Chủ nhật, 19/05/2024, 20:39 [GMT+7]

Chủ động phòng, chống thiên tai

Thứ năm, 15/07/2021 - 10:04'
Phòng, chống thiên tai, UBND huyện Nậm Nhùn tăng cường chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền, vận động người dân chủ động các phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Nậm Nhùn là huyện vùng cao biên giới của tỉnh có tổng diện tích tự nhiên 138.909,8ha gồm 11 xã, thị trấn với dân số trên 27 nghìn người. Nếu mưa lớn kéo dài, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét trên địa bàn rất cao, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân cũng như tài sản Nhà nước. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, do mưa lớn kết hợp gió lốc, trên địa bàn huyện có 4 người bị thương, 68 nhà dân bị tốc mái, 30ha xoài bị rụng trên 90% quả và nhiều cây cối hoa màu khác bị ảnh hưởng.

Lãnh đạo xã Hua Bum (huyện Nậm Nhùn) dẫn phóng viên xem địa điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét thuộc bản Chang Chảo Pá.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện xác định, các địa điểm dễ xảy ra mưa đá, gió lốc là các bản: Tổng Pịt, bản Cang, Hát Mé, cụm Nậm Hài (xã Mường Mô); Trung Chải, Nậm Sảo 1, 2, Nậm Nó 2 (xã Trung Chải); Huổi Mắn, Huổi Só, Huổi Dạo (xã Nậm Chà); Nậm Pồ, Huổi Chát (xã Nậm Manh) và một số bản vùng cao thuộc 2 xã: Pú Đao, Lê Lợi. Khu vực trọng yếu thường xảy ra lũ ống, lũ quét, nước dâng là các bản: bản Giẳng (xã Mường Mô); Nậm Ty, Huổi Van 2, Huổi Pết, Nậm Cầy (xã Nậm Hàng); Nậm Manh, Nậm Pồ, Nậm Nàn (xã Nậm Manh); Pa Mu, Chang Chảo Pá (xã Hua Bum); Nậm Ô, Pa Pảng (xã Nậm Ban). Về trượt, lở, sụt lún đất, đá, các xã có nguy cơ cao gồm: Nậm Ban, Hua Bum, Trung Chải, Pú Đao... Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Nhùn, năm 2021 trên địa bàn huyện có tổng số 99 hộ với 292 nhân khẩu cần di chuyển ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét. Đến thời điểm này có 43 hộ đã di chuyển, 56 hộ chưa di chuyển được.

Mùa mưa còn kéo dài, tình hình mưa lũ được dự báo khó lường hơn. UBND huyện Nậm Nhùn tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn duy trì trực 24/24 giờ, kịp thời chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra; tuyên truyền Nhân dân gia cố lại nhà, di chuyển ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai. Đồng thời, nâng cao năng lực ứng phó, xử lý khi xảy ra thiên tai từ huyện đến các xã. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống, ứng phó với thiên tai ở các khu vực xung yếu, đông dân cư. Phối hợp với các đơn vị, các tổ chức tập huấn kiến thức về quản lý rủi ro thiên tai cho cộng đồng địa phương. Đầu tư, duy tu, đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng xây dựng các dự án, công trình trọng điểm về phòng, chống lũ lụt, sạt lở, thủy lợi để bảo vệ dân cư và ổn định sản xuất, kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ các dự án sắp xếp dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ sạt trượt, lũ ống, lũ quét. Bổ sung các phương tiện, trang thiết bị hiện đại, đủ công năng, công suất đáp ứng yêu cầu tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Huy động các nguồn lực tài chính cho công tác PCTT&TKCN, cứu hộ. Thực hiện xã hội hóa, phát huy tốt phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, phát huy tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Với những xã có hồ, đập nước, Ban chỉ đạo cấp xã phải thường xuyên tiến hành kiểm tra, nếu có hư hỏng báo cáo kịp thời lên Ban chỉ đạo huyện có phương án sữa chữa kịp thời nhằm đảm bảo an toàn công trình cũng như các khu dân cư ở khu vực hạ lưu. Tất cả các lực lượng: quân đội, công an huyện, y tế, các phòng, ban, đoàn thể huyện cũng sẵn sàng cử người, phương tiện tham gia PCTT&TKCN.

Ông Đỗ Văn Thắng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Nhùn, đơn vị thường trực của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện cho biết: Phòng đã xây dựng nhiều văn bản tham mưu cho UBND huyện để chỉ đạo các phòng, ban, xã, thị trấn về công tác PCTT&TKCN trên địa bàn; tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo cấp huyện và xã. Cụ thể, tổ chức diễn tập PCTT&TKCN cho thành viên Ban chỉ đạo huyện và tất cả các xã, thị trấn. Trong thời gian tới phòng tiếp tục theo dõi thông tin về tình hình thời tiết, các khu vực có nguy cơ thiệt hại do thiên tai để chủ động huy động các lực lượng đối phó với các tình huống có thể xảy ra; rà soát các hộ nằm trong khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, có biện pháp hỗ trợ di chuyển kịp thời.

Mùa mưa đã đến và theo dự báo trong năm nay sẽ còn nhiều cơn bão đổ bộ vào nước ta kèm theo mưa lớn, vì vậy việc chủ động phòng, chống thiên tai của huyện Nậm Nhùn sẽ góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.

Nguyễn Tùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...