sức mạnh vô song và là nhân tố quan trọng góp phần đưa cạch mạng 2 nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, tiến tới thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975.

Ngày 18/7/1977, 2 nước Việt – Lào đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, khẳng định đoàn kết đặc biệt trước sau như một, hợp tác, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước. Trong 35 năm thực hiện Hiệp ước, quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học – kỹ thuật giữa 2 nước đã có nhiều khởi sắc, đi vào chiều sâu với nhiều kết quả khả quan. Quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các ban, bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức nhân dân và các địa phương của 2 nước được nâng lên tầm cao mới.

Có thể khẳng định rằng, trong thời gian qua việc hợp tác trên tất cả các lĩnh vực giữa 2 nước Việt – Lào đã đạt được hiệu quả thiết thực. Việt Nam đang đứng thứ hai trong các nước đầu tư vào Lào, các dự án đã góp phần làm thay đổi cơ cấu, thúc đẩy nền kinh tế Lào phát triển. Việt Nam trở thành bạn hàng lớn thứ ba của Lào về thương mại. Hiện nay có gần 6.000 lưu học sinh Lào đang học tại các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam. Hợp tác giữa Việt Nam và Lào trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh luôn được tăng cường chặt chẽ và hiệu quả, góp phần bảo đảm vững chắc và ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của mỗi nước, làm thất bại âm mưu và hành động của các thế lực thù địch. Trong quan hệ hai nước, ngoài các tỉnh có chung đường biên giới, các thành phố, tỉnh trong nội địa Việt Nam như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương… đã có quan hệ hợp tác với nhiều địa phương của nước bạn Lào.

Lai Châu một tỉnh vùng cao, biên giới cực Bắc của Tổ quốc Việt Nam đã có sự gắn bó lâu dài với các tỉnh Bắc Lào. Trong cuộng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lai Châu không những đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình đối với cách mạng Miền Nam mà còn làm tròn nghĩa vụ quốc tế với Cách mạng Lào. Lai Châu đã chủ động, tích cực đặt quan hệ hợp tác với hai tỉnh Luông Pha Băng và Phong Sa Lỳ (nước bạn Lào) về nhiều mặt, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng Lào anh em. Ngày 7/7/1968, Tỉnh ủy Lai Châu ra nghị quyết thành lập Ban Miền tây – cơ quan chuyên trách giúp bạn Lào.

Trong hoàn cảnh Lai Châu còn khó khăn về kinh tế, lại vừa sản xuất vừa chiến đấu, các ngành, các huyện, cán bộ và nhân dân các dân tộc vẫn nêu cao tinh thần “Hạt muối chia đôi, cọng rau bẻ nửa” cố gắng hợp tác với hai tỉnh bạn Lào về mọi mặt. Tăng cường lực lượng giúp bạn, góp phần tạo điều kiện cho cách mạng Lào phát triển. Tỉnh Lai Châu đã cử các đoàn cán bộ, bộ đội địa phương, Công an nhân dân, dân quân, du kích… Sang giúp bạn Lào củng cố cơ sở, phát triển kinh tế, văn hoá, đào tạo cán bộ. Trong những năm chống Mỹ cứu nước, lực lượng vũ trang Lai Châu đã phối hợp với lực lượng Cách mạng Lào đánh 71 trận, tiêu diệt và gọi ra hàng 600 tên địch, thu hơn 400 khẩu súng các loại và nhiều vũ khí quân trang, quân dụng khác.

Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã giúp bạn Lào hơn 9 vạn ngày công phục vụ chiến đấu.

Cuối năm 1977, tỉnh Lai Châu đã tăng cường chỉ đạo một số ngành khắc phục khó khăn về vật tư, vận tải giúp bạn Lào hoàn thành một số công trình xây dựng cơ bản, tiếp tục đào tạo các loại thợ cho bạn. Thể theo yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân và các dân tộc tỉnh Lai Châu, Chi hội hữu nghị Việt Nam – Lào tỉnh Lai Châu được thành lập và ra mắt ngày 12/11/1977.

Mối quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa tỉnh Lai Châu và hai tỉnh bạn Lào: Phong Sa Lỳ, Luông Phra Băng không ngừng được phát triển. Tỉnh Lai Châu xúc tiến kế hoạch giúp tỉnh bạn Phong Sa Lỳ mở các lớp đào tạo công nhân kỹ thuật, cung cấp một số vật tư hàng hoá, khám, chữa bệnh… Lai Châu đã bàn giao cho Phong Sa Lỳ một số công trình như: Cơ sở bánh kẹo Mường Khoa, của hàng bách hoá, cửa hàng ăn uống, Trường cấp I, II Mường Màng, viện trợ vật tư, thiết bị, đào tạo cán bộ, công nhân cho bạn… Đến ngày 25/2/1983 bàn giao công trình nhà mổ Bệnh viện Mường Khoa cho bạn. Từ tháng 8/1981 đến tháng 8/1984 Lai Châu cùng 2 tỉnh: Phong Sa Lỳ, Luông Phra Băng đã triển khai và hoàn thành phân giới, cắm mốc trên thực địa đường biên giới dài 360km. Nhiều đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Lai Châu và Phong Sa Lỳ (Lào) đã sang thăm hữu nghị chính thức với nhau, hội đàm về phát triển kinh tế - văn hoá.

Nhìn lại suốt chặng đường phát triển của mối quan hệ Việt Nam – Lào, mối quan hệ giữa tỉnh Lai Châu với tỉnh Phong Sa Lỳ, Luông Phra Băng, từ thời kỳ kháng chiến đến xây dựng đất nước, hội nhập Quốc tế, đi lên chủ nghĩa xã hội, càng thấy rõ mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào, một truyền thống quý báu, một quy luật phát triển, một tài sản chung vô giá của cả 2 dân tộc.

Hà Vân

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...