Thứ bảy, 18/05/2024, 12:45 [GMT+7]

Chung tay phòng chống bệnh dại

Thứ hai, 18/01/2016 - 03:22'
(BLC) – Năm 2015, toàn tỉnh có 1.136 người người đến tiêm vắc xin phòng dại, 2 người tử vong do bệnh dại. Mặc dù số người đến tiêm phòng, số ca tử vong do bệnh dại giảm so với năm 2014, song theo nhận định của Sở Y tế, bệnh dại vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát ở khắp các địa phương trong tỉnh. Mặc dù ngành y tế đã tích cực vào cuộc song vẫn rất cần sự phối hợp của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban ngành và của mỗi người dân trong phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Theo quan sát của phóng viên, tại các địa phương trong tỉnh, tình trạng chó mèo thả rông vẫn rất phổ biến. Một phần nguyên nhân là do tâm lý chủ quan của người dân, nhận thức của bà con về bệnh dại còn nhiều hạn chế. Thành phố Lai Châu – một trong những địa phương khá quyết liệt trong đẩy mạnh các biện pháp truyền thông nâng cao nhận thức cho Nhân dân về bệnh dại, rà soát số lượng chó nuôi, tiêm phòng cho đàn chó, thậm chí thành lập các đoàn kiểm tra, tiêu diệt chó thả rông. Tuy nhiên, do ý thức của người dân vẫn duy trì tình trạng thả rông chó, không tự giác tiêm phòng dại cho chó mèo theo đúng qui định nên chỉ vào những lúc cao điểm bùng phát bệnh dại thì bà con mới thực hiện, sau đó lại đâu vào đấy. Chị Giàng Thị Mẩy ở xã Nậm Loỏng, thành phố Lai Châu kể lại, mình vừa đi làm về đến gần nhà thì bị con chó lạ từ đâu lao ra cắn vào chân, mình đã đi tiêm phòng bệnh dại song bây giờ ra đường mình vẫn rất sợ chó. Mình mong các hộ gia đình nên nuôi nhốt chó, không nên thả rông ra đường tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Cán bộ Trạm Thú y huyện Sìn Hồ bảo quản vắc xin tiêm phòng trên đàn chó, mèo.

Trước thực trạng trên các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, nhất là các đối tượng đồng bào dân tộc ở vùng sâu vùng xa nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phòng chống bệnh dại. Các địa phương cũng đã mở rộng và tăng cường các điểm tiêm vắc xin phòng dại; tăng cường phối hợp, rà soát, tuyên truyền và vận động các trường hợp bị chó nghi dại cắn đi tiêm phòng đầy đủ. Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cũng dự trữ nguồn vắc xin đảm bảo cung cấp đủ liều vắc xin dại cho các đối tượng tiêm chủng; tăng cường công tác giám sát phát hiện sớm các ổ dịch dại, xử lý triệt để các ổ dịch dại trên người và động vật.

Bác sỹ Hoàng Hải Hưng – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết: “Vi-rút Dại tập trung ở chất dãi của chó. Sau khi bị chó dại cắn, thời gian ủ bệnh có thể từ 5 ngày đến nhiều năm sau tùy theo vị trí, số lượng vết cắn gần hoặc xa thần kinh trung ương. Chó bị bệnh dại ở thể điên cuồng thường hay đớp, cắn lung tung; cắn xé bất cứ vật gì, con gì trên nó gặp cho tới khi chết. Chó bị bệnh Dại ở thể câm thường bỏ ăn, nằm im nên nhiều người thường nghĩ bị ốm, khi chất dãi của chó dại tiếp xúc với các vết thương hở ở da và niêm mạc sẽ bị lây bệnh. Vi-rút dại xâm nhập vào cơ thể, phát triển tại chỗ rồi theo đường dây thần kinh đi lên não bộ và gây tổn thương não, gây ra bệnh dại với các triệu chứng sợ tiếng động, sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng; bỏ ăn, co cứng cơ, co giật và tử vong do liệt, ngưng thở, ngưng tim và chết. Vì vậy, người khi bị chó, mèo cắn cần rửa ngay vết cắn bằng nước xà phòng đặc, sau đó rửa bằng nước muối, bôi chất sát khuẩn như: cồn, cồn i ốt để làm giảm lượng vi rút tại vết cắn. Đồng thời đến các cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng dại hoặc dùng cả vắc xin và cả huyết thanh kháng dại”.

Đến ngày 25/12/2015 toàn tỉnh có 1.136 người người đến tiêm vắc xin phòng dại (giảm 15,3% so với cùng kỳ 2014). Trong đó: thành phố Lai Châu: 155 người; Tam Đường: 193 người; Phong Thổ: 218 người; Sìn Hồ: 162 người; Than Uyên: 76 người; Tân Uyên: 219 người; Mường Tè: 101 người; Nậm Nhùn: 12 người. Có 2 ca tử vong do bệnh dại (giảm 1 ca so với cùng kỳ 2014).

Mặc dù cơ quan chức năng đã nỗ lực vào cuộc nhưng để khống chế, tiến tới tiêu diệt bệnh dại rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Đặc biệt là việc nuôi nhốt gia súc, tránh những nỗi đau thương tâm do bệnh dại gây ra.

Hoàng Anh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...