Chủ nhật, 19/05/2024, 13:26 [GMT+7]

Còn đâu nét riêng phiên chợ vùng cao…

Thứ tư, 07/03/2012 - 14:44'
(BLC) - Nền kinh tế thương mại hóa đang là mối đe dọa đến giá trị tinh thần vô giá trong bản sắc văn hóa chợ phiên.

Phiên chợ vùng cao xưa…

Một ít rau, một ít măng củ hay đơn thuần chỉ là một con gà… bà con cũng đều mang đi bán tại chợ phiên. Và dù ít, dù nhiều họ rất mong đến phiên chợ bởi nơi đây là nơi gặp gỡ, giao lưu, nói chuyện tâm tình mà không bao giờ nghĩ đến sự cạnh tranh của hàng hóa và đồng tiền. Đó là bản sắc văn hóa truyền thống từ bao đời nay của người dân các dân tộc thiểu số ở vùng cao Tây Bắc nói chung, Lai Châu nói riêng.

Giờ đây tại chợ phiên các sản phẩm truyền thống như len, sợi... do người dân làm ra bày bán ít mànhững gian hàng quần áo, mũ nón của người Kinh ngày càng nhiều.

Còn nhớ, cách đây 5 năm, lần đầu tiên đặt chân lên Lai Châu, tôi được một người bạn đưa xuống xã San Thàng (thị xã Lai Châu) để thăm phiên chợ đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi này - chợ phiên San Thàng (hay còn gọi là chợ Tam Đường Đất). Chợ chỉ họp vào hai ngày: thứ 5 và chủ nhật hàng tuần, nhưng ngày chủ nhật lượng người đến chợ bao giờ cũng gấp đôi.

Ấn tượng đầu tiên với tôi là chợ rất đông đồng bào với trang phục dân tộc đủ sắc màu thổ cẩm mặc sức trao đổi, mua bán. Chợ bán không thiếu thứ gì. Người đến chợ mang theo sản phẩm do gia đình làm ra và lại tìm mua những thứ còn thiếu về dùng. Có người mang vài cân gạo tẻ, gạo nếp. Người ôm gà, người lại gùi một con lợn lên lưng hoặc kẹp vào một bên tay mà người ta thường gọi là “lợn cắp nách”. Những người khác gùi ổi, cam, táo đá, rau... đến chợ và bày ra tấm ni-lon nhỏ để chào bán. Cũng có người chỉ mang một bọc ớt thóc hay mấy củ gừng để bán… Tất cả tạo nên không khí mua bán rất ấm cúng và hòa nhã. Với họ, phiên chợ chính là nơi có thể gặp gỡ, tâm tình, chia sẻ với nhau sau một tuần làm việc cực nhọc. Ở đó, những người phụ nữ có thể ngồi hàng giờ trò chuyện với nhau, cánh đàn ông thì say sưa bên nồi thắng cố đậm đà hương vị cùng chén rượu nồng và những đứa trẻ lại được khoe váy áo mới... Cũng tại nơi đây, bao nhiêu chàng trai, cô gái đã nên duyên vợ chồng.

Cũng chỉ ở chợ phiên vùng cao, chúng ta mới thấy hết được cái tinh tế trong hoa văn của các bộ trang phục dân tộc. Có thể nói, đây là một trong những di sản văn hóa quý nhất của đồng bào, làm nên một phần “hồn” của các chợ phiên vùng cao.

…nay còn đâu?

Vậy mà không biết từ khi nào, những nét đẹp văn hóa của những chợ phiên vùng cao ấy nay đã nhạt nhòa. Phải chăng do nhịp sống hiện đại đã len lỏi sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của bà con? Tại chợ giờ đây có những gian hàng quần áo với giá rẻ bất ngờ đã mang đến cho bà con những thích thú và tò mò. Chẳng thế, anh bạn tôi mới nói: “Bây giờ, trang phục dân tộc chỉ có trong ngày lễ, tết thôi, đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là thanh niên toàn mặc áo sơ mi, quần tây như người Kinh rồi”. Quả thật, những dãy hàng bán trang phục dân tộc chỉ còn lưa thưa vài người.

Ngay như chợ Dào San (huyện Phong Thổ), từng được đánh giá là một trong những phiên chợ hấp dẫn nhất của Lai Châu giờ cũng có nhiều thay đổi. Chợ được xây mới trên nền bêtông, xung quanh chợ đường sá, công viên, nhà cao tầng được xây dựng ngày càng nhiều làm mất đi vẻ nguyên sơ của chợ, phá vỡ không gian văn hóa sinh hoạt chợ truyền thống. Hiện nay bản sắc văn hóa dân tộc hoặc bị biến tướng, bị hiện đại hóa làm mất đi nét đặc thù dân dã, sức hấp dẫn của các chợ phiên vùng cao.

Vẫn biết hiện đại hóa là xu hướng tất yếu. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển du lịch miền núi thì việc các phiên chợ vùng cao thay đổi bộ mặt là lẽ đương nhiên. Nhưng du khách đến sẽ thoáng chút thất vọng, sẽ không khỏi lo âu nếu sự thay đổi đó xóa nhòa những nét đẹp mang đậm bản sắc, làm mai một những kết tinh văn hóa đã được tích lũy qua ngàn đời.

Thiết nghĩ, nếu chúng ta xây dựng một mô hình chợ mang đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc thì ắt hẳn nơi đó sẽ là điểm khởi đầu của một nền kinh tế phát triển. Bởi như vậy, không những bảo tồn, lưu giữ được “linh hồn” của văn hóa chợ phiên vùng cao mà sẽ thu hút được đông đảo khách du lịch đến chiêm ngưỡng giá trị nguyên sơ đúng nghĩa của nó.

Để những giá trị truyền thống ấy không mất đi thì không thể quên đi sự có mặt của chính người dân bản địa. Mà trước tiên phải là ý thức giữ gìn và bảo vệ. Trước hết các cấp chính quyền cần nghiên cứu, xem xét nên thay đổi cái gì, giữ nguyên cái gì, bảo tồn cái gì, phát triển cái gì để những phiên chợ văn hóa vùng cao mãi hấp dẫn du khách bằng chính nét riêng rất nguyên sơ và bình dị của nó.

Thanh Hiền

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...