Thứ bảy, 18/05/2024, 14:24 [GMT+7]

Gieo chữ vùng khó

Thứ năm, 21/01/2016 - 06:33'
(BLC) – Tất cả vì học sinh thân yêu, những năm học vừa qua, thầy trò trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) THCS Khun Há (xã Khun Há, huyện Tam Đường) đã vượt qua khó khăn về cơ sở vật chất, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đóng góp vào sự nghiệp trồng người.

Chúng tôi đến thăm trường khi tết Bính Thân đang cận kề, đón chúng tôi là thầy giáo Nguyễn Thái Sơn – Phó Hiệu trưởng nhà trường, người đã có hơn 10 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người nơi vùng đất khó này. Qua chia sẻ của thầy Sơn, chúng tôi được biết, năm 2005 trường chỉ có 3 gian nhà tạm, học sinh ở các bản vùng cao như: Ma Sao Phìn Thấp, Lao Chải 1, Thèn Thầu, Can Hồ, muốn đến trường phải đi bộ gần 12km. Những ngày tháng đó, để vận động học sinh ra lớp là khó khăn, thách thức đối với giáo viên. Nguyên nhân chính là do các em ở bản xa, giao thông đi lại chủ yếu đường đất; gia đình lại muốn các em ở nhà lên nương phụ giúp bố mẹ. Vì vậy, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng là chuyện thường xuyên xảy ra.

Học sinh bán trú Trường PTDTBT THCS Khun Há trao đổi bài.

Trước tình hình này, các thầy cô giáo trong trường đã tích cực bám trường, bám lớp; hàng ngày đi bộ đến từng bản tuyên truyền vận động phụ huynh cho con em ra lớp. Mùa vụ, hình ảnh thầy cô giáo cùng lên nương giúp bố mẹ các em làm đất, cấy lúa đã trở nên quen thuộc. Cảm động trước tình cảm ấy, phụ huynh đã tạo tích cực cho con em đến trường. Năm 2011 nhà trường được chuyển đổi thành mô hình Trường PTDTBT đã mở ra nhiều cơ hội cho học sinh vùng khó được đến trường bởi các em được ăn, ở sinh hoạt tại trường; có điều kiện, thời gian học tập.

Năm học này, Trường PTDTBT THCS Khun Há có 12 lớp với 390 học sinh, trong đó, có 13 phòng bán trú gồm 250 học sinh, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mông. Được “mục sở thị” cuộc sống học sinh bán trú, chúng tôi cảm nhận được sự ngăn nắp, sạch sẽ trong những gian phòng ở của các em. Dưới bàn tay chăm sóc của thầy cô và học sinh, đã tạo nên những vườn rau xanh tốt; nhà trường còn tổ chức cho các em nuôi gà, lợn phục vụ bữa ăn hàng ngày. Qua đó, rèn luyện các em biết yêu lao động, quý trọng những thành quả mình làm ra.

Em Sùng Thị Ma, lớp 9A2 chia sẻ: “Nhà em ở bản Ma Sao Phin Thấp, cách trường gần 12km, những năm trước chưa ở bán trú em phải dậy từ sáng sớm để đi học, nếu hôm nào trời mưa, phải nghỉ học vì đường trơn, lầy lội. Giờ em ở bán trú được gần 4 năm, ở đây rất vui vì có các bạn, thầy cô giáo quan tâm, giúp đỡ em trong học tập”.

Nhằm tạo điều kiện cho các em ở bán trú có môi trường học tập tốt, nhà trường bố trí mỗi phòng bán trú đều có học sinh ở các lớp trên hướng dẫn, giúp đỡ các em lớp dưới. Đồng thời vận động các bậc phụ huynh đóng góp thêm củi, gạo; thường xuyên trao đổi với phụ huynh về thành tích học tập, sinh hoạt của con em mình để các bậc phụ huynh yên tâm.

Ngoài làm tốt công tác chăm lo học sinh bán trú, nhà trường thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Xác định yếu tố quan trọng là duy trì sĩ số học sinh, đảm bảo chuyên cần, nhiều năm học qua, Trường PTDTBT THCS Khun Há đã thực hiện tốt phong trào “Mỗi giáo viên, mỗi đảng viên phụ trách học sinh một bản”. Theo đó, các thầy cô giáo thường xuyên đến bản, thăm và tìm hiểu điều kiện hoàn cảnh của từng gia đình học sinh, từ đó kiến nghị với nhà trường và các đoàn thể hỗ trợ học sinh khi cần thiết. Việc chăm lo giáo dục học sinh được phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường – gia đình – chính quyền xã để vận động học sinh ra lớp. Chính mối gắn kết đó đã tạo nên thành công của Trường, hàng năm tỷ lệ huy động học sinh ra lớp luôn đạt, vượt chỉ tiêu đề ra. Nếu trước đây, tỷ lệ chuyên cần của trường chỉ đạt 70% thì nay đã tăng lên 95%. Đây là động lực để thầy cô phấn đấu dạy tốt, học tốt.

Cùng với đó, nhà trường tích cực đổi mới phương pháp dạy học. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức dạy học phù hợp với từng đối tượng, vùng miền; xây dựng kế hoạch phụ đạo, giúp đỡ học sinh yếu kém. Ngoài giờ học chính khóa, nhà trường tổ chức dạy phụ đạo cho các em vào các buổi chiều. Mục tiêu dạy học không áp đặt, máy móc rập khuôn để cho các em phát huy tính chủ động sáng tạo. Hàng tháng, Ban giám hiệu, tổ trưởng các tổ chuyên môn thường xuyên  dự giờ thăm lớp, rút kinh nghiệm trong từng tiết dạy, tránh tình trạng thầy đọc, trò chép. Các giáo viên là người hướng dẫn, điều khiển lớp học, còn các em thành lập từng nhóm để thảo luận đưa ra các đáp án đúng.

Đối với các em ở bán trú, từ 19h – 22h các buổi tối trong tuần, nhà trường tổ chức các giờ tự học nhằm khuyến khích tinh thần tự học, tính tự giác vươn lên trong học tập, có thời gian để các em củng cố được kiến thức học trên lớp. Đây cũng là “chìa khóa” góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy được nhà trường quan tâm, giúp giáo viên chủ động hơn trong việc tự làm và sử dụng thiết bị dạy học. Thầy Nguyễn Thái Sơn – Phó Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Khun Há cho biết tin vui: “4 năm học trước, trường không có học sinh giỏi văn hóa các cấp, nay, nhờ mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy học, đầu tư cơ sở hạ tầng, năm nào nhà trường cũng có 2 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Kết thúc học kỳ 1 vừa qua, tỷ lệ học sinh giỏi của trường đạt 6,67%, khá: 31,03%”.

Việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh cũng được trường quan tâm, thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa như: “Sinh hoạt vệ sinh đúng cách”, “nói “không” với tảo hôn”, thực hiện “An toàn giao thông” nhằm hướng dẫn các em kỹ năng sống, giúp các em có cơ hội giao lưu học hỏi, tăng tinh đoàn kết các dân tộc.

Thành quả mà Trường PTDTBT THCS Khun Há đạt được là minh chứng cho sự nghiệp trồng người ở vùng đất khó đang “đơm hoa”, hứa hẹn cho nhiều “mùa trái ngọt” để ước mơ các em bay xa hơn nữa.

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...