Thứ sáu, 03/05/2024, 10:39 [GMT+7]

Báo chí Cách mạng luôn đồng hành cùng dân tộc, phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân

Thứ hai, 22/06/2015 - 08:21'
Tối 21/6, tại Hà Nội, đã diễn ra trọng thể Lễ Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và Lễ trao Giải báo chí Quốc gia lần thứ IX năm 2014.

Dự sự kiện có ý nghĩa to lớn của những người làm báo; chúc mừng các tác giả, tác phẩm xuất sắc trong năm, chúc mừng Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, có các đồng chí: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang;nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh;Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủVũ Đức Đam; Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư kí Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt NamVũ Trọng Kim.

Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ IX cũng đón tiếp nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ; các nhà báo lão thành… cùng đông đảo những người làm báo trong cả nước.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã gửi lẵng hoa chúc mừng đội ngũ những người làm báo cả nước nhân kỷ niệm 90 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tích, những kết quả đạt được có ý nghĩa rất quan trọng của đội ngũ những người làm báo trong cả nước; nhiệt liệt chúc mừng các nhà báo vinh dự được trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ IX.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Cách đây 90 năm, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra Báo Thanh niên, số đầu tiên vào ngày 21/6/1925, đặt nền móng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Sự ra đời của Báo Thanh niên là dấu mốc quan trọng của cách mạng nước ta. Thông qua Báo Thanh niên, Bác Hồ đã truyền bá tư tưởng cách mạng tới đông đảo các tầng lớp nhân dân, chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 03/2/1930, và 20 năm sau đó, nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc ta - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Suốt 90 năm qua, Báo chí Cách mạng luôn đồng hành cùng dân tộc, lớn lên cùng cách mạng, phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân. Người làm báo thực sự là chiến sỹ, với cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén, góp phần xứng đáng vào công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Ngày nay, tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến hết sức phức tạp, sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng phải đương đầu với những khó khăn, thách thức. Năm 2015, đất nước ta có nhiều ngày kỷ niệm lớn, Đảng ta tiến hành đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Trong bối cảnh đó, báo chí cần tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, làm tròn trách nhiệm là lực lượng tiên phong, xung kích trên mặt trận văn hóa - tư tưởng.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mong muốn, báo chí cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, góp phần củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, vào thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước, tạo sự đồng thuận xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực phấn đấu, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các gương người tốt, việc tốt; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, các giá trị, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phê phán, đấu tranh với cái xấu, cái ác, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực trong mọi lĩnh vực. Báo chí cần tăng cường, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại để nhân dân thế giới, bạn bè quốc tế hiểu rõ đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, những thành tựu trong công cuộc đổi mới, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, góp phần đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường sự đoàn kết, ủng hộ quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Báo chí cũng cần phản ánh trung thực tình hình đất nước, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, là tiếng nói của nhân dân, cầu nối giữa nhân dân với Đảng…

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh

Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí của Đảng, Nhà nước và các cơ quan có liên quan cần nghiên cứu, tham mưu cho Đảng và Nhà nước để có chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển, phát huy vai trò và có những đóng góp tích cực hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chỉ đạo và quản lý báo chí hoạt động đúng đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có chất lượng ngày càng cao; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ báo chí của đất nước.

Lãnh đạo các cơ quan báo chí cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, có phẩm chất đạo đức trong sáng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí cả về nội dung tư tưởng, tính thuyết phục, hấp dẫn; quan tâm chăm lo đời sống của cán bộ, công nhân viên, xây dựng cơ quan báo chí là những tập thể đoàn kết, gắn bó. Đội ngũ những người làm báo cần không ngừng rèn luyện, phấn đấu nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng vượt qua mọi khó khăn, mọi sự cám dỗ, có đủ dũng khí, luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, bám sát thực tiễn, để có nhiều tác phẩm báo chí có giá trị, hay, thuyết phục, cuốn hút công chúng, xứng đáng là những người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa - tư tưởng như Bác Hồ đã căn dặn…

Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí Quốc gia đã ôn lại truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Đồng chí Thuận Hữu nhấn mạnh: 90 năm qua, báo chí cách mạng nước ta đã khẳng định truyền thống cách mạng nổi bật, đó là truyền thống gắn bó máu thịt với nhân dân, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân và sự nghiệp cách mạng. Đội ngũ những người làm báo cách mạng cũng luôn tiên phong, có mặt nơi đầu sóng ngọn gió và sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, theo lý tưởng và con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, trên 400 nhà báo đã anh dũng ngã xuống trên các chiến trường trong khi làm nhiệm vụ người chiến sĩ ngoài mặt trận. Trong thời bình, nhiều nhà báo không quản ngại gian khó, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, có mặt tại các điểm nóng Hoàng Sa, Trường Sa hoặc lăn xả nơi lũ lụt, vùng có dịch, trong cuộc chiến chống buôn lậu, ma túy… để kịp thời cung cấp cho công chúng những bản tin, bài báo, hình ảnh nóng hổi tính thời sự…

Giải báo chí Quốc gia được tổ chức hàng năm là một trong những hoạt động quy mô toàn quốc, vừa để tôn vinh các tác giả, tác phẩm báo chí xuất sắc nhất của năm, vừa để động viên, khuyến khích các nhà báo tiếp tục phấn đấu, nâng cao chất lượng thông tin, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Giải báo chí Quốc gia lần này được các cấp Hội hưởng ứng rất tích cực: 62/63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 18/19 Liên Chi hội và 37 Chi hội nhà báo trực thuộc Trung ương, với 1.468 tác phẩm gửi dự thi. Qua 8 mùa Giải báo chí quốc gia, đây là năm thứ 3 liên tiếp có số tác phẩm gửi dự thi cao nhất, cho thấy sự lan tỏa của giải, thu hút được đông đảo nhà báo tham gia.

 

Một tiết mục văn nghệ trong buổi lễ (Ảnh: HN)

Trong số 177 tác phẩm vào chung khảo, có 118 tác phẩm được giải, gồm: 9 giải A, 26 giải B, 54 giải C và 29 giải khuyến khích. Con số 9 tác phẩm trong 11 loại giải được Giải A là con số cao nhất từ trước đến nay (2 thể loại không có giải A là Xã luận, bình luận, chuyên luận, tiểu phẩm báo chí (báo in), và Phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (báo điện tử). Hội đồng chung khảo đánh giá, chất lượng các tác phẩm nhìn chung đồng đều, không có tác phẩm yếu kém, nhưng cũng chưa có các tác phẩm thật sự xuất sắc.

So với những năm trước, các cơ quan báo chí địa phương, nhất là mảng báo in và báo hình năm nay đã cạnh tranh được với các cơ quan báo chí trung ương. Tuy nhiên, các tác phẩm có chất lượng cao vẫn tập trung ở các cơ quan báo chí trung ương có nhiều năm dự giải và các thành phố lớn, các tỉnh có đầu tư lớn vào chuyên môn. Nhiều tác phẩm dự giải có tính phát hiện vấn đề, có tầm ảnh hưởng xã hội và thể hiện hấp dẫn.

Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh đã trao giải A cho 9 tác phẩm xuất sắc nhất, gồm: Giải Báo in- Tin, bài phản ánh, phỏng vấn thuộc về loạt bài “Việt Nam khẳng định chủ quyền bằng những chứng cứ pháp lý thuyết phục” (Báo Quân đội Nhân dân); Giải Báo in – Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép: loạt bài “Suy ngẫm từ tọa độ nóng” (Báo Năng lượng mới); Giải Ảnh báo chí: nhóm ảnh “Giải cứu thành công 12 công nhân bị nạn ở hầm thủy điện Đạ Dâng, Lâm Đồng” (Thông tấn xã Việt Nam); Giải Phát thanh – Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, chuyên đề phát thanh tổng hợp: loạt bài “Di chúc Hồ Chí Minh – Di chúc về con người, vì con người” (Đài Tiếng nói Việt Nam); Giải Phát thanh – Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký phát thanh: Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai với loạt bài “Tuyên truyền chính trị, pháp luật cho công nhân, phải chạy nước rút”; Giải Truyền hình – Tin, phóng sự, ký sự: Liên chi hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh với tác phẩm “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng – Nhìn từ tinh giản bộ máy biên chế ở tỉnh Quảng Ninh”; Giải Truyền hình – Bình luận, giao lưu, tọa đàm: Đài Truyền hình Việt Nam, Kênh truyền hình đối ngoại VTV4 với tác phẩm “Ký ức lịch sử về 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”; Truyền hình – Giải Phim tài liệu: thuộc về Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh với tác phẩm “Từ trái tim đến trái tim”; Giải Báo điện tử – Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận: tác phẩm “Câu chuyện Sam Lang: Chui vào túi nilon để… qua suối” (Báo Tuổi trẻ online).

 

 

Theo Hồng Ngọc/DCS

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...