Thứ hai, 29/04/2024, 15:33 [GMT+7]

Giúp người dân vùng biên nâng cao dân trí

Thứ bảy, 02/03/2024 - 13:35'
Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục ở các bậc học, những năm gần đây, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Phong Thổ tích cực phối hợp với các xã, lực lượng bộ đội đứng chân trên địa bàn triển khai mở các lớp học xóa mù chữ, xóa tái mù chữ. Qua đó, giúp bà con từng bước nâng cao dân trí, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, tự tin phát triển kinh tế.

Huyện Phong Thổ có 17 xã, thị trấn; phần lớn các xã ở khu vực biên giới, thuộc diện đặc biệt khó khăn. Trước đây, do cuộc sống thiếu thốn nhiều người không thể đến trường; một số khác, đi học được một thời gian lại nghỉ học ở nhà giúp đỡ bố mẹ công việc gia đình dẫn đến tái mù chữ. Điều này không chỉ khiến người dân khó khăn trong giao tiếp, sinh hoạt, e ngại khi gặp người lạ mà còn khó tiếp cận thông tin, kiến thức trong phát triển kinh tế, đời sống.
Phòng GD&ĐT huyện phát huy vai trò lực lượng nòng cốt, chủ động tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện, đồng thời chỉ đạo các trường tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền cùng cấp có nhiều giải pháp thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Một trong những giải pháp trọng tâm được triển khai đó duy trì tỷ lệ chuyên cần, nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn gắn với việc mở các lớp xóa mù chữ cho đối tượng dân tộc thiểu số có tuổi đời 18 đến 60 tuổi.
Đồng chí Khổng Văn Thiện - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ cho biết: “Xác định xóa mù chữ là nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện thường xuyên và lâu dài để duy trì và nâng cao tỷ lệ người dân biết chữ, chúng tôi chỉ đạo các trường phối hợp với các xã trong việc mở lớp, huy động học viên ra lớp. Các trường phân công giáo viên đứng lớp, ưu tiên những giáo viên giàu nhiệt huyết, nhiều kinh nghiệm và có khả năng nói được tiếng địa phương. Yêu cầu giáo viên soạn giáo án theo đúng hướng dẫn của cấp trên, duy trì giảng dạy 1 lớp trong thời gian 6 tháng”.

Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Dào San dạy chữ cho bà con xã Dào San (huyện Phong Thổ).

Để tạo điều kiện cho các học viên tham gia đầy đủ, các lớp học thường được triển khai dạy vào buổi tối các ngày trong tuần và tránh mùa vụ gieo cấy lúa. Ngoài giáo viên đứng lớp, lực lượng bộ đội, trí thức trẻ tình nguyện đóng quân tại các đơn vị trên địa bàn cùng giúp dạy chữ. Các chế độ cho giáo viên (dạy 100.000 đồng/tiết), học viên (hỗ trợ 150.000 đồng/tháng/học viên) được chi trả đầy đủ, kịp thời. Ngoài ra, các trường, các đơn vị bộ đội còn kêu gọi xã hội hóa tặng sách, vở, bảng, bút, phấn… cho học viên; tổ chức các hoạt động văn nghệ trong giờ giải lao, tạo tâm lý thoải mái, học viên học tập hiệu quả.
Sau khi kết thúc các lớp học, 100% học viên biết chữ, biết đọc, biết viết cơ bản. Chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được nâng lên và đảm bảo tính bền vững. Theo số liệu thống kê, hiện nay tỷ lệ người biết chữ mức độ 1 ở độ tuổi 15-25 chiếm 99,5%; tỷ lệ người biết chữ mức độ 1 ở độ tuổi 15-35 chiếm 98,6%; tỷ lệ người biết chữ mức độ 1 ở độ tuổi 15-60 chiếm 96%. Toàn huyện có 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1.
Dào San là xã biên giới từng được biết đến là địa phương có nhiều người dân không biết chữ ở huyện Phong Thổ. Tuy nhiên, những năm gần đây tỷ lệ người dân không biết chữ giảm hẳn. Có được kết quả đó là nhờ địa phương tích cực phối hợp với ngành GD&ĐT vận động người dân học các lớp xóa mù chữ và xóa tái mù chữ. Gần đây nhất là vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023 Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Dào San phối hợp với Đội Sản xuất và Xây dựng cơ sở chính trị số 3 (Đoàn Kinh tế Quốc phòng 356) mở 2 lớp xóa tái mù chữ cho 40 học viên là đồng bào dân tộc Mông, Hà Nhì ở độ tuổi từ 15 đến 60 đến từ các bản: U Ní Chải, Dền Thàng A, Dền Thàng B.
Trong quá trình học, Đội Sản xuất và Xây dựng cơ sở chính trị số 3 cùng nhà trường kết nối kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ tặng sách, vở, bảng miễn phí cho học viên. Giáo viên trong trường đứng lớp dạy học buổi tối ở các nhà văn hóa bản, tiết kiệm thời gian đi lại cũng như tạo môi trường học tốt cho học viên. Dần dần bà con tạo thành thói quen ngày đi làm, tối lên nhà văn hóa ngồi học. Dưới ánh điện mờ ảo, tiếng thầy giáo giảng bài, tiếng học viên ê a luyện đọc chữ vang vọng khắp bản, xóa tan đi không gian tĩnh lặng và truyền động lực để bà con tự tin phát triển bản thân.
Chị Dì Thị Dinh, học viên trên 40 tuổi đến từ bản Dền Thàng A (xã Dào San) bộc bạch: “Lúc mới đầu khi các cán bộ, thầy, cô giáo đến vận động đi học tôi cũng có chút e ngại do tuổi khá cao, hàng ngày bận nhiều việc đồi nương, chăm sóc các con. Nhưng khi hiểu ý nghĩa được việc học chữ, tôi tự nguyện đăng ký, sắp xếp thời gian học tập đầy đủ. Rất vui khi kết thúc khóa học năm 2023, tôi đã biết đọc, biết viết, biết ký tên của mình. Tôi thấy mạnh dạn, tự tin hơn. Tôi chủ động đọc sách, báo để nắm bắt thông tin thời sự cũng như những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, học cách trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình”.
Quan tâm mở các lớp xóa mù chữ, xóa tái mù chữ, ngành GD&ĐT huyện Phong Thổ, các xã và lực lượng bộ đội đã giúp người dân vùng biên từng bước nâng cao dân trí, mở rộng sự hiểu biết của bà con. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi thúc đẩy việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; mở ra tương lai tốt đẹp hơn cho người dân.

T.T

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...