Chủ nhật, 19/05/2024, 01:18 [GMT+7]

Cần có giải pháp đáp ứng nhu cầu đọc sách

Thứ tư, 20/05/2015 - 15:40'
(BLC) - Việc đọc sách rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người, đặc biệt là đối với tuổi mới lớn. Đọc sách nâng cao trình độ hiểu biết và nhận thức tốt hơn những vấn đề trong cuộc sống. Trên địa bàn tỉnh ta hiện nay, người dân tiếp cận với nguồn tư liệu sách vẫn còn rất khó khăn.

Các hiệu sách trên địa bàn tỉnh chủ yếu bán các mặt hàng sách giáo khoa, truyện tranh, đồ dùng học tập và một số văn phòng phẩm khác. Rất khó có thể tìm được những cuốn sách là những tác phẩm văn học Việt Nam bất hủ, đi cùng năm tháng của các tác giả như: Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố... Xa hơn nữa là những kiệt tác văn học nổi tiếng thế giới của các nhà văn như: Ernest Hemingway, Paulo Coelho, Mark Twain…

Trong nhiều năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng nhà văn hóa xã, bản, thư viện tỉnh, điểm bưu điện văn hóa xã, bổ sung nhiều nguồn sách và cấp phát báo, tạp chí đến tận bản... Tuy nhiên, cơ sở vật chất còn thiếu, các đầu sách nghèo về nội dung, chưa phong phú về thể loại; việc cung cấp sách, báo, tạp chí thiếu chuyên nghiệp, không cập nhật được thông tin cũng như tính chuyên sâu đối với sách chữ. Số lượng sách ở các thư viện trường học cũng không nhiều, các em học sinh thường đến với mục đích mượn sách giáo khoa để học là chủ yếu. Lai Châu là một tỉnh biên giới còn khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt, nếu không được thông tin, cập nhật nắm bắt những cái mới và chiều hướng thông tin ở thời hiện đại thì rất dễ bị tụt hậu xa so với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước.

Học sinh trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS xã Phúc Khoa đọc sách báo tại Thư viện nhà trường.

Chính vì khan hiếm về nguồn sách nên việc tiếp cận các tác phẩm văn học của học sinh rất hạn chế và chủ yếu dừng lại ở sách giáo khoa - một loại sách cơ bản của ngành Giáo dục. Nghèo nàn về nguồn sách nên ngoài kiến thức được cô giáo truyền đạt ở lớp, học sinh muốn tìm hiểu các kiến thức về kỹ năng sống, giao tiếp, văn hóa đời sống, cách ứng xử trong xã hội… Tìm hiểu chúng tôi được biết, nhiều em học sinh ham học hỏi, thích đọc sách nhưng để tìm được những cuốn sách hay, bổ ích cho nhận thức của mình thì rất khó khăn. Em Nguyễn Anh Tuấn (học sinh lớp 8A1, Trường THCS Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) chia sẻ: “Từ nhỏ em đã có thói quen đọc sách. Sách đem lại nguồn kiến thức quý. Nhưng trên địa bàn thành phố Lai Châu lại có quá ít các cửa hàng bán sách để chúng em có thể lựa chọn những cuốn sách mình yêu thích”.

Có thể khẳng định, sự phát triển của công nghệ là không thể phủ nhận, đặc biệt là trong thời đại toàn cầu hóa. Tuy nhiên, việc đọc sách vẫn là kênh tiếp nhận thông tin vô cùng quan trọng. Đặc biệt là đối với học sinh bởi những kiến thức học được từ sách sẽ góp phần hình thành nhân cách đối với tuổi mới lớn, những hệ tư tưởng mới, nhận thức tốt hơn những vấn đề trong cuộc sống cũng như xã hội, ý thức rõ hơn trong mỗi hành động của mình. Có những cuốn sách có thể đem lại cho các em phút giây thư giãn sau những giờ học tập căng thẳng.

Trước những đòi hỏi chính đáng, tất yếu của nhu cầu đọc sách, thiết nghĩ tỉnh cần có biện pháp lâu dài, hướng đi đúng đắn, nhận ra tầm quan trọng của văn hóa đọc đối với sự phát triển chung của xã hội. Theo đó, cần có nhiều hơn nữa các hội sách với quy mô khác nhau. Học các địa phương khác tổ chức các hội thi ở các trường học, cơ quan, đoàn thể để nâng cao nhận thức về sách nói riêng cũng như văn hóa đọc nói chung. Thành lập các đội tình nguyện ở các trường học và liên kết với các sinh viên đang học tập đại học, cao đẳng là con em của tỉnh tại các tỉnh, thành phố (đặc biệt là thành phố Hà Nội), mở các hội sách đưa sách đến các trường học trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, kêu gọi sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trên địa bàn cùng vào cuộc… Những công việc đó có thể mất một thời gian dài, nhưng khi văn hóa đọc bắt đầu được hình thành thì các hiệu sách trên địa bàn tỉnh mới có thể đa dạng được nguồn sách.

Với những giải pháp trên, hy vọng phong trào đọc sách ở tỉnh ta ngày càng lan rộng và trở thành thói quen của mỗi người. Từ đó người đọc tích lũy thêm được vốn hiểu biết để làm giàu kiến thức cho bản thân.

Khánh Toàn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...