Chủ nhật, 19/05/2024, 03:30 [GMT+7]

Bước tiến từ cuộc vận động

Thứ tư, 25/06/2014 - 16:36'
(BLC) - 15 năm sau khi cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đi vào cuộc sống, ở tỉnh ta, chất lượng cuộc sống của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã có những chuyển biến đáng kể. Có thể khẳng định cuộc vận động đã góp phần mạnh mẽ đưa đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh có những bước tiến dài.

Các Ban công tác Mặt trận tại cơ sở đã tích cực, chủ động tìm các hình thức tuyên truyền, vận động người dân nâng cao tinh thần đoàn kết tương thân tương ái. Trong các cuộc họp bản, họp tổ dân phố, Trưởng ban Công tác Mặt trận ở cơ sở luôn là nhân vật trung tâm trong việc tuyên truyền những giá trị của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Mỗi người một cách nói, cách tuyên truyền nhưng tựu trung đều hướng tới mục tiêu giúp Nhân dân nắm rõ tinh thần, mục đích, cách thức và biện pháp thực hiện để cuộc vận động lan rộng, thấm sâu trong từng hành động, từng suy nghĩ của người dân. Nhờ đó, Nhân dân có được cái nhìn toàn diện và sâu sắc, tự giác phấn đấu, đưa cuộc vận động trở thành một phong trào, một xu hướng của mỗi gia đình, mỗi khu dân cư. Cũng nhờ cuộc vận động, đến nay toàn tỉnh đã có tới 74% hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa và 57% thôn bản đạt danh hiệu “văn hóa”.

 Đội Văn nghệ bản Ngà (xã Mường Than, huyện Than uyên) thường xuyên luyện tập. Ảnh: Phương Ly.

Một trong những nội dung quan trọng, có tác động sâu sắc và mang ý nghĩa lớn nhất của cuộc vận động đó là đoàn kết xây dựng đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển. Từ khi đi vào cuộc sống, cuộc vận động đã tạo ra một “lực đẩy” mạnh mẽ có động lực từ sự nỗ lực, vươn lên của mỗi cá nhân, hộ gia đình. Trên thực tế, khi tỉnh mới được chia tách, thành lập (năm 2004) tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao (chiếm 60,75%), đến nay, nhờ sự lãnh đạo chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và vai trò của MTTQ tỉnh, công tác xóa đói, giảm nghèo của tỉnh đã thu được những kết quả rất đáng mừng. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chỉ còn 27,22% (theo tiêu chí mới).

Việc gắn cuộc vận động với phong trào xây dựng nông thôn mới tạo nguồn lực đáng kể góp phần đưa các xã từ vùng khó khăn đến vùng thuận lợi hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay, trong tỉnh có nhiều xã đạt 15/19 tiêu chí và phấn đấu năm 2015 sẽ có xã cán mốc nông thôn mới. Đối với các xã chưa đạt thì cuộc vận động cũng giúp Nhân dân có cuộc sống tốt hơn nhờ kinh tế đang dần khấm khá, văn hóa ngày một phong phú, chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng lên.

Tinh thần tương thân tương ái của cuộc vận động còn thể hiện cụ thể qua số tiền MTTQ tỉnh huy động được trong cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”. Chỉ tính từ năm 2009 đến hết năm 2013, các cá nhân, tổ chức và Nhân dân trong tỉnh đã quyên góp, ủng hộ quỹ Vì người nghèo của tỉnh được hơn 17,2 tỷ đồng. Không chỉ vậy, từ sự chung sức của toàn dân, tỉnh ta đã xây dựng và sửa chữa gần 2.000 ngôi nhà cho người nghèo. Chúng tôi đã nhiều lần được tham gia các buổi tặng nhà cho người nghèo và lần nào cũng vậy, trong sự nghẹn ngào xúc động của người nghèo, sự hân hoan của người trao tặng luôn là tinh thần yêu thương đùm bọc, đoàn kết giúp đỡ của những con người được gói gém trong hai tiếng “đồng bào” mà cuộc vận động đã nhân lên mạnh mẽ.

Đời sống kinh tế được nâng lên thì các giá trị văn hóa tinh thần cũng được đổi mới, hiện đại nhưng vẫn mang đậm giá trị truyền thống. Sự đổi thay ấy có thể nhận thấy trong các thiết chế văn hóa, các sinh hoạt văn hóa ở khu dân cư. Đến nay hầu như khắp các xã, phường trên toàn tỉnh đã xây được các thiết chế văn hóa. Các nét đẹp văn hóa cổ truyền được tạo điều kiện để phát triển, đồng thời các hủ tục lạc hậu, không phù hợp bị bài thải. Dễ dàng nhận thấy, người dân không còn tin vào thầy mo thầy cúng, các hủ tục thách cưới nặng nề được thay  bằng các đám cưới theo nếp sống mới vừa văn minh vừa vui tươi, lành mạnh lại tiết kiệm, hiện đại.

Ở nhiều địa phương, thôn, bản, phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển mạnh mẽ đã thành một nếp sống mới mà ở đó từ người già đến trẻ em ai cũng tham gia. Các bài hát mang hơi thở cuộc sống mới quyện cùng những “hương vị” của giai điệu cổ truyền mang đến một đời sống văn hóa tinh thần vô cùng phong phú cho Nhân dân. Có những thôn, bản có tới vài đội văn nghệ, có những nghệ nhân dành cả cuộc đời sưu tầm, lưu truyền những nét đẹp của văn hóa, văn nghệ dân gian, có những em bé đã say sưa tiếng hát, điệu khèn từ khi còn ở tuổi nhi đồng… Những chiếc điện thoại di động, máy nghe nhạc, đầu đĩa… trở thành những công cụ đắc lực cho việc duy trì dân ca, dân vũ.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” không chỉ mang đến cho người dân cuộc sống tốt hơn mà còn mang đến cho đồng bào một cuộc sống ý nghĩa hơn. Các phong trào như xây dựng môi trường cảnh quan sạch đẹp, tố giác tội phạm, giám sát cộng đồng, tham gia xây dựng chính quyền, thực hiện dân chủ ở cơ sở… không chỉ giúp người dân thay đổi chất lượng cuộc sống mà còn nâng cao trách nhiệm với xã hội.

X.Thi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...