Thứ hai, 20/05/2024, 18:28 [GMT+7]

Chủ động ứng phó với mưa dông, lũ quét và sạt lở đất

Thứ tư, 19/07/2023 - 06:52'
(BLC) - Thời điểm này đang là cao điểm của mùa mưa, với điều kiện địa hình đặc thù miền núi và diễn biến thời tiết phức tạp, nguy cơ cao trên địa bàn xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại một số khu vực vùng núi và ngập úng tại khu vực vùng trũng, thấp. Nhất là vừa qua, nhiều nơi ở huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Than Uyên có mưa to, rất to. Vì vậy, tỉnh Lai Châu đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN).

Những năm qua, công tác PCTT&TKCN luôn được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm, chú trọng thực hiện bằng các giải pháp chủ động, sáng tạo, linh hoạt. Hàng năm, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, gồm: chỉ thị, công điện, các văn bản chỉ đạo về phòng chống rét đậm, rét hại, mưa lũ, sạt lở đất. Kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp; duy trì các đội xung kích thôn, bản nhằm thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”.

Các địa phương tổ chức tốt diễn tập PCTT&TKCN trước mùa mưa lũ với các tình huống thiên tai giả định. Đẩy mạnh thông tin về dự báo thời tiết, tình hình thiên tai qua các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng các công trình phòng chống thiên tai, sắp xếp dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở.

1

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 5 cuộc diễn tập cấp huyện và 54 cuộc diễn tập cấp xã. Trồng mới trên 5.000ha rừng, góp phần giảm thiểu lũ quét, sạt lở đất. Thực hiện 55 dự án phòng chống thiên tai, sắp xếp nơi ở mới cho 1.638 hộ dân. Sở Giao thông - Vận tải và UBND các huyện đã tổ chức cắm trên 200 biển cảnh báo.

Với sự chủ động của các cấp, các ngành và Nhân dân đã góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, mưa lũ gây ra qua các năm. Chỉ tính riêng từ tháng 1 đến tháng 7/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 đợt rét đậm, rét hại; 5 đợt mưa lớn, dông, lốc; 1 trận động đất. Làm 2 người bị thương, 427 ngôi nhà bị ảnh hưởng; trên 830ha cây trồng các loại bị gãy, dập; 4 điểm trường, phòng học bị ảnh hưởng một phần; số tuyến đường giao thông bị sạt lở, ước khối lượng trên 31.600m3. Tổng thiệt hại trên 35 tỷ đồng.

Đối với tỉnh Lai Châu, các tháng: 6, 7, 8 được coi là cao điểm của mùa mưa, gây lũ quét, sạt lở đất. Cùng với đó, hiện nay, diễn biến dông, lốc, mưa đá, mưa lớn... xảy ra bất thường, khó dự báo. Đặc biệt, miền Bắc nước ta đang chịu ảnh hưởng lớn của cơn bão số 1 (tên quốc tế là TALIM), với sức gió mạnh giật cấp 13-14 tại vùng trung tâm của bão. Theo thông tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong và sau hoàn lưu cơn bão số 1, từ ngày 19/7, khu vực Tây Bắc (trong đó có Lai Châu) có mưa to, tổng lượng mưa từ 100-200mm, cảnh báo nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra.
Nhằm chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Lương yêu cầu: Các sở, ngành thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính Phủ, các chỉ thị, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh về ứng phó với cơn bão số 1 và mưa lũ sau bão. Chủ động nắm bắt tình hình diễn biến mưa bão ở các huyện, có phương án cho các tình huống có thể xảy ra.

Trước đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã ra Công văn số 06 ngày 14/7/2023 về việc chủ động ứng phó với mưa dông, lốc, sét, lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn tỉnh. Trong đó yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố thực hiện một số nội dung: Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết; chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát, sẵn sàng các phương án chủ động ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”; tập trung rà soát các điểm dân cư nằm trong vùng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất...

2

Đặc biệt, hiện nay, các địa phương trong tỉnh tăng cường thông tin tới người dân về tình hình mưa, lũ có thể xảy ra. Đồng thời đưa ra những khuyến cáo tới người dân: Thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết; khẩn trương di dời ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét; ngắt các thiết bị điện, kê đồ vật lên cao; không đi qua ngầm tràn, cầu hoặc đường giao thông khi lũ về; không vớt củi ở ven sông, suối khi nước lũ dâng cao.

3

Người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng núi cao, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất cũng đang tích cực chằng chống nhà cửa; thu hoạch ngô, hoa màu sớm theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; dự trữ thức ăn, đảm bảo chuồng trại kiên cố cho vật nuôi.

Tin rằng, với những giải pháp trên sẽ góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản. Để Nhân dân trong tỉnh yên tâm lao động, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Đinh Đông - Ngọc Duy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...