Chủ nhật, 19/05/2024, 05:03 [GMT+7]

Hội nghị trực tuyến về công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng

Chủ nhật, 05/05/2024 - 22:14'
(BLC) – Ngày 5/5, tại điểm cầu tỉnh Kon Tum, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến đến điểm cầu trung ương và 60 tỉnh, thành phố (3 tỉnh không có rừng) về công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, bàn các giải pháp trong thời gian tới.

Dự chủ trì tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan. Điểm cầu trung ương có đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dự và chủ trì; điểm cầu các tỉnh, thành phố có lãnh đạo UBND, các sở, ngành liên quan. Đồng chí Hà Trọng Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.

1

Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu tỉnh Kon Tum đến điểm cầu trung ương và các tỉnh, thành phố.

Năm 2023, có 60 tỉnh, thành phố có rừng đã công bố hiện trạng rừng với tổng diện tích rừng cả nước là 14.860.309ha. Diện tích rừng đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ là 13.927.122ha, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%.

Năm 2023, cả nước đã xảy ra 310 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị ảnh hưởng 674,5ha. 4 tháng đầu năm 2024, cả nước đã xảy ra 89 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị ảnh hưởng ước tính sơ bộ khoảng 498ha. Các cơ quan chức năng đã phát hiện 3.327 vụ vi phạm ảnh hưởng đến rừng trên phạm vi cả nước, giảm 597 vụ so với cùng kỳ 2022, diện tích rừng bị tác động là 1.047,8ha. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện 650 vụ phá rừng, diện tích bị tác động 182,2ha giảm 75,7ha. Tình trạng phá rừng chủ yếu tại các tỉnh vùng Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Số vụ vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng đã giảm dần qua các năm. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái pháp luật diễn ra thường xuyên tại một số vùng trọng điểm, các khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, nhất là khu vực Tây nguyên, Đông Nam Bộ. Nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu lấy đất sản xuất nông nghiệp, tập quán du canh, nhu cầu khai thác gỗ làm nhà... của người dân. Diện tích rừng bị phá chủ yếu đang do UBND cấp xã quản lý, các công ty nông lâm nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý.

2

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.

Tại tỉnh Lai Châu, tính đến ngày 31/12/2023, tổng diện tích rừng là 494.841,24ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 52,35% (tăng 0,48% so với năm 2022). Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 23 vụ với tổng diện tích cháy 99,9673ha. 4 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã phát hiện 125 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp (tăng 16 vụ so với cùng kỳ năm 2023).

Phát biểu tham luận tại hội nghị, các đại biểu nêu rõ thực trạng, hậu quả do biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao; cảnh báo để các địa phương chủ động hơn nữa công tác PCCCR; kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan điều chỉnh, thay đổi cơ chế, chủ trương để thuận lợi hơn cho công tác quản lý, bảo vệ, PCCCR.

3

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải tham luận tại hội nghị.

Tại hội nghị này, đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã phát biểu tham luận và nhấn mạnh vị trí địa lý xung yếu của tỉnh Lai Châu trong bảo vệ rừng đầu nguồn, điều tiết nguồn nước cho vùng hạ lưu. Đồng chí kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 57 ngày 17/4/2018 về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn để phù hợp với Luật Đầu tư công. Nâng mức chi phí hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Nghiên cứu bố trí nguồn lực đầu tư hạ tầng lâm sinh, đặc biệt là ở các khu vực rừng tự nhiên, phòng hộ xung yếu…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu Bộ NN&PTNT lấy thêm ý kiến của các địa phương và các bộ, ngành, địa phương sớm hoàn thiện các văn bản trình Chính phủ; chủ trì, phối hợp quản lý nhà nước về rừng và PCCCR; điều phối kinh phí giúp các địa phương. Các bộ, ban, ngành khác căn cứ chức năng nhiệm vụ làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, PCCCR…

Các địa phương thực hiện công tác PCCCR theo đúng nguyên tắc “4 tại chỗ”; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, cài đặt phần mềm trong điện thoại di động, sử dụng flycam… trong theo dõi, quản lý, phòng cháy chữa cháy rừng. Quản lý chặt việc di cư tự do, canh tác khu vực giáp ranh rừng. Công an các tỉnh tham mưu cho địa phương tuyên truyền về PCCCR.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...