Chủ nhật, 19/05/2024, 02:46 [GMT+7]

Gas tăng giá: Khó khăn cho người thu nhập thấp

Thứ sáu, 09/03/2012 - 09:35'
 (BLC) - Chưa hết nỗi lo về điện, xăng tăng giá, người dân Lai Châu và đặc biệt là các hộ dân nghèo, công chức, người làm công ăn lương thuần tuý lại thêm một nỗi lo về gas tăng giá.  

Từ đầu năm đến nay giá gas đã biến động tới 5 lần, trong đó 4 lần biến động đều là tăng giá (tăng từ 370 nghìn đồng lên gần 498 nghìn đồng) và một lần giảm giá. Sự biến động này đã tác động không nhỏ tới sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh nói chung và ở thị xã Lai Châu nói riêng.

Nhân viên cửa hàng gas (Chi nhánh Xăng dầu Lai Châu - Công ty Xăng dầu Lào Cai) kiểm kê gas.

Chiều ngày 7/3, theo khảo sát của phóng viên Báo Lai Châu giá gas bán lẻ loại bình 12kg đã tăng đáng kể so với thời điểm cuối năm 2011. Cụ thể, giá gas của các đại lý bán lẻ là 480 nghìn đồng/bình, trong khi đó Cửa hàng bản lẻ và phân phối gas của Petrolimex (Công ty Xăng dầu Lào Cai - chi nhánh Lai Châu) lại có giá cao hơn: 497.400 đồng/bình. Với mức giá này nhiều người rụt rè, thậm chí có người tạm thời “đoạn tuyệt” với bếp gas để tiết kiệm chi phí.

Những đối tượng chịu tác động lớn nhất của sự biến động của giá cả thị trường là những người nghèo, thu nhập thấp, người làm công ăn lương và một lực lượng không nhỏ học sinh, sinh viên trọ học xa nhà.

Ga tăng giá, nhiều người dân chuyển sang sử dụng bếp củi .

Tại một cửa hàng đồ điện tử, em Châu Thị Lả - sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu cẩn thận đọc đi đọc lại những thông số của một chiếc chảo điện mà vẫn cân nhắc chưa ngã giá. Không giấu vẻ ưu tư, Lả cho biết: “Vẫn biết nấu ăn bằng gas thì tiết kiệm thời gian và sạch sẽ nhưng giá gas đã đắt lại liên tục tăng giá thế này sinh viên chúng em không kham nổi. Một tháng bố mẹ tằn tiện, bán thóc, bán gà gửi được có hơn một triệu đồng thì đã phải trả nào là tiền nhà, tiền ăn và nhiều khoản lặt vặt khác mà một bình gas đã chiếm tới gần nửa số tiền đó rồi. Ở xóm trọ của em không cho nấu bếp củi nên nhiều bạn tăng cường dùng bếp điện nhưng cũng có bạn ra đầu nhà bắc bếp củi rồi”.    

Các đại lý, cửa hàng gas đều chung một lý do giải thích cho việc gas tăng giá là giá gas thế giới tăng. Tuy nhiên theo các nhà phân tích kinh tế thì lý do này chưa thuyết phục. Các căn cứ để có nhận định này là ngay sau khi giá gas tăng thì giá trong nước cũng đội vọt lên. Trên thực tế thì lượng gas bán ra thời điểm tăng giá là hàng đã nhập từ trước đó (khi giá thế giới chưa tăng). Vậy nên các đợt tăng giá này nghiễm nhiên cho đơn vị kinh doanh một khoản lời không nhỏ. Bên cạnh đó công tác dự báo tình hình giá gas của thế giới cũng làm không tốt nên khi giá còn ổn định thì các đơn vị nhập khẩu vẫn bình chân cho đến khi có biến động thì mới “nhảy” và buộc giá trong nước vọt theo.

Ở tỉnh ta - một tỉnh nghèo với lượng lớn người làm công ăn lương, cán bộ công chức có mức lương khá khiêm tốn thì đây đúng là một thông tin “sốc”. Không thể không dùng gas vào việc đun nấu nhưng nhiều người đã tìm đến điện như một cứu cánh lúc này. Anh Quang Đông - chủ cửa hàng đồ điện tử ở phường Đoàn Kết cho biết: Tuy chưa thật “sốt” nhưng thời gian gần đây bếp từ, bếp nhiệt và thiết bị đun nước siêu tốc... cũng dễ bán hơn nhiều, nhất là sau khi gas tăng giá.

Đối với những nông dân thì việc phấn đấu mua được một chiếc bếp gas và bình gas đã là một việc lớn. Bình thường dụng cụ nhà bếp này đã ít khi được sử dụng, nay khi giá gas tăng họ đã gần như là đoạn tuyệt với hình thức chế biến đồ ăn xa xỉ này. Gia đình ông Hoàng Văn Trịnh ở phường Quyết Thắng (thị xã Lai Châu) đã ngừng sử dụng bếp gas. Lâu nay ông đã quen với cây ngô, củi khô và chiếc bếp kiềng quây bằng mấy viên gạch bi làm nơi đun nấu. Theo phân tích của ông thì bếp củi vừa ấm, vừa có tro bón cây trồng, tiện làm thịt sấy và nhất là đỡ tốn kém. Bởi vậy nên khi vào gian bếp của ông tôi thấy chiếc bếp gas vẫn để ngay ngắn trên bàn, dây cấp gas vẫn nối, trên đó vẫn đặt một chiếc chảo nhưng lớp bụi trên nó có thể thấy rằng rất lâu rồi nó đã bị “thất sủng”.

Không chỉ người nông dân, người nghèo mới quay lưng với bếp ga mà thậm chí các quán bán đồ ăn cũng chấp nhận sự lên ngôi trở lại của than tổ ong và bếp củi. Tại quán ăn sáng của chị Huyền Trang (phường Quyết Thắng) bếp lò được sử dụng tối đa công suất. Một nồi to nước dùng, một nồi cháo, một nồi nước nóng được đặt chung trên lò riêng, chiếc bếp gas công nghiệp trở thành cái giá đặt nồi và theo thông tin của chủ quán thì dạo này nó chỉ được dùng khi cần “chữa cháy”. Chị Trang suýt xoa: “Gớm! Bây giờ mà dùng bếp gas đến một nửa thời gian đã lỗ nặng rồi. Trước đây còn dùng nhiều nhưng bây giờ thì chỉ cần điều chỉnh thói quen và chịu khó hơn một tẹo là đỡ ối tiền”.

Bây giờ, không chỉ người dân Lai Châu mà hầu như toàn xã hội đều mong Nhà nước có một chính sách vĩ mô, cấp thiết nào đó để bình ổn giá gas trở lại. Tuy nhiên đến nay điều mà Nhà nước có thể làm ngay là giảm mức thuế nhập khẩu thì đã làm rồi (đã giảm thuế nhập khẩu xuống 0%) mà giá gas chỉ giảm có 12 nghìn đồng và không có dấu hiệu giảm thêm. Tất cả đang chờ thị trường gas thế giới giảm giá. Trong khi đó mặt hàng này lại không nằm trong danh mục hàng được bình ổn giá. Vậy nên nhận định từ Phòng Quản lý Giá (Sở Tài chính) là giá gas có thể ổn định lại sau khoảng hơn 1 tháng nữa hoặc hình thành mặt bằng giá mới nếu tình hình không được cải thiện.

Quỳnh Như

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...