Chủ nhật, 19/05/2024, 12:50 [GMT+7]

Gia Khâu hôm nay

Chủ nhật, 01/09/2013 - 20:41'
(BLC) – Nhắc đến sự thay đổi ở vùng quê nào đó, có lẽ nhiều người thường nghĩ đến cuộc sống phải có tòa nhà cao tầng với những chiếc ô tô bóng loáng cùng công nghệ hiện đại. Nhưng, ở Gia Khâu xã Hồ Thầu (Tam Đường), khi một bộ phận người dân mới vượt qua được cái ranh giới của đói nghèo, lạc hậu thì sự đổi thay trong cách nghĩ, cách làm, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của bà con cũng trở nên có giá trị.

Nếu trước đây người dân bản Gia Khâu chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chưa chú trọng đầu tư công sức chăm sóc cây lúa, cây ngô, trong khi đó lại canh tác bằng các giống địa phương kém chất lượng dẫn đến năng suất thấp, chỉ đạt từ 2 – 3 tấn/ha. Do đó nhiều gia đình trong bản quanh năm thiếu, đói. Nhưng hôm nay nhờ sự tuyên truyền vận động của các cấp ủy Đảng chính quyền địa phương, tư tưởng của người dân đã có nhiều tiến bộ.

Trao  đổi với chúng tôi, trưởng bản Tẩn A Thi cho biết: “Đến nay bà con đã chủ động trong các khâu sản xuất, tích cực học hỏi nhau kinh nghiệm làm giàu, từ bỏ phương thức canh tác lạc hậu. Đồng thời đưa các loại lúa có giá trị kinh tế cao vào thâm canh như bắc thơm, nghi hương, tám thơm… nhờ đó năng suất đã tăng lên 6 tấn/ha. Điều đáng mừng là trong bản không còn hiện tượng đói ăn ngày giáp hạt. Ngô, khoai giờ đây chỉ sử dụng làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm hoặc bán lấy tiền tái sản xuất. Nhiều gia đình đã có thu nhập cao từ 40 đến 50 triệu đồng/năm như gia đình anh Lù A Pao, Chảo A Pao, Tẩn A Cúc….”.

Chị Lù Thị Giảm - bản Gia Khâu, xã Hồ Thầu thu hoạch ngô.

Đặc biệt từ năm 2011, người dân đã biết khai thác thế mạnh từ tự nhiên để trồng ngô 3 vụ: xuân sớm, xuân hè và thu đông. Màu xanh trù phú của cây ngô đã phủ xanh các diện tích đất ruộng trống. Nhiều người đã chủ động chăm sóc hoa màu, đầu tư phân bón trên đồng ruộng và tích cực khai hoang mở rộng diện tích đất trồng lúa nước nhằm bảo vệ rừng.

Nếu như trước đây người dân thường bỏ trễ việc họp hành thì nay mỗi khi đến ngày họp bản, dù bận rộn thế nào, bà con cũng sắp xếp công việc nhà mình để đi dự đầy đủ. Vì vậy quy ước, hương ước cũng như đường lối chính sách của Đảng, nhà nước và địa phương đã được người dân nắm bắt kịp thời. Nhờ đó phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở bản làng được thực hiện nghiêm túc, các quỹ ủng hộ người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học được bà con tham gia hưởng ứng nhiệt tình…  Trong bản không có người nghiện ma túy, tỷ lệ sinh con thứ 3 đến nay đã giảm đáng kể.

Dạo quanh bản, chúng tôi cảm nhận được không khí xây dựng đời sống văn hóa tràn ngập ở vùng đất này. Đường làng ngõ bản được vệ sinh sạch sẽ. Cây cỏ ven đường được phát quang, cống rãnh được khơi thông, vệ sinh môi trường được người dân chú ý. Rút kinh nghiệm từ đợt rét đậm rét hại năm 2010 làm hao hụt đàn gia súc, đến nay bà con đã biết chăn dắt cẩn thận, không để tình trạng gia súc đi lại tự do trong bản. Đồng thời, xây dựng chuồng trại kiên cố, cách xa khu nhà ở; tích trữ rơm rạ làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông. Mỗi khi có dấu hiệu dịch bệnh, người dân đều báo cho thú y xã biết tin. Nhờ đó, dịch bệnh được kiểm soát kịp thời, số lượng đàn gia súc được duy trì và đảm bảo. Hiện bản có gần 70 con trâu, đàn lợn và gia cầm có tới hàng trăm con.  

Không chỉ có vậy, người dân đã chăm lo đến việc học hành của con cái, hàng năm 100% trẻ được cắp sách đến trường. Ngắm dòng chữ “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” mà em Tẩn Vần Nhàn học sinh lớp 5A1 Trường Tiểu học Hồ Thầu viết nắn nót, treo vuông vắn trước bàn học chúng tôi hiểu hơn về sự học ở đất này. Tâm sự với chúng tôi em chia sẻ: “em sẽ cố gắng học tập thật giỏi để không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ và sau này có thể trở thành bác sĩ về giúp bà con trong bản”.

Hiện bản Gia Khâu có 41 hộ với 197 nhân khẩu, 100% người dân tộc sinh sống. Ở bản bà con luôn có tinh thần đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ nhau khi ốm đau, hoạn nạn và mùa vụ về. Đó chính là động lực, tiền đề để Gia Khâu tiến xa hơn trên con đường phát triển.

 

Hoài Thương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...