Thứ ba, 21/05/2024, 10:58 [GMT+7]

Củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở ở Lai Châu: Khó khăn còn rất lớn

Thứ sáu, 12/10/2012 - 15:26'
(BCL) - Thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 22/1/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) “Về củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở”, trong 10 năm qua, tỉnh ta đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Song những khó khăn, thách thức trong lĩnh vực này vẫn còn rất lớn.

Kết quả bước đầu

Để cụ thể hoá Chỉ thị 06 của Ban Bí thư, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 66/QĐ-UBND về phê duyệtKế hoạch “Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở Lai Châu giai đoạn 2001 – 2010”; Đềán “Phát trển nhân lực nguồn y tế giai đoạn 2006 – 2010”; Đề án “Đầu tư xây dựng và mua sắm bổ sung trang thiết bị cho hệ thống các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã giai đoạn 2006 – 2010”; Đề án “Xây dựng trạm y tế xã giai đoạn 2006 – 2010 và tầm nhìn 2015”. Nhờ đó, đãtừng bước đảm bảo các điều kiện trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân các dân tộc. Đồng thời, góp phần tạo sự công bằng trong hưởng thụ chăm sóc y tế giữa các vùng, đặc biệt các xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.

Một ca mổ mật tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Theo đó, đến nay, 7/7 huyện, thị, 103 xã, phường, thị trấn có Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân, có trung tâm y tế và phòng y tế; 6/7 huyện thị có bệnh viện huyện; 96/103 xã cơ bản có trang thiết bị y tế thông thường, có nhà làm việc (từ năm 2004 đến nay toàn tỉnh đã xây mới 45 trạm y tế xã) phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Hiện,ngành Y tế cũng đã xây dựng kế hoạch mua sắm bổ sung thiết bị cho 78 trạm y tế xã đạt chuẩn và dự kiến đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 – 2015, với tổng vốn đầu tư trên 80 tỷ đồng.

Cùng với sự quan tâm về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thì nguồn nhân lực cũng được đầu tư thích ứng. Từ Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực ngành y tế giai đoạn 2005 – 2010”, ngành Y tế đã cử trên 600 cán bộ đi học nâng cao trình sộ, chuyên môn, nghiệp vụ; trong đó có 75 cán bộ học sau đại học, 504 cán bộ học đại học, 21 cao đẳng, trung cấp khác. Từ năm 2004 – 2011, ngành Y tế mở 10 lớp đào tạo cho cán bộ là trưởng, phó, cán bộ các trạm y tế xã.

Mạng lưới y tế dự phòng được củng cố, chủ động và tăng cường công tác giám sát, khống chế không để dịch bệnh xảy ra, kịp thời ứng phó với các vấn đề sức khỏe liên quan đến thiên tai; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tại cơ sở; tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát chất lượng ATVSTP tại các huyện, thị. Từ năm 2002 đến nay,các chương trình mục tiêu y tế quốc gia đều đạt kết quả tốt, hiệu quả. Các bệnh truyền nhiễm được kiểm soát, dịch tiêu chảy cấp, dịch sốt xuất huyết… được phát hiện kịp thời và xử lý triệt để.

Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ người nghèo, người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội, bà mẹ, trẻ em được quan tâm đúng mức… Nhiều năm liền trên địa bàn toàn tỉnh không có dịch lớn xảy ra, tỷ lệ mắc và chết do một số bệnh truyền nhiễm giảm rõ rệt…

Còn nhiều khó khăn

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa. Trong đó, khó khăn đầu tiên phải kể đến là số bác sỹ về tuyến xã công tác đạt rất thấp. Đến thời điểm này, toàn tỉnh còn trên 95% số trạm y tế xã chưa có bác sỹ về công tác. Và việc đưa bác sỹ về tuyến xã công tác vẫn là điều xa vời vì ngay ở trung tâm y tế huyện cũng chưa đủ số bác sỹ theo quy định.

Cán bộ Trạm Y tế xã Bản Bo (Tam Đường) chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Cùng với đó, phần lớn các trạm y tế xây dựng chưa đảm bảo các tiêu chuẩn quốc gia về y tế xã, toàn tỉnh vẫn còn 7 trạm y tế chưa có trụ sở hoạt động. Trang thiết bị tại các trạm phần lớn chưa đủ theo danh mục của Bộ Y tế, một số trang thiết bị chuyên khoa cơ bản để phục vụ khám chữa bệnh ban đầu đã bị hư hỏng hoặc không có.

Điển hình như Trạm Y tế xã Sùng Phài (huyện Tam Đường) hiện đang hoạt động nhờ trụ sở UBND xã (cũ), sau nhiều năm sử dụng, đến nay đã rạn nứt, mốc meo. Thoạt nhìn không ai nghĩ đây là nơi chăm sóc sức khỏe cho toàn thể nhân dân trong xã. Chị Đào Thị Thu Hà - Trạm trưởng Trạm Y tế xã cho biết: “Đến thời điểm này, Trạm vẫn đang phải hoạt động nhờ trong dãy nhà 4 gian tiếp quản từ trụ sở UBND xã Sùng Phài (cũ) với tổng diện tích sử dụng chưa đầy 100m2. Do thời gian sử dụng đã lâu nên cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, mái thấm dột, tường nứt thành từng mảng. Dù đã được hỗ trợ một phần kinh phí sửa chữa mái và hệ thống điện, nhưng thực tế vẫn không cải thiện được là bao”.

Ngoài ra, chế độ ưu đãi cho cán bộ y tế về tuyến xã công tác chưa thỏa đáng nên chưa thu hút được cán bộ có tay nghề cao. Đội ngũ y tế thôn bản chưa qua đào tạo chuyên môn dài hạn nên công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân có phần còn hạn chế.

Một khó khăn nữa là đến hết năm 2011, toàn tỉnh có 57 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã nhưng trong cuộc rà soát mới đây của Sở Y tế căn cứ theo Bộ Tiêu chí chuẩn Quốc gia mới thì hết quý II năm 2012, tỉnh ta vẫn chưa có xã nào đạt chuẩn.

Một số địa phương, cấp ủy, chính quyền còn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của y tế cơ sở, nên có nhiều Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân hoạt động mang tính hình thức, với tâm lý "giao khoán" trách nhiệm cho ngành Y tế. Mô hình tổ chức y tế cơ sở có nhiều biến động, dẫn đến nhiều đơn vị y tế hoạt động trong tình trạng thiếu cán bộ, nguồn lực bị phân tán, dẫn đến kém hiệu quả.

Trong chuyến công tác mới đây, tôi được nghe tâm sự của một bác sỹ trẻ được tăng cường về trạm y tế xã công tác nói: “Khi về đến trạm y tế xã thấy chẳng có phương tiện, trang thiết bị gì để phục vụ công tác chuyên môn, chúng tôi cũng không biết hoạt động thế nào. Không lẽ có bác sỹ về xã mà lúc nào cũng phải “chuyển tuyến” cho người bệnh, không chuyển tuyến thì không xử lý được vì thiếu cả thuốc lẫn dụng cụ y tế…?”.

Vì vậy, để nâng củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, nếu chỉ trông chờ vào ngành Y tế thì rất khó thực hiện, cần có sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, đặc biệt sự vào cuộc của cả cộng đồng trong công tác xã hội hóa y tế. Có như vậy mới đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Tân Văn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...