Thứ sáu, 03/05/2024, 10:38 [GMT+7]

Cử tri hỏi – UBND tỉnh trả lời

Thứ sáu, 31/10/2014 - 18:48'
(BLC) – Trong các kỳ tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh, nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được UBND tỉnh trả lời. Báo Lai Châu Online gửi tới bạn đọc một số vấn đề đang được cử tri quan tâm.

Đồng chí Nguyễn Khắc Chử - Chủ tịch UBND tỉnh

Cử tri Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đề nghị:

1. UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn có liên quan, UBND các huyện, thành phố rà soát và đánh giá lại chất lượng công tác phổ cập giáo dục trên địa bàn, hiện nay nhiều công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự không biết chữ.

UBND tỉnh trả lời:

Công tác rà soát và đánh giá chất lượng phổ cập giáo dục trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện thường xuyên. Định kỳ 6 tháng và cả năm, UBND tỉnh đều có báo cáo HĐND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.

2. Về việc có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với công dân đến tuổi nhưng trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.

UBND tỉnh trả lời:

Luật Nghĩa vụ quân sự đã quy định cụ thể các chế tài nghiêm khắc đối với các trường hợp không chấp hành nghĩa vụ quân sự.

Điều 69 Luật Nghĩa vụ quân sự quy định: Người nào vi phạm các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, gọi quân nhân dự bị tập trung huấn luyện; lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái hoặc cản trở việc thực hiện các quy định trên đây hoặc vi phạm các quy định khác của Luật này, thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Quân nhân nào vi phạm các quy định về việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, về việc xuất ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ, về chế độ, quyền lợi của quân nhân hoặc vi phạm các quy định khác của Luật này, thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị xử lý theo Điều lệnh kỷ luật của quân đội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi và hình thức xử phạt cụ thể được quy định tại Nghị định số 120/NĐ-CP của Chính phủ.

3. Chỉ đạo các ngành, các cấp kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm chế độ chính sách đối với Nhân dân tái định cư các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh, tạo sinh kế lâu dài cho người dân.

UBND tỉnh trả lời:

Công tác di dân, tái định cư các dự án thuỷ điện luôn được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo. Tỉnh Lai Châu phải thực hiện di dân, tái định cư nhiều dự án thuỷ điện lớn như: thuỷ điện Sơn La (3.654 hộ), thuỷ điện Lai Châu (1.925 hộ), thuỷ điện Huổi Quảng (1.484 hộ), thuỷ điện Bản Chát (5.728 hộ), do đó không tránh khỏi các thắc mắc, kiến nghị của các hộ dân về thực hiện chế độ chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo các ngành, các cấp, các chủ đầu tư kiểm tra, rà soát nhằm giải quyết dứt điểm chế độ chính sách đối với Nhân dân tái định cư, đồng thời tiếp tục kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương và Chính phủ sớm ban hành các chính sách tạo sinh kế lâu dài và ổn định cho người dân vùng tái định cư.

4. Về việc đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh trả lời:

Thực hiện Nghị quyết số 30/2012/QH13 ngày 21/6/2012 của Quốc hội khóa XIII, Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ,Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 11/4/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 13/9/2012 về đẩy mạnh cấp giấy chứng nhận để cơ bản hoàn thành trong năm 2013; Quyết định số 402/QĐ-UBND ngày 17/4/2013 về việc phê duyệt kế hoạch cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất năm 2013 trên địa bàn tỉnh Lai Châu, với các nhóm giải pháp là tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc; thực hiện giải pháp đo đạc bản đồ địa chính chính quy theo dự án tổng thể; đo đạc thủ công bằng máy GPS cầm tay để lập hồ sơ địa chính cấp giấy chứng nhận; rà soát đo đạc đất lâm nghiệp do UBND xã quản lý chưa cấp giấy chứng nhận để giao, cấp giấy chứng nhận cho Ban quản lý rừng phòng hộ các huyện; tạm ứng ngân sách địa phương cho công tác cấp giấy chứng nhận.

Với sự cố gắng, quyết tâm của các cấp, các ngành, năm 2013 toàn tỉnh đã nâng tỷ lệ cấp giấy chứng nhận từ 58,3%, cuối năm 2012 lên 88,93% vào cuối năm 2013, vượt 7,93% so với chỉ tiêu kế hoạch được giao. Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh vẫn còn 02 loại đất chưa đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội (đất ở nông thôn 83,88%; đất ở đô thị 71,63% diện tích cần cấp), do đó ngày 07/04/2014 UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 461/UBND-TN về việc tiếp tục đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận theo Nghị quyết của Quốc hội, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức cử cán bộ chuyên môn kết hợp với các huyện, thành phố để kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện kế hoạch năm 2014.

5. Rà soát, đánh giá lại hiệu quả sau đầu tư đối với các dự án, công trình thuộc nguồn vốn nhà nước:

UBND tỉnh trả lời:

Hàng năm, UBND tỉnh đều chỉ đạo các cấp, các ngành, các chủ đầu tư tổ chức đánh giá hiệu quả sau đầu tư đối với các công trình, dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước. Qua thanh, kiểm tra hầu hết các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước đều đã phát huy được hiệu quả đầu tư.

Một góc thành phố Lai Châu hôm nay.

Cử tri ngành Giáo dục đề nghị:

UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan rà soát đối tượng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được hưởng chính sách thu hút theo Thông tư Liên tịch số 35/2013/TTLT – BGD&ĐT – BNV – BTC, ngày 19/9/2013 của liên bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện khoản 1 và khoản 2 Điều 1 Nghị định số 19/2013/NĐ – CP ngày 23/2/2013 của Chính phủ và sớm triển khai thực hiện chính sách để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, giáo viên trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh trả lời:

Ngày 20/5/2014, Sở Tài chính đã có Công văn số 263/STC-NS về việc hướng dẫn lập nhu cầu kinh phí thực hiện Nghị định số 19/2013/NĐ-CP, yêu cầu các ngành, các huyện, thành phố lập nhu cầu gửi về Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính xét duyệt, bổ sung kinh phí.

Tuy nhiên, trong quá trình tổng hợp, xác định đối tượng tại địa phương đã xảy ra một số vướng mắc không đúng theo quy định tại Thông tư Liên tịch. Sở Tài chính đã có Công văn số 412/STC-NS ngày 04/7/2014 gửi Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị hướng dẫn và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời tại Công văn số 3747/BGDĐT-TCCB ngày 18/7/2014.

Đến ngày 28/7/2014, UBND tỉnh đã có Báo cáo số 177/BC-UBND trình Bộ Tài chính nhu cầu kinh phí thực hiện Nghị định số 19/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được Bộ Tài chính bổ sung kinh phí để thực hiện.

Cử tri thành phố Lai Châu đề nghị:

UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện cấp Giấy phép hoạt động cho các doanh nghiệp cần đảm bảo thủ tục về cam kết bảo vệ môi trường; quản lý chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về môi trường trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

UBND tỉnh trả lời

Luật Bảo vệ môi trường không quy định khi cấp phép hoạt động cho doanh nghiệp cần có thủ tục về bảo vệ môi trường mà quy định các đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường và được cụ thể hoá tại Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ quy định về đáng giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường trong đó quy định danh mục các dự án đầu tư, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường trước khi thực hiện đầu tư sản xuấ kinh doanh.

Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và các Nghị định hướng dẫn, đến nay UBND tỉnh đã phê duyệt 63 báo cáo Đánh giá tác động môi trường, UBND các huyện, thành phố đã phê duyệt, xác nhận 518 cam kết bảo vệ môi trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát các chủ dự án đầu tư thuộc đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh, hạn chế nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường; qua đó nhận thức về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân được nâng lên; việc xử lý chất thải ở các cơ sở sản xuất kinh doanh có nhiều tiến bộ, một số doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng các công trình xử lý chất thải góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên qua hoạt động kiểm tra, hiện tại trên địa bàn tỉnh vẫn còn có dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh hoạt động chưa tuân thủ quy định về lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường; ý thức của một số chủ dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh về bảo vệ môi trường chưa cao.

Để làm tốt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; giải quyết các tồn tại trên, đồng thời tăng cường quản lý chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường tại các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất kinh doanh; thời gian tới UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thành phố:

+ Chỉ cấp phép đầu tư đối với các dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh khi đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường.

+ Rà soát, đôn đốc các cơ sở sản xuất kinh doanh đang hoạt động khẩn trương lập đề án bảo vệ môi trường chi tiết hoặc đơn giản trình cấp có thẩm quyền thẩm định phê duyệt/xác nhận.

+ Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn; kiểm tra việc vận hành hệ thống xử lý chất thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh sau báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường được phê duyệt.

Cử tri huyện Sìn Hồ:

1. Cử tri xã Pa Tần đề nghị UBND tỉnh đầu tư xây kè khu vực các bản Cầu Phà, Pa Tần 1,2,3 chống sạt lở ruộng, khu dân cư và Quốc lộ 12; xây kè chống xói lở khu ruộng thuộc các bản Pá Tóng, Pá Tiến, Pá Nậm.

UBND tỉnh trả lời:

Thực hiện Luật đầu tư công, tất cả các dự án đầu tư xây dựng đều phải được nghiên cứu khả thi và đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.

2.  Sớm hoàn thành thi công tuyến đường Tà Ghênh – Nậm Mạ Dao – Nậm Mạ Thái – Lùng Cù – Trung tâm xã Ma Quai và tuyến đường thành phố Lai Châu – Nậm Tăm.

UBND tỉnh trả lời:

- Về tuyến đường Nùng Nàng – Nậm Tăm (không phải đường thành phố Lai Châu – Nậm Tăm): UBND tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư đôn đốc các nhà thầu tập trung máy móc, thiết bị, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng. Đến nay công trình đã thi công xong toàn bộ phần nền đường và đã rải được trên 60% khối lượng mặt đường. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong quý II năm 2015.

- Tuyến đường Tà Ghênh – Nậm Mạ Dao – Nậm Mạ Thái – Lùng Cù – Trung tâm xã Ma Quai: Do năng lực nhà thầu yếu kém, cùng với khó khăn của nền kinh tế nên công trình bị đình trệ lâu ngày. UBND tỉnh đã nhiều lần chỉ đạo chủ đầu tư giải quyết, tháo gỡ. Theo báo cáo của chủ đầu tư, hiện nay nhà thầu thi công đang làm thủ tục để tiếp tục thi công trả nợ khối lượng.

Cử tri xã Bản Giang, huyện Tam Đường đề nghị:

UBND tỉnh bố trí đủ nguồn vốn để huyện thực hiện hỗ trợ giống lúa theo Quyết định số 29/2013/QĐ – UBND, ngày 29/10/2013 của UBND tỉnh quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 – 2016.

UBND tỉnh trả lời:

- Việc bố trí nguồn vốn để thực hiện hỗ trợ giống lúa theo Quyết định số 29/2013/QĐ-UBND ngày 29/10/2013 của UBND tỉnh được thực hiện theo nguyên tắc sau: Chỉ hỗ trợ những nội dung về sản xuất nông nghiệp mà nông dân gặp khó khăn, làm kém hiệu quả. Chính sách hỗ trợ phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của tỉnh. Lồng ghép nguồn vốn từ ngân sách địa phương, các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn có cùng mục tiêu, nội dung hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.

- Điều kiện được hỗ trợ: Có nhu cầu, đăng ký và có cam kết thực hiện theo quy trình kỹ thuật canh tác lúa, đồng thời thực hiện cơ cấu giống gieo trồng theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngoài ra đối với sản xuất lúa lai tại những vùng có điều kiện thâm canh (những chân ruộng chủ động nước tưới, có điều kiện đầu tư phân bón).

Năm 2014 UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ chi tiết hỗ trợ giống Lúa cho huyện Tam Đường diện tích 2.688ha, khối lượng 105,64kg, kinh phí 5.283 triệu đồng (tại Quyết định số 188/QĐ-UBND ngày 04/3/2014 của UBND tỉnh Lai Châu) đã đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ, điều kiện được hỗ trợ theo Quyết định số 29/2013/QĐ-UBND ngày 29/10/2013 và cơ cấu giống tại hướng dẫn số 497/HD-SNN ngày 25/11/2013 của Sở Nông nghiệp và PTNT (lúa Lai 50%, lúa thuần 40% và lúa địa phương 10%).

Như vậy, với việc giao chỉ tiêu và nhiệm vụ hỗ trợ sản xuất lúa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa trên địa bàn huyện Tam Đường, UBND tỉnh đã bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện hỗ trợ giống lúa theo chính sách tại Quyết định số 29/2013/QĐ-UBND ngày 29/10/2013 của UBND tỉnh quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2016.

Cử tri xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên đề nghị:

UBND tỉnh đầu tư thi công đoạn tuyến (dài 5km) thuộc tuyến đường Nậm Cần - Nậm Sỏ - Noong Hẻo (Sìn Hồ) phục vụ nhu cầu thông thương, đi lại của Nhân dân.

UBND tỉnh trả lời:

UBND tỉnh đã bố trí kế hoạch vốn để triển khai xây dựng công trình tại Quyết định số 225/QĐ-UBND ngày 14/3/2014, giao UBND huyện Sìn Hồ tổ chức triển khai thực hiện. Đến nay, UBND huyện Sìn Hồ đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư để khởi công xây dựng.

Cử tri xã Hua Nà, huyện Than Uyên kiến nghị:

Xã Hua Nà được thành lập theo Nghị định số 41/2008/NĐ-CP ngày 04/8/2008 của Chính phủ về việc Điều chỉnh địa giới hành chính xã để thành lập xã, thị trấn thuộc huyện Than Uyên, huyện Tam Đường, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu với diện tích tự nhiên là 2.555,40ha và 2.529 nhân khẩu. Tuy nhiên, theo Quyết định số 151/2012/QĐ-UBND ngày 06/02/2012 của UBND tỉnh Lai Châu về công bố kết quả kiểm kê đất đai năm 2010 tỉnh Lai Châu thì diện tích tự nhiên của xã Hua Nà chỉ có 2.164,27ha, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra, rà soát lại.

UBND tỉnh trả lời:

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra, rà soát. Kết quả: Tại Quyết định số 151/2012/QĐ-UBND ngày 06/02/2012 của UBND tỉnh về công bố kết quả kiểm kê đất đai năm 2010 tỉnh Lai Châu thì diện tích tự nhiên của xã Hua Nà là 2.164,27ha, chênh lệch 391,13ha so với diện tích 2.555,4ha được công bố tại Nghị định số 41/2008/NĐ-CP ngày 04/8/2008 của Chính phủ.

Nguyên nhân: Khi thực hiện chia tách địa giới hành chính đã sử dụng bản đồ 364 ở tỷ lệ 1/50.000 độ chính xác không cao. Còn kết quả kiểm kê đất đai đã sử dụng bản đồ địa chính cơ sở tỷ lệ 1/10.000 được nhà xuất bản bản đồ - Bộ Tài nguyên và Môi trường biên tập và cung cấp cho toàn quốc có độ chính xác cao hơn, đường địa giới được chuẩn hoá lại có khác ranh giới bản đồ số hoá 364 nên diện tích của một số xã có sự thay đổi, trong đó có xã Hua Nà.

P.V

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...