Chủ nhật, 19/05/2024, 04:34 [GMT+7]

Cần chủ động với dịch dại

Thứ hai, 23/06/2014 - 16:35'
(BLC) - Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Tam Đường đã có 3 trường hợp tử vong do bị chó dại cắn. Các trường hợp này đều tử vong do sự chủ quan, thiếu hiểu biết của người dân trước nguy hiểm do bệnh dại gây ra.

Cái chết thương tâm từ sự chủ quan

Những ngày mưa, không khí trong ngôi nhà nhỏ ba mẹ con chị Phàn Thị Non ở bản Gia khâu, xã Hồ Thầu càng thêm ảm đạm bởi giờ đây họ đã mất đi trụ cột gia đình. Được biết, chị Non lập gia đình cùng anh Phàn A Pao (23 tuổi) cách đây 3 năm, có với nhau hai bé gái (cháu lớn 5 tuổi, cháu nhỏ 2 tuổi). Để mưu sinh, chị Non tranh thủ lúc nhàn rỗi đi làm thuê để có thêm thu nhập. Sau hơn 1 tháng xa nhà, khi chị về nhà, anh Pao cũng không kể lại chuyện bị chó hàng xóm cắn vào đầu ngón chân.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Tam Đường tiêm phòng cho bệnh nhân bị súc vật cắn.

 

Chiều ngày 27/5 (sau 3 tháng bị chó cắn), anh Pao thấy hiện tượng khó thở, bí tiểu, đái buốt, tê bì chân tay. Ngay sáng hôm sau, gia đình đưa xuống cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Tam Đường trong tình trạng nạn nhân đã bị co giật, hạ canxi huyết và dẫn đến tử vong. Chị Non kể: “Khi tôi hỏi hàng xóm thì mới biết: thấy con chó nhà bên cạnh cắn con gái lớn, anh Non đã dùng chân đá và bị chó cắn vào đầu ngón chân. Nhưng anh ấy chỉ rửa vết thương bằng nước muối và bảo con chó bình thường nên không đến cơ sở y tế để tư vấn, tiêm phòng dại. Khi phát bệnh thì mọi chuyện đã quá muộn. Hiện nay, tôi đã đưa con gái đi tiêm phòng định kỳ theo yêu cầu của bác sỹ và mong người dân khi bị súc vật như: chó, mèo, dơi… cắn cần theo dõi con vật và đến cơ sở y tế được tư vấn, điều trị”.

Những giọt nước mắt đau xót khi chị và 2 đứa con nhỏ mất đi người thân của mình khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Giờ đây, chị Non sẽ phải đương đầu với vô vàn những khó khăn khi một mình nuôi 2 con thơ và thay chồng lo toan, gánh vác mọi việc trong gia đình.

Nằm chót vót giữa lưng chừng bản, ngôi nhà nhỏ của chị Hoàng Tả Mẩy, bản Sin Chải (xã Giang Ma) vẫn bao trùm không khí đau buồn khi cô con gái Lý Thanh Thảo (5 tuổi) của chị vừa qua đời vì bệnh dại. Khuôn mặt hốc hác, xanh xao, đôi mắt thất thần của chị luôn hướng về phía xa xăm với tâm trạng hối hận không nguôi. Qua lời kể chị Nguyễn Thị Hương, cán bộ phòng chống bệnh dại Trạm Y tế xã Giang Ma chúng tôi được biết: Ngày 14/4, cháu Thảo bị chó lạ cắn vào bên lông mày mắt trái và chạy mất. Sau khi bị chó cắn, người nhà đã không đưa cháu đến Trạm Y tế khám mà đưa cháu đi khám thầy lang ở thị trấn Tam Đường. Khi khám xong, thầy lang xác nhận cháu bị chó dại cắn và nhận lời với gia đình nhờ người đi cắt thuốc nam ở tỉnh Thái Bình cho cháu uống và đắp thuốc.

Ngay khi sự việc xảy ra, cô giáo chủ nhiệm và cán bộ Trạm Y tế xã đã đến nhà tư vấn, tuyên truyền đưa cháu đi tiêm phòng dại nhưng gia đình nhất quyết không đi. Đến ngày 14/5, cháu Thảo có triệu chứng sốt mê sảng, sùi bọt mép đến 4 giờ chiều gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh và được Bệnh viện xác nhận, chẩn đoán lên cơn dại. Đến 23 giờ đêm, cháu Thảo tử vong. Điều đáng nói ở đây là nhận thức của gia đình còn hạn chế, quá tin tưởng vào việc sử dụng thuốc nam để chữa bệnh dại. Mong muốn của người mẹ khi chia sẻ với chúng tôi là khi ai đó bị chó cắn cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

Quyết liệt phòng chống dịch dại

Tìm hiểu chúng tôi được biết, từ đầu năm 2014 đến nay toàn huyện có 136 người bị chó cắn, trong đó 127 người đã đến cơ sở y tế tiêm phòng, 6 người được tư vấn không phải tiêm phòng dại, 3 người không tiêm (đã tử vong). Chị Nguyễn Thị Hương – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Đường cho biết: “Dịch dại lây lan có phần chủ quan của người dân về bệnh này nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa nhận thức còn hạn chế. Mặc dù được tuyên truyền nhưng khi bị súc vật cắn, người dân không đến các cơ sở y tế để tư vấn, tiêm phòng. Bên cạnh đó, một bộ phận lớn bà con còn chủ quan, chưa chấp hành đúng các yêu cầu đối với việc nuôi các loại chó, mèo, vẫn còn tình trạng thả rông, không rọ mõm”.

Sau khi chồng mất vì bệnh dại, chị Phàn Thị Non, bản Gia Khâu, xã Hồ Thầu phải một mình nuôi 2 con nhỏ.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tam Đường có 8.384 con chó, mèo, trong đó có 7.546 con thuộc diện phải tiêm phòng. Đến hết tháng 5, đã tiêm được 4.820 con (chó, mèo trong diện phải tiêm). Nhằm ngăn chặn dịch dại bùng phát, lây lan, huyện Tam Đường đã có văn bản yêu cầu các cấp, ngành, địa phương có giải pháp đối phó với bệnh dại. Theo đó, ngành chức năng tuyên truyền đến địa bàn, khu dân cư về sự nguy hiểm bệnh dại thông qua họp bản, lồng ghép các chương trình y tế… Cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp Trạm Thú y huyện tiêm phòng trên đàn chó, mèo, cùng Đội Y tế Dự phòng (Trung tâm Y tế huyện) vận động bà con hạn chế nuôi chó, mèo, nuôi phải có xích, rọ mõm khi thả súc vật ra đường. Người bị chó, mèo cắn nghi dại phải rửa vết thương bằng xà phòng đặc, nước muối, cồn và đi tiêm phòng dại sớm, đầy đủ; đặc biệt là không điều trị bằng thuốc nam, thuốc bắc.

Chủ quan, thiếu kiến thức là những nguyên nhân dẫn đến những cái chết thương tâm, vì một cuộc sống an toàn, hơn ai hết chính các hộ dân phải nêu cao ý thức và tự giác tiêm phòng ngay khi bị súc vật cắn. Qua đó góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho gia đình, người dân và cộng đồng.

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...