Chủ nhật, 19/05/2024, 08:51 [GMT+7]
Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Cần sự quyết tâm cao

Thứ hai, 25/04/2022 - 10:33'
Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là 2 chính sách trụ cột đảm bảo an sinh xã hội, song đang đặt ra nhiều thách thức mới cho việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm. Để đạt được chỉ tiêu giao hàng năm rất cần nhiều hơn nữa sự quyết tâm của chính quyền và đồng lòng của người dân.

Theo số liệu từ BHXH tỉnh, đến ngày 30/6/2021, toàn tỉnh có 250.808 người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT và đảm bảo quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg và Ủy ban Dân tộc ban hành Quyết định số 433/QĐ-UBDT ngày 18/6/2021 phê duyệt Danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh bị giảm 105.984 người thuộc 38 xã khu vực III, khu vực II giai đoạn 2016-2020 chuyển sang xã khu vực I giai đoạn 2021-2025 và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới 6 tháng đầu năm 2021 do không được ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHYT. Đến cuối tháng 9/2021, sau khi Ủy ban Dân tộc ban hành Quyết định số 612/QĐ-UBDT phê duyệt Danh sách thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 (thay thế Quyết định số 433), toàn tỉnh có 98.132 người bị cắt giảm thẻ.

Đại diện lãnh đạo Vietcombank Chi nhánh tỉnh Lào Cai trao tặng sổ bảo hiểm xã hội và thẻ bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn của huyện Sìn Hồ.

Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan BHXH, cơ quan tuyên truyền đẩy mạnh tuyên truyền chính sách BHYT tại các xã bị tác động, đến hết tháng 10/2021, toàn tỉnh đã có 9.688 người dân tộc thiểu số chuyển tham gia BHYT sang các nhóm đối tượng khác (người tham gia kháng chiến, cận nghèo, thân nhân công an, học sinh, hộ gia đình…). Vì vậy, số người dân tộc thiểu số bị giảm thẻ còn 88.444 người. Số đối tượng này chưa tham gia BHYT ở nhóm đối tượng tự đóng BHYT do một số nguyên nhân: Đại đa số người dân khó khăn về tài chính và một bộ phận người dân có điều kiện về tài chính nhưng vẫn còn tư tưởng ỷ lại hoặc người dân chưa đi khám bệnh, chữa bệnh, chưa phát sinh chi phí khám nên chưa thấy sự cần thiết của thẻ BHYT.

Có thể thấy, việc cắt giảm thẻ BHYT đột xuất với số lượng đối tượng lớn đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc chăm sóc sức khỏe của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Bởi đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nếu phải chuyển sang tham gia BHYT hộ gia đình (BHYT tự đóng) thì không có điều kiện về tài chính để mua cho tất cả thành viên trong gia đình. Trong khi đó còn phải lo các chi phí cho giáo dục, sinh hoạt gia đình và các chi phí thiết yếu khác, đương nhiên sẽ không còn khả năng mua thẻ BHYT. Điển hình có thể kể đến như huyện Tân Uyên. Theo ông Nguyễn Đức Thịnh - Giám đốc BHXH huyện Tân Uyên, từ khi Quyết định 861 thực thi, tỷ lệ người tham gia BHYT của huyện giảm đáng kể do tất cả các xã đều hoàn thành nông thôn mới (không thuộc khu vực III). Nếu những năm trước đây, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn huyện luôn đạt 70% trở lên thì đến nay con số chỉ còn 43%. Do đó, để nâng cao tỷ lệ này hơn nữa cần sự quyết tâm và đồng lòng rất lớn từ phía người dân.

Thực tế cho thấy, những trường hợp không mua thẻ BHYT nếu không may bị ốm đau, tai nạn rủi ro không được quỹ BHYT chi trả thì nguy cơ tái nghèo rất cao. Mặt khác, việc cắt giảm thẻ BHYT với số lượng lớn đã tác động trực tiếp đến thực hiện mục tiêu bao phủ BHYT tại tỉnh từ 96,8% dân số tham gia BHYT giảm xuống 74,5% (tính đến tháng 7/2021). Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Lai Châu đặt ra chỉ tiêu bao phủ BHYT 95% dân số nhưng sẽ khó khăn và không dễ đạt được.

Thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các cấp đoàn thể chính trị - xã hội đã quan tâm, lãnh, chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển đối tượng như: Ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã; đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng huyện. Tăng cường thông tin, truyền thông chính sách BHXH, BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; đa dạng hóa các hình thức truyền thông như tổ chức hội nghị, tuyên truyền qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền trực quan, tổ chức Lễ ra quân, mở rộng hệ thống các đại lý thu BHXH, BHYT. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 129 đại lý thu BHXH, BHYT; 197 điểm thu và 285 nhân viên đại lý thu. Ngành BHXH cũng thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn cho các đại lý thu, cộng tác viên truyền thông về kiến thức, kỹ năng tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT; trên cơ sở phân loại các nhóm đối tượng, từ đó phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND xã để lập thành các nhóm truyền thông trực tiếp đến tư vấn, hướng dẫn người dân...

Nhờ công tác xã hội hóa, trong những ngày đầu tháng 3 vừa qua, có 590 người dân nghèo tại các huyện: Sìn Hồ, Mường Tè, Nậm Nhùn đã được Vietcombank tặng sổ BHXH, thẻ BHYT (tương đương 804.600 đồng/thẻ; 3.564.000 đồng/sổ), tổng mức hỗ trợ gần 1 tỷ đồng. Những món quà này vô cùng quý giá đối với việc nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm ở tỉnh ta.

Đối với mỗi loại hình bảo hiểm như: BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và BHYT, ngành BHXH xác định từng nhóm giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện. Trong khi chờ đợi các chính sách mới được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn hiện nay trong mở rộng, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm, BHXH tỉnh đã và đang đề nghị tỉnh kiến nghị với Quốc hội tiếp tục hỗ trợ đóng BHYT cho người dân tộc thiểu số ở các xã khu vực III, khu vực II chuyển sang khu vực I để bà con được chăm sóc sức khỏe. Quốc hội quan tâm nghiên cứu bổ sung chính sách cho người dân tộc thiểu số thuộc các xã khu vực III, khu vực II vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 sau khi đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT từ 1-2 năm. Các bộ, ngành liên quan cũng cần nghiên cứu, xem xét và đề xuất các hình thức hỗ trợ giúp các địa phương.

Những giải pháp trên nếu được thực hiện một cách đồng bộ, kịp thời thì các chính sách bảo hiểm mới thực sự là “trụ cột” của hệ thống an sinh xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...