Thứ ba, 21/05/2024, 08:41 [GMT+7]

Kỳ cuối: Những cái chết được báo trước

Thứ ba, 26/06/2012 - 15:24'
>>Kỳ I: Tan hoang rừng phòng hộ>>Kỳ II: “Sống chết mặc bay”(BLC) - Đối tượng nghiện ma túy chưa thể thống kê hết, số người nhiễm HIV/AIDS đang tăng theo từng ngày. Cuộc sống buông thả và tệ nạn ma túy xuất hiện trong một bộ phận thanh thiếu niên địa phương mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ bãi vàng Phiêng Chạng.

Ma túy “tràn” vào bản nghèo

Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình, dự án nhiều địa phương vùng cao đã có sự đổi thay đáng kể, trong đó có xã Noong Hẻo.

Bão “ết” đang tràn qua các bản làng nghèo xã Noong Hẻo (huyện Sìn Hồ).

Nhưng bên trong vẻ bề ngoài “hào nhoáng” của một địa phương đang trên đường tiến gần tới xã điển hình nông thôn mới thì ma túy cũng đang từng ngày “gặm nhấm” cuộc sống người dân nơi đây.

Một trong những nguyên nhân khiến ma túy “tràn” qua các bản làng người Thái này là các cuộc di cư đi làm ăn của một bộ phận nhân dân, trong đó chủ yếu là lên bãi vàng Phiêng Chạng.

Theo nguồn thông tin mới nhất của chính quyền địa phương cho biết, 3 năm trở lại đây trên địa bàn xã đã có hơn 20 người lĩnh các hình phạt tù vì buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy và hiện vẫn còn 6 người đang “gục đầu” tại các trại giam. Thế nhưng trong xã vẫn còn khoảng nhiều điểm bán lẻ ma túy đang ngày đêm hoạt động, tập trung ở các bản: Noong Hẻo I, II, Nậm Há I, Phiêng Chạng…

Lò Văn Ch.(bên trái ảnh) – một đối tượng nghiện ở bản Nậm Há I hàng ngày vẫn bám bãi tìm vàng đổi ma túy.

Câu chuyện ma túy xâm nhập bản làng khiến chính quyền địa phương nhiều năm đau đầu. Nhiều biện pháp “thiết quân luật” được triển khai, nhiều mô hình cai nghiện được thực hiện nhưng dường như hiệu quả chẳng được bao nhiêu khi đối tượng nghiện ma túy ngày càng tăng cao.

Nói về câu chuyện “nghiện”, anh lãnh đạo xã tên C. thở dài ngao ngán khi chúng tôi hỏi tỷ lệ người nghiện ma túy trên địa bàn. Theo anh C. thì xã cũng chưa thống kê hết được số người nghiện là bao nhiêu.

Dù đã điện hỏi cơ quan chuyên môn là trạm y tế xã, anh vẫn lắc đầu cho biết: “không thể thống kê được anh a!”. Sau một hồi nhẩm tính xem bản nào có số người nghiện ma túy nhiều nhất lại chính là bản anh đang sinh sống: Nậm Há I, II (khoảng 100 hộ, 700 nhân khẩu) trong đó có hơn 40 người đã “lộ diện” và “số người nghi nghiện ma túy chưa phát hiện còn cao hơn nhiều”.

Đau xót hơn là cả trẻ nhỏ cũng nghiện, đó là trường hợp của cậu bé Lò Văn Ba ở bản Nậm Há I. Căn nhà sàn 3 gian nằm ngay đầu bản của bố con Ba những ngày này đã trống hoác bởi đồ đạc, ván thưng nhà... đều đã được hai bố con thay nhau mang đi bán, đổi “thuốc”.

Câu chuyện bắt đầu cách đây hơn 2 năm khi mẹ của Ba là Lò Thị Chướng bị bắt vì buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy. Cũng trong những ngày mẹ buôn bán thì bố Ba nghiện ma túy vì thử thuốc cho vợ. Khi đó Ba đang học lớp 5 (11 tuổi). Em đột nhiên xin nghỉ học với lý do ở nhà đi làm thuê kiếm ăn nuôi bố.

Thế nhưng không ai ngờ được, trong khi nhà trường đang nỗ lực, vận động quyên góp để hỗ trợ gia đình Ba, nhằm kéo cậu học trò nhỏ tới trường thì trong một lần tới nhà vận động, hỏi thăm các thầy cô giáo sửng sốt khi nhìn thấy Ba đang nằm dưới sàn nhà ngáp ngắn, ngáp dài chờ bố mang ma túy về “cứu”.

Số người nghiện ma túy tăng kéo theo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn phức tạp. Trong suốt những ngày có mặt trên địa bàn xã, đi đâu chúng tôi cũng được nhắc “xe máy, đồ đạc để cẩn thận”. Không có địa phương vùng sâu, vùng xa nào trên địa bàn tỉnh lại giống như ở Noong Hẻo, họ còn cẩn thận hơn cả người dân ở thị xã, thị trấn, nhà nào cũng được giăng lưới thép B40 kín xung quanh nhà.

Anh Thanh - một người dân sinh sống ở bản Noong Hẻo I cho biết: “Hở ra cái gì là mất cái đó, trộm cắp ở đây còn nhanh hơn ở thành phố. Thông thường kẻ trộm thường hoạt động vào ban đêm, nhưng ban ngày nếu sơ ý để xe bên vệ đường, không mất xe thì cũng bị chúng tháo hết đồ…”.

Những hệ lụy

Bố mẹ mất con, vợ mất chồng cũng vì ma túy và “ết” (HIV/AIDS). Người đầu bạc khóc người đầu xanh là chuyện diễn ra thường ngày ở các bản nghèo trên địa bàn xã Noong Hẻo nhiều năm nay. Đa phần người chết được chính quyền địa phương thống kê đều đang trong độ tuổi lao động (từ 25 – 30 tuổi). Có người chết sau vài năm từ bãi vàng trở về, nhưng cũng có người chết khi vừa từ bãi vàng trở về trong vài ngày.

Theo một lãnh đạo địa phương cho biết, Trạm y tế xã đã thống kê, toàn xã hiện có 86 người nhiễm HIV/AIDS đang trong diện quản lý. Bản nhiều người nhiễm “ết” nhất là Noong Hẻo I với 18 người và bản có nhiều người chết do “ết” nhiều nhất là Nậm Há I (trong 3 năm trở lại đây) có tới 12 người.

Đến giờ, mỗi khi nhắc đến câu chuyện người chết vì ma túy và “ết” thì người dân lại nhớ tới đôi vợ chồng già Lò Văn Đẩu ở bản Nậm Há I. Dù đã hơn 60 tuổi nhưng 2 vợ chồng vẫn phải bươn trải với cuộc sống hàng ngày để nuôi cậu con trai cuối cùng đang nằm chờ thần chết mang đi vì đã nhiễm “ết” giai đoạn cuối.

Xã Noong Hẻo có 15 bản, 100% là đồng bào dân tộc Thái, với 1.014 hộ, 6.017 nhân khẩu. Khu vực bãi vàng Phiêng Chạng tiếp giáp với bản Chinh Sáng, xã Khun Há (huyện Tam Đường) và bản Nậm Béo, xã Pu Sam Cáp (huyện Sìn Hồ) và 7 bản bị ảnh hưởng chính từ bãi vàng là Phiêng Chạng I, Phiêng Chạng II, Nậm Há I, Nậm Há II, Ta Pưn, Na Sái, Păn Ngọi. Trong khi đang thực hiện loạt bài viết này thì một lãnh đạo xã cho biết: Vừa qua huyện Sìn Hồ lại có văn bản chỉ đạo chính quyền địa phương “dẹp” bỏ bãi vàng. Tuy nhiên, để chấm dứt sự hoạt động công khai của “vàng tặc”, ngoài sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, rất cần sự hỗ trợ của lực lượng chức năng tỉnh, huyện để đảm bảo sự bình yên cho các bản làng vùng cao xã Noong Hẻo.

Ông bà sinh hạ được 4 người con (3 trai, 1 gái). Cuộc sống tưởng chừng êm đềm trôi qua với tháng ngày làm nương, đi rừng, cơm no, áo ấm. Từ ngày bãi vàng Phiêng Chạng xuất hiện, 3 cậu con trai lần lượt xin bố mẹ đi làm thuê với mong muốn một ngày gặp may để đổi đời.

Trong những ngày ăn rừng, ngủ núi cả 3 người con của ông đã không làm chủ được bản thân khi mắc nghiện ma túy rồi nhiễm HIV/AIDS. 2 đứa con trai đã chết vì “ết”. Đứa con gái xấu số chết cách đây hơn 1 năm vì tai nạn giao thông. Hôm nay, cậu con trai cuối cùng cũng sắp bỏ ông bà ra đi vì nhiễm HIV giai đoạn cuối.

Vàng đã và đang “gặm nhấm” đời sống người dân ở các bản nghèo trên địa bàn xã Noong Hẻo nhiều năm nay. Hệ lụy từ bãi vàng Phiêng Chạng mang lại đã rõ. Đã đến lúc chính quyền địa phương cần quyết liệt vào cuộc để bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và cuộc sống người dân nơi đây.

P.V

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...