Thứ sáu, 03/05/2024, 21:42 [GMT+7]

Giải pháp nào ngăn chặn “rượu 138”

Thứ ba, 04/12/2012 - 14:33'
(BLC) - “Rượu 138” dù lén lút, nhưng vẫn xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn tỉnh ta. Sự nguy hại về sức khỏe cùng với hành vi vi phạm pháp luật khi sử dụng “rượu 138”, rất cần có chế tài nghiêm khắc để ngăn chặn loại rượu này đang trôi nổi trên thị trường.

>>Mối nguy hiểm từ "rượu 138”

Cần xử lý nghiêm việc vận chuyển, tiêu dùng rượu độc hại

Lợi nhuận lớn đã khiến người dân vẫn lén lút trồng, thu hoạch cây anh túc. Các quán hàng bất chấp vi phạm vẫn nhập, bán “rượu 138”. Để thể hiện sự “sành điệu”, vẫn còn nhiều người uống, vận chuyển rượu cấm… Một điều băn khoăn của chúng tôi, cũng là băn khoăn chung của các chiến sĩ công an thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh) là nếu như người dân dùng cây, lá, thân, rễ thuốc phiện để ngâm, vậy thì nhựa cây đã được chích ra tiêu thụ ở đâu?

Cây thuốc phiện được người dân trồng lẫn trong nương rau cải.

Trong năm qua, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy đã bắt được 1 số vụ mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, cụ thể như vụ tên Lò Văn Phán, Khoàng Thị Cúc ở huyện Mường Tè buôn bán 7kg quả tươi thuốc phiện; tên Hà Văn Sạng, Châu A Chua, Ma Công Hiển ở huyện Than Uyên, mỗi vụ đều mua bán, tàng trữ từ 1,8 – 2,2kg quả tươi thuốc phiện… song đây cũng chỉ là 1 trong những chuyến vận chuyển, buôn bán thuốc phiện từ các huyện, xã đến thị xã. Còn với các khách nơi xa đến tỉnh ta và mua “rượu 138” thường gói trong hành lý để đi tàu, xe đêm nên các cơ quan chức năng khó kiểm soát.

Trở lại câu chuyện bên bàn nhậu hôm đó, theo lời của chủ quán ăn kể với chúng tôi thì: “Khách quán tôi chủ yếu là cán bộ”. Chúng tôi đã ngồi ở quán cả 1 buổi trưa, chiều vào đúng giờ tan tầm và phải thừa nhận điều này là đúng. Phần lớn những người kín đáo xuống bếp hỏi nhỏ chủ quán: “Rượu 138 nhé” đều là “dân” văn phòng, công sở, doanh nghiệp. Việc cán bộ “biết sai vẫn tìm rượu 138 để uống” cần có tiếng chuông cảnh tỉnh, bởi họ là những người trí thức, có hiểu biết mà lại tiếp tay tiêu thụ loại rượu phạm pháp này.

Nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm tàng trữ, sử dụng “rượu 138”

Năm vừa qua, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh) đã phá nhổ được 58.311m2 diện tích trồng cây thuốc phiện (chủ yếu tập trung ở huyện Mường Tè, Than Uyên). Song theo Thượng tá Nguyễn Xuân Kiên - Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy thì đây mới chỉ là phần nổi của cả “tảng băng chìm”.

Cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh) phá nhổ rẫy thuốc phiện ở xã Tà Tổng (huyện Mường Tè)

Ít ai biết được những vất vả, khó khăn của cán bộ công an khi đi phá nhổ cây thuốc phiện. Đó là những ngày leo dốc núi, vượt băng rừng dưới cái nắng chang chang và những trận mưa rát mặt. Điều nguy hiểm là xung quanh nương thuốc phiện, người dân dùng nhiều bẫy thú (loại bẫy lớn, khi dẫm phải có thể cưa đứt chân), các vách núi mênh mông bao quanh rẫy hoa anh túc cũng khá nguy hiểm khi chủ rẫy lẩn trốn trong đó, bắn súng kíp đe dọa lực lượng phá nhổ.

Ngay cả khi các anh đã phá nhổ xong các rẫy thuốc phiện, muốn xử phạt cũng rất khó vì nương, rẫy nằm xa tít tắp trong rừng, khi đến các bản hỏi bà con đều không chịu nhận. Có trường hợp vận động được trưởng bản chỉ đích danh tên chủ rẫy, vẫn chưa đủ thủ tục để xử phạt hình sự. Bởi theo Bộ Luật Hình sự: Điều 192, khoản 1 thì chỉ có thể phạt tù từ 6 tháng – 3 năm với người trồng ma túy khi đã thực hiện đủ 3 biện pháp: người dân được tuyên truyền giáo dục nhiều lần, đã được tạo điều kiện chuyển đổi sang trồng loại cây khác thay thế cây thuốc phiện, người dân đã vi phạm và bị xử phạt hành chính 1 lần.

Nhiều người cho rằng uống rượu ngâm cây thuốc phiện không phải hành vi vi phạm pháp luật. Trên thực tế, sau khi uống “rượu 138”, đưa người uống đi xét nghiệm sẽ cho kết quả dương tính với ma túy và bị xử phạt theo Nghị định 73/2010/NĐ-CP. Theo đó, ngoài bị xử phạt hành chính, người bị xử phạt sẽ có giấy gửi về cơ quan, ban, ngành mình công tác.

Chế tài xử lý chưa đủ mạnh là một trong những khó khăn cho các chiến sĩ công an khi thực hiện nhiệm vụ. Cũng là lý do khiến các chủ quán “mờ mắt” trước lợi nhuận, vẫn “thản nhiên” nhập, bán “rượu 138”. Đã đến lúc cần có các quy định cụ thể hơn, nghiêm khắc hơn với những tội trạng trên và sự quản lý nghiêm ngặt của lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy các huyện, thị để kiểm tra, thu giữ, xử lý những trường hợp mua bán và sử dụng “rượu 138”. Và hơn hết là nâng cao ý thức của người dân về loại rượu độc hại này. Bởi chỉ khi không còn “cầu”, nguồn “cung” mới được chặn hoàn toàn.

Điều 194, Bộ Luật Hình sự đối với việc xử phạt những người mua bán trái phép cây có chứa chất ma túy : Người vận chuyển bị phạt tù từ 7 – 15 năm khi vận chuyển: Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ 10kg – dưới 20kg; Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ 50kg – dưới 200kg; Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ 10kg – dưới 50kg…


Hoa Đá

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...